Đề xuất áp dụng bảng giá đất cũ cho người mua nhà ở công tại TP.HCM
Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng (HMCIC) thuộc Sở Xây dựng TP.HCM vừa gửi tờ trình đến Sở Xây dựng về việc áp dụng quy định chuyển tiếp bảng giá đất để tính nghĩa vụ tài chính theo Quyết định số 79.
Theo Quyết định số 79, có hiệu lực từ ngày 31/10, quy định về tiền chuyển quyền sử dụng đất ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước (trường hợp trước ngày 5/7/1994 và từ 5/7/1994 đến 19/1/2007) sẽ được tính theo bảng giá tại thời điểm ký hợp đồng mua bán (bảng giá đất điều chỉnh của thành phố sẽ được áp dụng với các trường hợp này).
Tuy nhiên, HMCIC cho rằng việc áp dụng bảng giá đất mới với trường hợp người dân đã đăng ký mua nhà thuộc sở hữu Nhà nước nhưng chưa được duyệt sẽ khiến họ gặp thiệt thòi.
Nguyên nhân là do trong thời gian qua, HMCIC đã tiếp nhận 786 đơn đề nghị mua nhà ở cũ thuộc tài sản công và đang tiến hành xử lý để báo cáo lên Sở Xây dựng, sau đó trình Hội đồng xác định giá nhà ở cũ.
Với số lượng hồ sơ rất lớn, đơn vị này nhận thấy nếu áp dụng bảng giá đất mới, nghĩa vụ tài chính của người dân có thể tăng từ 4 đến 7 lần so với bảng giá cũ, gây khó khăn cho người dân. Do đó, HMCIC kiến nghị Sở Xây dựng trình UBND TP.HCM cho phép áp dụng giá đất cũ cho các đơn nộp trước ngày 31/10.
Bên cạnh đó, Quyết định số 79 quy định chỉ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được tiếp nhận hồ sơ mua nhà. Điều này gây ra băn khoăn về việc liệu các đơn nộp tại đơn vị quản lý vận hành nhà ở (không phải cơ quan nhà nước) có được áp dụng quy định chuyển tiếp của Quyết định số 79 hay không.
HMCIC cũng cho rằng việc áp dụng bảng giá đất mới cho các hồ sơ đã đăng ký nhưng chưa duyệt sẽ làm người dân thiệt thòi. Do đó, để rõ ràng về quy định chuyển tiếp, HMCIC đề xuất cho phép các hồ sơ đã nộp trước ngày 31/10 được áp dụng bảng giá tại thời điểm nộp đơn, nhằm tránh tăng nghĩa vụ tài chính quá cao do thay đổi giá đất mới.
Ngoài ra, HMCIC còn kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận cho các đơn mua nhà nộp tại các đơn vị quản lý như Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng, Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh nhà TP.HCM, hoặc Sở Xây dựng đều được áp dụng quy định chuyển tiếp tại Quyết định số 79.
Cuối tháng 10, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 79/2024 về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 02/2020 quy định về bảng giá đất trên địa bàn TP.HCM, có hiệu lực thi hành từ ngày 31/10/2024 đến 31/12/2025.
Khi bảng giá đất mới được ban hành, giá đất cao nhất 687,2 triệu đồng/m2 thuộc ba tuyến đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi ở quận 1, tăng hơn 4 lần so với bảng giá cũ. Đường Hàm Nghi và Hàn Thuyên tại quận 1 cũng có mức giá khoảng 430 triệu đồng/m2, tăng khoảng 4 lần so với bảng giá cũ.
Ở các huyện vùng ven, giá đất cũng thay đổi mạnh. Cụ thể, đường Song Hành quốc lộ 22 tăng từ 1,4 triệu đồng lên 32 triệu đồng/m2, trong khi đường Đặng Công Bình từ 600 nghìn đồng/m2 lên 18,5 triệu đồng/m2 sau khi điều chỉnh.
Khu vực Cần Giờ có giá đất tương đối thấp hơn ở một số quận, huyện khác. Tại khu dân cư ấp Thiềng Liềng, giá là 2,3 triệu đồng/m2; khu dân cư Thạnh Bình và Thạnh Hòa có giá là 3 triệu đồng/m2.
TP.HCM có khoảng 10.000 nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước đang cho thuê hoặc bỏ trống. Đối với những nhà đất đang cho thuê, thành phố dự kiến bán hóa giá cho người sử dụng thuộc diện có công hoặc cán bộ Nhà nước. Để mua những căn nhà này, người dân phải nộp hồ sơ mua theo quy định pháp luật, tuy nhiên thủ tục hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn.