Đề xuất 3 bậc thẩm phán Tòa án nhân dân
Tòa án nhân dân (TAND) tối cao lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về bậc, điều kiện từng bậc, việc nâng bậc và số lượng, cơ cấu tỷ lệ các bậc thẩm phán TAND.
Ba bậc thẩm phán
Có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, Luật Tổ chức TAND năm 2024 quy định, thẩm phán gồm 2 ngạch (thẩm phán TAND Tối cao và thẩm phán TAND). Đối với ngạch thẩm phán, tại dự thảo, TAND tối cao đề xuất có 3 bậc, gồm: Thẩm phán TAND bậc 1, thẩm phán TAND bậc 2 và thẩm phán TAND bậc 3. Theo đó, để trở thành thẩm phán TAND bậc 1, trước hết cần có đủ điều kiện bổ nhiệm thẩm phán TAND theo quy định tại Khoản 1, Điều 95 Luật Tổ chức TAND 2024.
Cụ thể, công dân Việt Nam, có bằng cử nhân luật, làm công tác pháp luật đủ 5 năm trở lên, đậu kỳ thi tuyển chọn thẩm phán; có năng lực xét xử, giải quyết những vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền của TAND cấp huyện, tòa án quân sự khu vực hoặc năng lực thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của thẩm phán TAND công tác tại TAND tối cao. Thứ hai, đủ điều kiện bổ nhiệm thẩm phán TAND theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 95 Luật Tổ chức TAND 2024 (tuyển chọn trong trường hợp đặc biệt, có thời gian công tác pháp luật từ đủ 10 năm trở lên); được điều động để đảm nhiệm một trong các chức vụ phó chánh án TAND cấp huyện, phó chánh án tòa án quân sự khu vực.
Đối với thẩm phán TAND bậc 2, đáp ứng một trong các điều kiện: Có ít nhất 5 năm làm thẩm phán TAND bậc 1; có năng lực xét xử, giải quyết những vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền của TAND cấp tỉnh, TAND sơ thẩm chuyên biệt, tòa án quân sự quân khu và tương đương hoặc năng lực thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của thẩm phán TAND công tác tại TAND tối cao theo quy định. Thứ hai, đủ điều kiện bổ nhiệm thẩm phán TAND theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 95 Luật Tổ chức TAND 2024; được điều động đảm nhiệm một trong các chức vụ chánh án TAND cấp huyện, chánh án tòa án quân sự khu vực. Thứ ba, đủ điều kiện bổ nhiệm thẩm phán TAND theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 95 (tuyển chọn trong trường hợp đặc biệt, có thời gian công tác pháp luật từ đủ 15 năm trở lên); được điều động đảm nhiệm một trong các chức vụ phó chánh án TAND cấp tỉnh, phó chánh án TAND sơ thẩm chuyên biệt, phó chánh án tòa án quân sự quân khu và tương đương.
Để trở thành thẩm phán TAND bậc 3 cần đáp ứng một trong các điều kiện, gồm: Thứ nhất, có ít nhất 5 năm làm thẩm phán TAND bậc 2; có năng lực xét xử, giải quyết những vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền của TAND cấp cao, Tòa án quân sự Trung ương hoặc năng lực thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của thẩm phán TAND công tác tại TAND tối cao theo quy định. Thứ hai, đủ điều kiện bổ nhiệm thẩm phán TAND theo quy định tại Điểm b, Khoản 2 Điều 95; được điều động để đảm nhiệm một trong các chức vụ chánh án TAND cấp tỉnh, chánh án, phó chánh án TAND cấp cao, chánh án TAND sơ thẩm chuyên biệt, chánh án tòa án quân sự quân khu và tương đương, phó chánh án Tòa án quân sự Trung ương.
Điều kiện nâng bậc
Sau khi xây dựng 3 bậc thẩm phán TAND, TAND tối cao, dự thảo quy định việc nâng bậc thẩm phán từ bậc 1 lên bậc 2 và từ bậc 2 lên bậc 3. Đơn cử, thẩm phán TAND bậc 1 thuộc 1 trong 4 trường hợp được xét nâng bậc lên thẩm phán TAND bậc 2: Trong 5 năm công tác tính đến thời điểm xét nâng bậc, không có án quá hạn luật định, số lượng án bị hủy và án bị sửa do nguyên nhân chủ quan không vượt tỷ lệ do Chánh án TAND tối cao quy định, liên tục được xếp loại công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong đó có ít nhất 1 năm được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Được bổ nhiệm giữ chức vụ chánh án TAND cấp huyện, chánh án tòa án quân sự khu vực. Đảm nhiệm chức vụ phó chánh án TAND cấp huyện từ 5 năm trở lên. Trong nhiệm kỳ giữ chức vụ tính đến thời điểm xét nâng bậc, liên tục được xếp loại công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Trong năm hoặc năm liền kề trước thời điểm xét nâng bậc thẩm phán, đạt một trong các danh hiệu: Thẩm phán giỏi; Thẩm phán tiêu biểu; Thẩm phán mẫu mực.
Ngoài ra, dự thảo nghị quyết cũng quy định đối với thẩm phán cao cấp, thẩm phán trung cấp, thẩm phán sơ cấp theo quy định Luật Tổ chức TAND 2014 được chuyển thành thẩm phán TAND và được Chánh án TAND tối cao xếp bậc thẩm phán TAND theo luật mới. Cụ thể, thẩm phán cao cấp được xếp vào thẩm phán TAND bậc 3; thẩm phán trung cấp được xếp vào thẩm phán TAND bậc 2; thẩm phán sơ cấp được xếp vào thẩm phán TAND bậc 1.
Luật sư Trần Ngọc Phước, Đoàn Luật sư tỉnh cho biết, so với Luật Tổ chức TAND 2014, Luật Tổ chức TAND 2024 thay đổi cơ bản về ngạch, bậc của thẩm phán TAND. Luật quy định có 2 ngạch thẩm phán TAND tối cao và thẩm phán TAND, phù hợp với đặc thù công tác xét xử, khắc phục nhiều vướng mắc trong quá trình xét xử vụ kiện, góp phần nâng cao niềm tin của người dân đối với công lý và tin tưởng của đương sự đối với thẩm phán. Theo Hiến pháp hiện hành, Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức thẩm phán TAND tối cao. Các ngạch thẩm phán đều do Chủ tịch nước bổ nhiệm, riêng thẩm phán TAND tối cao phải do Quốc hội phê chuẩn.
Để Luật Tổ chức TAND 2024 được triển khai thi hành đồng bộ, cần ban hành những quy định hướng dẫn, trong đó, quy định hướng dẫn chi tiết về bậc, điều kiện nâng bậc của thẩm phán TAND.