Đề xuất 11 hình thức tương trợ tư pháp hình sự giữa Việt Nam và nước ngoài

Sáng 26/5, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao Nguyễn Huy Tiến trình bày trước Quốc hội Tờ trình dự án Luật Tương trợ tư pháp về hình sự, gồm 4 chương, 39 điều, trên cơ sở kế thừa những quy định phù hợp của Luật tương trợ tư pháp năm 2007 và bổ sung những quy định mới.

Dự thảo Luật quy định 11 hình thức tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và nước ngoài. Đáng chú ý trong đó là quy định về lấy lời khai trực tiếp, trực tuyến; chuyển giao tạm thời người đang bị tạm giam hoặc đang chấp hành án phạt tù ở nước được yêu cầu sang nước yêu cầu để hỗ trợ điều tra, cung cấp chứng cứ; tổ chức cho người ở nước được yêu cầu sang nước yêu cầu để hỗ trợ điều tra, cung cấp chứng cứ; tổ chức cho người có thẩm quyền ở nước yêu cầu sang nước được yêu cầu có mặt trong quá trình thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự...

Dự thảo Luật cũng quy định VKSND tối cao là Cơ quan trung ương của Việt Nam trong tương trợ tư pháp về hình sự.

Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến trình bày tờ trình trước Quốc hội. (Ảnh: Quốc hội)

Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến trình bày tờ trình trước Quốc hội. (Ảnh: Quốc hội)

Đối với quy định xử lý trường hợp nước ngoài đề nghị Nhà nước Việt Nam đưa ra cam kết không áp dụng hình phạt tử hình hoặc không thi hành hình phạt tử hình để thực hiện yêu cầu tương trợ của Việt Nam, dự thảo luật quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan trung ương, quan hệ phối hợp giữa các cơ quan có liên quan để thống nhất việc đưa ra cam kết.

“Trong đó, cơ quan trung ương về tương trợ tư pháp hình sự làm đầu mối trình Chủ tịch nước xem xét quyết định trong từng trường hợp cụ thể; quy định trường hợp Việt Nam yêu cầu nước ngoài cam kết không thi hành hình phạt tử hình để thực hiện yêu cầu tương trợ”, Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến nói.

Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị VKSND tối cao tiếp tục phối hợp với các cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án Luật Tương trợ tư pháp về dân sự, Luật Dẫn độ, Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù là những luật được tách ra từ Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 và các dự án luật về tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp, tố tụng tư pháp đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Ủy ban cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc hình thức tương trợ “chuyển giao tạm thời người đang bị tạm giam hoặc đang chấp hành án phạt tù ở nước được yêu cầu sang nước yêu cầu để hỗ trợ điều tra, cung cấp chứng cứ”.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng, hình thức này có thể xuất phát từ phía Việt Nam yêu cầu hoặc từ phía nước ngoài yêu cầu, tuy nhiên, điều kiện, trình tự, thủ tục chuyển giao mới chỉ quy định nước ngoài yêu cầu là chưa đầy đủ, đề nghị bổ sung các quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục tương ứng với trường hợp phía Việt Nam yêu cầu.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng. (Ảnh: Quốc hội)

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng. (Ảnh: Quốc hội)

Về quy định xem xét yêu cầu liên quan đến hình phạt tử hình, Ủy ban cơ bản tán thành nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thời gian qua khi một số yêu cầu tương trợ tư pháp của Việt Nam bị nước ngoài từ chối do có liên quan đến hình phạt tử hình nhưng Luật Tương trợ tư pháp hiện hành chưa có cơ chế cam kết không áp dụng hình phạt tử hình hoặc không thi hành hình phạt tử hình.

Ủy ban cũng tán thành quy định về VKSND tối cao là Cơ quan trung ương trong tương trợ tư pháp về hình sự, tiếp tục kế thừa quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự và phù hợp với các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự hiện nay. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, điều chỉnh nhiệm vụ cụ thể của cơ quan này để bảo đảm phù hợp với vai trò là “đầu mối”.

Lê Hoàng/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/de-xuat-11-hinh-thuc-tuong-tro-tu-phap-hinh-su-giua-viet-nam-va-nuoc-ngoai-post1202184.vov
Zalo