Để việc hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai đạt hiệu quả.
Những ngày này, nhiều tổ chức, cá nhân đã khởi phát các hoạt động vận động cứu trợ người dân bị ảnh hưởng từ cơn bão số 3. Những nghĩa cử cao đẹp này rất đáng trân trọng vì đã giúp người dân và chính quyền vượt qua những khó khăn ban đầu. Tuy nhiên, cứu trợ sao cho thật sự hiệu quả là việc cũng đang được nhiều người quan tâm.
Do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão, từ chiều ngày 06/9 đến sáng 10/9 toàn tỉnh đã có hơn 1.250 ngôi nhà bị tốc mái, sạt lở, ngập nước, trong đó có 214 nhà phải di dời khẩn cấp, 20 nhà bị cô lập do nước lũ, 8 nhà bị sập đổ hoàn toàn, gần 300 nhà bị ngập nước, có 210 hộ di dời đến nơi an toàn. Hơn 1.300ha đất nông, lâm nghiệp, thủy sản bị thiệt hại, nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở với khối lượng đất đá hơn 300.000m3, 45 công trình thủy lợi bị hư hỏng, 160m kè bờ sông bị sạt lở, các công trình nhà xưởng, cột điện, trụ sở UBND xã, trụ sở y tế, khu dân cư, trụ sở các nhà văn hóa bị sạt lở, hư hỏng... Ước tính thiệt hại sơ bộ khoảng 160 tỷ đồng. Đặc biệt lũ gây ngập úng cục bộ tại một số vùng trũng thấp như xã Nam Mẫu, Khang Ninh, huyện Ba Bể; xã Nam Cường huyện Chợ Đồn; thị trấn Yến Lạc huyện Na Rì, huyện Chợ Mới…
Đến nay, người dân các địa bàn bị ảnh hưởng của thiên tai đều đã được cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời bố trí nơi tránh trú an toàn, hỗ trợ những nhu yếu phẩm thiết yếu để duy trì cuộc sống. Theo thống kê nhanh đến ngày 11/9, riêng các xã trọng điểm bị ảnh hưởng thiên tai như Nam Cường huyện Chợ Đồn, Nam Mẫu huyện Ba Bể đã tiếp nhận tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng và 15 tấn gạo, cùng nhiều nhu yếu phẩm từ chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm.
Anh Trương Văn Nam, một người dân ở phường Phùng Chí Kiên, thành phố Bắc Kạn cho biết: Sau khi nghe thông tin thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh, nhiều nơi vẫn còn bị ngập sâu, tôi và bà Trương Thị Hà (Tập đoàn BALIOGO) cùng bạn bè, người thân đã góp hơn 100 triệu đồng, kịp thời mua những nhu yếu phẩm và mang tiền mặt lên ủng hộ bà con vùng còn bị ngập sâu thuộc huyện Chợ Đồn và huyện Ba Bể.
Chị Ngô Thị Hồng Nghiên, Giám đốc Công ty TNHH Market ở Hà Nội cho biết: Sau khi đọc được Thư kêu gọi ủng hộ Nhân dân tỉnh Bắc Kạn khắc phục hậu quả thiên tai do bão số 3 (Yagi) gây ra, tôi đã mua 200 thùng mì tôm, 200 thùng nước, 100 thùng sữa, cồn khô, quần áo... vận chuyển từ Hà Nội lên ủng hộ người dân vùng bị thiên tai.
Việc cứu trợ kịp thời đã giúp người dân vượt qua được những khó khăn bước đầu. Một số địa phương như xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể đã cơ bản ổn định được đời sống nhân dân và chủ động xin dừng cứu trợ từ ngày 11/9
Ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể cho biết: Rất cảm ơn các nhà hảo tâm và mạnh thường quân đã ủng hộ, quyên góp các nhu yếu phẩm như: Mì tôm, bánh kẹo, nước uống, sữa... Những chuyến hàng đã được lãnh đạo địa phương, MTTQ, các đoàn thể trao đến tận tay người dân. Tuy nhiên, trong khi còn nhiều điểm bị thiệt hại khác, người dân đang rất thiếu nhu yếu phẩm mà nhiều nhà hảo tâm và mạnh thường quân vẫn tập trung hỗ trợ cho xã là chưa phù hợp. Nên địa phương xin tạm thời dừng tiếp nhận về các nhu yếu phẩm kể từ ngày 11/9, để dành nguồn lực hỗ trợ, ủng hộ cho các địa phương khác gặp khó khăn hơn.
Tại buổi Lễ phát động ủng hộ Nhân dân bị thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn nhấn mạnh: Ảnh hưởng bão số 3 rất lớn, đây là thời điểm tinh thần tương thân tương ái được phát huy mạnh mẽ và được ghi nhận rất cao. Tuy nhiên, để công tác cứu trợ đạt hiệu quả thiết thực, phát huy tốt nguồn lực giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai, cần làm tốt công tác quản lý hoạt động cứu trợ, đảm bảo tiếp nhận và điều phối nguồn lực đóng góp được hợp lý, khoa học, tránh để xảy ra những việc đáng tiếc, làm ảnh hưởng đến tính nhân văn, cao đẹp của hoạt động cứu trợ.
Trên báo chí và các diễn đàn mạng xã hội, hiện cũng đang có nhiều ý kiến chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về vận động cứu trợ như cần phân biệt rõ cứu nạn, cứu hộ và cứu trợ. Thời điểm nào phù hợp và các điều cần lưu ý khi thực hiện cứu nạn, cứu hộ và cứu trợ. Những loại nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân trong từng giai đoạn. Kinh nghiệm để điều tiết, phân phối hàng cứu trợ ....
Trong đó, có một số kinh nghiệm rất đáng để các nhà vận động và người tham gia hoạt động cứu trợ tham khảo như: Trước khi tiến hành vận động ủng hộ, cần nắm thông tin nhu cầu của người dân qua cấp ủy, chính quyền địa phương hoặc trực tiếp từ người dân, xem họ đang cần gì, thiếu gì để giúp đúng cái người dân đang thiếu, đang cần. Nên thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh để việc điều phối các nguồn hỗ trợ, cứu trợ được hợp lý, tránh việc hỗ trợ bị dồn về một nơi, khó khăn trong công tác quản lý, trong khi nhiều nơi khác thì đang thiếu. Việc ủng hộ bằng tiền, tốt nhất là thông qua MTTQ tỉnh và các cấp chính quyền địa phương, tránh đưa trực tiếp vì MTTQ và chính quyền cơ sở sẽ là nơi nắm rõ nhất hộ nào cần giúp đỡ.
Để đảm bảo không người dân nào bị đói, khát và thiếu chỗ lưu trú, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn đã chỉ đạo các cấp, ngành chức năng và chính quyền địa phương phải khẩn trương hình thành các trung tâm tiếp nhận, hỗ trợ Nhân dân bị thiệt hại do bão số 3. Các nhu yếu phẩm đã tiếp nhận cần được phân phối kịp thời đến dân theo nguyên tắc đảm bảo khoa học, công bằng. Tỉnh cũng quán triệt các đoàn công tác của tỉnh, huyện đến thăm, động viên, kiểm tra ở các địa phương có phương án chủ động, tự túc về phương tiện, hậu cần và đảm bảo an toàn, không làm phiền cơ sở...
Bà Đỗ Thị Minh Hoa, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Kạn cho biết: Người dân vùng bị thiên tai, lũ lụt trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn vẫn đang rất cần sự quan tâm, giúp đỡ, ủng hộ, chia sẻ từ các cấp, các ngành và toàn xã hội về tinh thần, vật chất, hỗ trợ bằng tiền, nhu yếu phẩm, ngày công lao động. Đặc biệt là cần nhiều hơn các nguồn lực để xây dựng lại nhà cửa, tái thiết các hoạt động sản xuất, kinh doanh sau thiên tai. Rất mong mọi sự giúp đỡ, ủng hộ các nhà hảo tâm và mạnh thường quân nên thông qua MTTQ các cấp, đoàn thể, chính quyền địa phương để công tác cứu trợ được điều phối hợp lý và thuận lợi cho công tác quản lý, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ cho dân./.