Để 'vượt ải' thi vào lớp 10 thành công với môn Tiếng Anh
Cô Nguyễn Thị Hương Quỳnh, Trường THCS Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) lưu ý thí sinh ôn tập, làm bài thi tiếng Anh vào lớp 10 (Hà Nội) đạt kết quả tốt.

Thí sinh Hà Nội trong kỳ thi vào lớp 10 năm 2024.
Sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố cấu trúc định dạng và đề minh họa tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm 2025 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đề minh họa được xây dựng theo xu hướng tăng cường tính thực tiễn, đòi hỏi khả năng suy luận, liên hệ thực tế thay vì chỉ kiểm tra kiến thức ngữ pháp, từ vựng rời rạc.
Để “vượt ải” môn Tiếng Anh thành công trong kỳ thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội, bên cạnh nền tảng ngữ pháp chắc chắn, vốn từ vựng phong phú, thí sinh cần rèn luyện kỹ năng ngôn ngữ thường xuyên, chủ động hơn.
Dưới đây là một số lời khuyên cô Nguyễn Thị Hương Quỳnh, giáo viên Trường THCS Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội), giúp thí sinh tự tin, vững vàng hơn khi làm bài thi Tiếng Anh, kỳ thi vào lớp 10 tới đây.
Thiết lập mục tiêu học tập và xây dựng lộ trình ôn tập phù hợp
Tùy theo năng lực của bản thân, cùng với trường THPT mà mình hướng tới, thí sinh cần xác định mức điểm số cần đạt được trong kỳ thi với môn Tiếng Anh.
Từ đó, các em xây dựng lộ trình học tập chi tiết theo ngày cho mình và cần duy trì, bám sát mục tiêu đó. Trong trường hợp gặp khó khăn, hãy tìm tới sự đồng hành, hỗ trợ của thầy cô và bố mẹ.
Nhận diện cấu trúc đề thi và các dạng bài thường gặp
Đề thi Tiếng Anh vào lớp 10 có các phần quen thuộc như ngữ âm (phát âm và trọng âm), từ vựng - ngữ pháp, chức năng giao tiếp, đọc hiểu trả lời câu hỏi, đọc điền khuyết thông tin, tìm câu đồng nghĩa…
Bên cạnh đó, đề xuất hiện một số dạng mới, như đọc hiểu nội dung biển báo, đọc sắp xếp văn bản, đọc điền thông báo hay ghép nối nội dung thành đoạn văn hoàn chỉnh.
Ngoài ra, một số điểm khác biệt nữa có thể kể đến việc kiểm tra từ đồng nghĩa, trái nghĩa được lồng vào trong bài đọc hiểu thay vì trong các câu hỏi riêng lẻ, không còn bài xác định lỗi sai…
Ôn tập các nội dung ngữ pháp cốt lõi, theo chuyên đề
Thí sinh hãy ôn tập kiến thức ngữ pháp theo chuyên đề, tập trung vào các chuyên đề sau: Các thì cơ bản, mạo từ, từ chỉ số lượng, thể bị động, thể giả định (câu điều kiện, wish…), từ nối, mệnh đề quan hệ, lời nói gián tiếp, động từ nguyên mẫu, động danh từ…
Các em cũng nên luyện tập các chuyên đề theo đa dạng các hình thức câu hỏi, tương ứng với các dạng bài trong đề thi minh họa để làm quen và cải thiện kết quả.
Củng cố, xây dựng và mở rộng vốn từ vựng
Để đạt được điểm cao, học sinh cần có vốn từ vựng nhất định, đáp ứng được chuẩn đầu ra A2 theo Chương trình GDPT 2018 đối với học sinh kết thúc cấp học THCS.
Các em nên thường xuyên củng cố, xây dựng và mở rộng vốn từ thông qua các hình thức khác nhau, như sử dụng flash cards, sơ đồ tư duy…
Không chỉ dừng ở việc học từ đơn lẻ, các em cần chủ động định vị, hệ thống được các từ thường gặp trong các văn bản, ngữ cảnh thân thuộc, học theo cụm từ, collocations… xoay quanh 4 chủ điểm chính được quy định trong Chương trình GDPT 2018 ở THCS là: Cộng đồng của chúng ta, Di sản của chúng ta, Thế giới của chúng ta, Tầm nhìn tương lai…
Các em đồng thời luyện tập đặt câu để gắn từ vựng với thực tiễn, trải nghiệm của chính bản thân để ghi nhớ tốt hơn.
Rèn kỹ năng đọc hiểu
Đối với các dạng bài đọc hiểu các văn bản khác nhau, thí sinh có thể đọc trước câu hỏi để định hướng được yêu cầu của bài.
Hãy lưu ý, không phải tất cả câu hỏi trong các văn bản đọc đều kiểm tra về khả năng đọc hiểu toàn bài, mà có một phần trong đó kiểm tra về việc sử dụng kiến thức ngôn ngữ (từ vựng và ngữ pháp) trong văn bản.
Do đó, hãy cân nhắc kỹ khi sử dụng các kỹ thuật trong đọc hiểu, như skimming hay scanning. Đọc đúng cách sẽ giúp các em tiết kiệm thời gian hơn trong quá trình tìm thông tin chi tiết câu trả lời.
Luyện tập thường xuyên
Một điều quan trọng trước mỗi kỳ thi là hãy luyện tập thường xuyên. Hiện nay, các em có thể tiếp cận đa dạng các nguồn đề thi thử, đề minh họa theo mẫu của đề minh họa do Sở GD&ĐT công bố từ giáo viên giảng dạy trực tiếp, hay từ các nguồn học liệu uy tín trên mạng.
Các em cần chủ động khai thác các nguồn học liệu đó, luyện tập để làm quen với dạng bài, cách phân bổ thời gian và áp lực phòng thi. Sau mỗi đề luyện tập, hãy kiểm tra kỹ đáp án để hiểu rõ lỗi sai và khắc phục.
Các em hãy tập hợp những lỗi sai mình hay mắc phải hoặc những cấu trúc quan trọng vào sổ ghi chú cá nhân để có thể thường xuyên xem, ôn lại.
Tuy nhiên cần lưu ý, khi ôn tập cần cân bằng với nghỉ ngơi, tránh căng thẳng quá mức để đảm bảo việc tiếp thu kiến thức được hiệu quả và giữ được trạng thái sức khỏe tốt nhất, sẵn sàng cho ngày thi.
Xây dựng chiến lược làm bài thi hiệu quả
Cuối cùng, các em cần luôn giữ tâm thế tốt nhất, đọc đề kỹ, loại trừ đáp án sai, phân bổ thời gian hợp lý, tránh bỏ trống đáp án và kiểm tra kỹ lại bài trước khi nộp.