Để võ cổ truyền ngày càng phát triển

Võ cổ truyền là môn võ truyền thống và có chỗ đứng trong lòng người hâm mộ Phú Yên, được nhiều người yêu thích, tập luyện. Tuy nhiên, để môn thể thao này ngày càng phát triển, đúng hướng và tạo được bức tranh nhiều màu sắc cho phong trào TDTT, những người làm võ thuật cần có sự đoàn kết và tạo điều kiện cho những người trẻ.

Võ cổ truyền luôn có chỗ đứng trong lòng người hâm mộ thể thao Phú Yên. Ảnh: NGÔ NHẬT

Võ cổ truyền luôn có chỗ đứng trong lòng người hâm mộ thể thao Phú Yên. Ảnh: NGÔ NHẬT

Chấn chỉnh hoạt động hội

Theo Sở VHTT&DL, võ cổ truyền là một trong những môn thể thao thu hút nhiều người tập luyện trên địa bàn tỉnh, với khoảng 2.000 võ sinh, 39 CLB hoạt động trải khắp 9 huyện, thị xã, thành phố. Sự phong phú và hiệu quả của các thế võ trong việc rèn luyện sức khỏe, tự vệ, kết hợp với tinh thần võ đạo được hun đúc từ lịch sử ngàn năm chống giặc ngoại xâm của ông cha ta, tạo nên sự khác biệt của môn võ này so với những môn võ hiện đại du nhập vào Việt Nam.

Thực tế cho thấy, Giải Võ cổ truyền các lứa tuổi tỉnh Phú Yên do Sở VHTT&DL tổ chức tại các địa phương luôn thu hút đông đảo VĐV đến từ các CLB trong tỉnh tham gia tranh tài. Lượng khán giả cổ vũ và theo dõi tại các giải võ cổ truyền đặc biệt đông đảo. Các trận thượng đài luôn mang đến cho người xem bầu không khí thi đấu võ thuật truyền thống, như cách mà nhiều người mê võ đã trải nghiệm vào cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Đó là giá trị mà võ cổ truyền cần gìn giữ và phát huy trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận khách quan, phong trào võ cổ truyền trên địa bàn tỉnh vẫn chưa phát triển tương xứng với truyền thống và tiềm lực. Một trong những nguyên nhân là thiếu sự đoàn kết, nhất quán của các thành viên Ban Chấp hành Hội Võ cổ truyền tỉnh trong việc xây dựng kế hoạch hoạt động, phương hướng phát triển bền vững môn võ cổ truyền. Đây là một trong những nguyên nhân khiến việc tổ chức Đại hội Hội Võ cổ truyền Phú Yên nhiệm kỳ 2024-2029 của hội trì trệ.

Ngày 21/8, Hội Võ cổ truyền Phú Yên có buổi làm việc giới thiệu nhân sự dự bầu chủ tịch, phó chủ tịch và ban chấp hành hội nhiệm kỳ 2024-2029. Cụ thể, Hội Võ cổ truyền Phú Yên nhiệm kỳ 2024-2029 sẽ có chủ tịch, 4 phó chủ tịch và 25 thành viên ban chấp hành. Ngày 29/8, tổ chức xã hội nghề nghiệp này đã có văn bản báo cáo Sở Nội vụ, Sở VHTT&DL, Liên đoàn Võ thuật xin ý kiến chủ trương tiến hành đại hội. Tuy nhiên, mới đây xuất hiện nhiều đơn thư kiến nghị về cuộc họp nhân sự nói trên, khiến dư luận và làng võ Phú Yên “dậy sóng”.

“Chúng tôi có nhận thông tin các đơn kiến nghị về công tác nhân sự của Hội Võ cổ truyền Phú Yên nhiệm kỳ 2024-2029. Hiện tại đã giao người đứng đầu hội này tiếp nhận và xử lý trả lời thỏa đáng”, ông Nguyễn Ngọc Khuê, Trưởng phòng Quản lý TDTT (Sở VHTT&DL), Tổng thư ký Liên đoàn Võ thuật Phú Yên cho biết.

Tìm tiếng nói chung, tạo sự mới mẻ, sức bật mới

Như đã phân tích, với số lượng võ sinh và CLB đang hoạt động, tiềm lực để phát triển môn võ cổ truyền tại Phú Yên là rất lớn. Bên cạnh các võ sư, các lò võ có bề dày truyền thống, đội ngũ HLV có sức trẻ, trình độ, đam mê và chí hướng phát triển được xem là nền tảng để phát triển môn võ cổ truyền trong tương lai. Đây cũng là tiêu chí quan trọng để lựa chọn nhân sự Ban Chấp hành Hội Võ cổ truyền Phú Yên nhiệm kỳ 2024-2029.

Trong số các võ sư, HLV trẻ, một trong những người nổi bật là Nguyễn Ngọc Nhím. HLV sinh năm 1987 đóng góp rất lớn đối với phong trào tập luyện võ cổ truyền tại huyện miền núi Đồng Xuân. Không những tạo sân chơi cho các học sinh miền núi, sự tích cực của Nhím đã giúp huyện Đồng Xuân đạt thành tích cao tại các giải võ cổ truyền cấp tỉnh, cụ thể là vị trí nhất toàn đoàn tại Giải Võ cổ truyền các lứa tuổi tỉnh Phú Yên năm 2024.

Bên cạnh đó có thể kể đến Lê Minh Kha (huyện Tuy An), Hồ Phương Đại (TX Đông Hòa), Trương Mạnh Phương (Bộ CHQS tỉnh), Lê Thanh Hùng (TP Tuy Hòa), Phạm Tố Hữu (TX Đông Hòa), Nguyễn Hoài Vũ (huyện Tây Hòa), Phạm Bá Kiêm (huyện Phú Hòa)… Điểm chung của những HLV trẻ này là họ đang từng ngày gầy dựng phong trào tập luyện võ cổ truyền, tạo thêm nhiều món ăn tinh thần giá trị cho người dân. Đồng thời góp phần tìm ra những nhân tố mới cho các đội tuyển võ thuật Phú Yên thi đấu các giải quốc gia.

“Chúng tôi mong muốn Hội Võ cổ truyền tỉnh là ngôi nhà chung để mọi người cùng phát huy kinh nghiệm, năng lực, góp phần đưa võ cổ truyền đến với nhiều người dân, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho môn võ truyền thống của dân tộc”, HLV Nguyễn Ngọc Nhím cho biết.

Hiện tại võ cổ truyền là một trong những môn thể thao mũi nhọn của thể thao thành tích cao tỉnh tại các giải quốc gia hằng năm. Nếu Hội Võ cổ truyền Phú Yên đoàn kết, cùng chí hướng xây dựng kế hoạch phát triển phong trào, thì thể thao thành tích cao cũng sẽ phát triển mạnh. Nhiều VĐV tài năng sẽ được phát hiện, lựa chọn và tập luyện ở môi trường chuyên nghiệp, từ đó tạo ra thành tích cho thể thao Phú Yên trong tương lai.

“Ban Chấp hành Hội Võ cổ truyền Phú Yên nhiệm kỳ 2024-2029 sẽ là sân chơi của những người trẻ. Họ sẽ được tạo điều kiện để phát triển năng lực, chung tay phát triển võ cổ truyền trên địa bàn tỉnh. Đối với những ý kiến trái chiều, đơn kiến nghị liên quan đến công tác nhân sự, chúng tôi sẽ có buổi làm việc với cơ quan chức năng để giải quyết theo đúng quy định; mục tiêu cuối cùng là vì sự phát triển chung của võ cổ truyền trong thời gian tới”, đại võ sư Kim Yên, Chủ tịch Hội Võ cổ truyền tỉnh khẳng định.

Hiện nay, nếu nhìn nhận khách quan, phong trào võ cổ truyền trên địa bàn tỉnh vẫn chưa phát triển tương xứng với truyền thống và tiềm lực. Một trong những nguyên nhân là sự thiếu đoàn kết, nhất quán của các thành viên Ban Chấp hành Hội Võ cổ truyền Phú Yên trong việc xây dựng kế hoạch hoạt động, phương hướng phát triển bền vững môn võ cổ truyền.

NGÔ NHẬT

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/88/320673/de-vo-co-truyen-ngay-cang-phat-trien.html
Zalo