Đề xuất 2 phương án tham gia BHXH bắt buộc với chủ hộ kinh doanh

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất hai phương án quy định cụ thể nhóm chủ hộ kinh doanh phải tham gia BHXH bắt buộc.

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2024, có hiệu lực từ 1-7-2025, quy định chủ hộ của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, luật giao Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể các nhóm đối tượng tham gia.

Đề xuất 2 phương án

Thống kế của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy cả nước có hơn 5,1 triệu hộ kinh doanh cá thể, gấp 6 lần số doanh nghiệp với 1,7 triệu hộ có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm đang đóng thuế. Nhóm này chưa đóng BHXH bắt buộc và cũng chỉ có rất ít hộ kinh doanh tham gia BHXH tự nguyện.

Để tăng diện bao phủ của chính sách BHXH, Luật BHXH mới đưa đối tượng này vào diện bắt buộc tham gia BHXH. Tuy nhiên, nhóm chủ hộ kinh doanh được xem là khá phong phú và đa dạng nên luật giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

 Nhân viên BHXH tuyên truyền chủ hộ kinh doanh tham gia BHXH để về già có lương hưu. Ảnh: N.NAM

Nhân viên BHXH tuyên truyền chủ hộ kinh doanh tham gia BHXH để về già có lương hưu. Ảnh: N.NAM

Với yêu cầu nêu trên, Bộ LĐ-TB&XH đang tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc. Trong đó, cơ quan soạn thảo đề xuất 2 phương án tham gia BHXH bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh. Cụ thể:

Phương án 1, chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai; chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh không thuộc đối tượng đăng ký nộp thuế theo phương pháp kê khai mà có đề nghị tham gia BHXH bắt buộc.

Phương án 2, chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và có đề nghị tham gia BHXH bắt buộc.

Nhiều quan điểm khác nhau

Góp ý đề xuất trên, ông Nguyễn Văn Hoạt, chủ doanh nghiệp đồ gỗ ở huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh), khẳng định rất ủng hộ quy định đưa chủ hộ kinh doanh vào diện tham gia BHXH bắt buộc. Sở dĩ, cá nhân ông thấy chính sách BHXH có nhiều chế độ tốt, đặc biệt là với những người hết tuổi lao động.

“Hiện tôi đang tham gia BHXH tự nguyện và chỉ có hai chính sách là hưu trí và tử tuất. Trường hợp đóng BHXH bắt buộc, tôi còn được thêm chế độ thai sản, bảo hiểm thất nghiệp… đặc biệt có thêm thẻ BHYT. Do đó, chính sách này cần triển khai càng sớm càng tốt”- ông Hoạt nói.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Hằng - chủ một cửa hàng ăn nhanh ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), lại có quan điểm không nên bắt buộc tất cả chủ hộ kinh doanh phải tham gia BHXH. Chị Hằng cho rằng thu nhập của nhiều hộ kinh doanh không lớn, lại biến động theo tháng, nếu trích ra đóng BHXH sẽ gây khó khăn về tài chính cho gia đình.

Thêm vào đó, hai vợ chồng chị đều tham gia kinh doanh, chị đứng tên toàn bộ giấy tờ nên về nguyên tắc chị sẽ là người phải tham gia BHXH bắt buộc: “Như vậy tức là tôi lấy tiền thu nhập của hai vợ chồng tham gia BHXH nhưng chỉ có mình tôi hưởng, khi gia đình xảy ra đỗ vỡ thì chia khoản này thế nào?”- chị Hằng thắc mắc.

Vì vậy, chị Hằng đề xuất chỉ nên khuyến khích các chủ hộ kinh doanh tham gia BHXH theo hình thức tự nguyện.

Đại diện một cơ quan BHXH cũng cho rằng “chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và có đề nghị tham gia BHXH bắt buộc” là chưa hợp lý “vì tính chất BHXH bắt buộc là buộc anh phải đóng".

Còn đại diện BHXH tỉnh Ninh Bình đề xuất nên chọn phương án người tham gia BHXH bắt buộc là “chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai”, bởi đây là nhóm có thu nhập ổn định.

Về những vấn đề trên, Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), cho rằng mức đóng BHXH bắt buộc của chủ hộ kinh doanh đã được quy định rõ trong Luật BHXH 2024. Theo đó, chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh tham gia BHXH bắt buộc được lựa chọn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc, nhưng thấp nhất bằng mức tham chiếu và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng.

“Như vậy, có thể hiểu đối tượng không có tiền lương thì được lựa chọn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc từ mức thấp đến cao như luật định”- vị này cho hay.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết Nghị quyết 28 của Ban chấp hành Trung ương đặt mục tiêu phấn đấu tiến tới BHXH toàn dân, đa tầng. Song song đó, Nghị quyết 42 của Ban chấp hành Trung ương cũng nêu đến năm 2030 đạt độ bao phủ là 60% nên việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH trong Luật BHXH mới là tất yếu.

Riêng với đối tượng là hộ kinh doanh, qua lấy ý kiến cho thấy việc họ tham gia BHXH bắt buộc là phù hợp.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/de-xuat-2-phuong-an-tham-gia-bhxh-bat-buoc-voi-chu-ho-kinh-doanh-post828252.html
Zalo