Để văn học chắp thêm đôi cánh

Những ngày cuối tháng 10/2024 trôi qua, nhưng dư âm sôi động của Hội sách Frankfurt 2024 vẫn còn đó với nhiều suy ngẫm.

Bởi, Hội sách Frankfurt 2024 không chỉ là sự kiện văn hóa xuất bản lớn nhất thế giới với sự tham gia của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, mà đây còn là cơ hội để thúc đẩy giao lưu văn hóa và phát triển thị trường xuất bản toàn cầu - một trong những vấn đề không hề nhỏ, khi Việt Nam chúng ta đang trong giai đoạn thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa.

Dĩ nhiên, sau việc tham gia một “sân chơi” lớn như Frankfurt 2024, chúng ta sẽ phải mổ xẻ ở nhiều góc độ để rút ra kinh nghiệm. Và, ngay khi sự kiện này kết thúc vào ngày 20/10, chúng ta đã nhìn ra được nhiều vấn đề bổ ích. Việt Nam ta là một đất nước với bề dày văn hóa và lịch sử hàng nghìn năm, nơi nghề làm sách đã xuất hiện từ thế kỷ XV. Và, hiện nay, với sự phát triển của ngành xuất bản, Việt Nam đã trở thành quốc gia có nền kinh tế năng động và tiềm năng lớn trong lĩnh vực này.

Các đại biểu trao đổi trong Hội chợ sách Frankfurt 2024.

Các đại biểu trao đổi trong Hội chợ sách Frankfurt 2024.

Cho nên, đúng như phát biểu của ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tại Hội sách Frankfurt 2024, rằng “đây không chỉ là dịp để giới thiệu văn hóa Việt Nam mà còn là cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và thế giới”.

Một trong những mục tiêu chiến lược của Việt Nam tại Hội sách Frankfurt 2024 là thúc đẩy mối quan hệ hợp tác quốc tế. Đoàn Việt Nam đã giới thiệu đến hội sách hơn 1.000 ấn phẩm tiêu biểu, từ các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa đến khoa học, công nghệ; cùng với đó là có các buổi làm việc với lãnh đạo Trung tâm Hội chợ Frankfurt để thảo luận về việc ký kết biên bản ghi nhớ (MOU), hướng đến việc trở thành khách mời danh dự của hội sách vào năm 2028.

Đoàn Việt Nam còn trao đổi hợp tác với các đại diện ngành xuất bản từ Nhật Bản, Malaysia, Singapore và Ấn Độ; các nhà xuất bản Việt Nam đã gặp gỡ và giao dịch bản quyền với hơn 50 đơn vị xuất bản quốc tế, mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển cho thị trường sách Việt Nam.

Hội sách Frankfurt (hay Hội chợ sách Frankfurt) đã có bề dày hàng trăm năm, nhưng chỉ từ năm 1976 mới có việc một khách danh dự hoặc một trọng tâm quan tâm được đặt tên cho hội chợ, mà khởi điểm là châu Mỹ Latinh với tiêu điểm quan tâm là văn học Mỹ Latinh. Và, với gần 40 kỳ tổ chức từ 1976 đến nay của Hội sách Frankfurt, Việt Nam ta vẫn chưa nằm trong danh sách khách mời danh dự.

Cho nên, việc lãnh đạo đoàn Việt Nam có các buổi làm việc với lãnh đạo Trung tâm Hội sách Frankfurt để thảo luận về việc ký kết biên bản ghi nhớ, hướng đến việc trở thành khách mời danh dự của hội sách vào năm 2028, nếu đạt được thành công thì gợi mở nhiều vấn đề, trong đó có việc phải nỗ lực chuẩn bị để tạo được dấu ấn đối với bạn bè quốc tế.

Trong một diễn biến thời sự khác, cũng diễn ra trong tháng 10/2024, liên quan đến sự kiện nhà văn Han Kang vừa nhận giải Nobel Văn học, trở thành một trong những đại diện xuất sắc của nền văn học Hàn Quốc trên trường quốc tế. Dịch giả nổi tiếng Hàn Quốc - ông Ha Jae Hong đã có một chia sẻ rất đáng chú ý trên báo chí Việt Nam: "Các bạn Việt Nam hãy thành lập ngay Viện Dịch thuật văn học đi".

Nói đáng chú ý vì dịch giả này đã nhấn mạnh vai trò của dịch thuật văn học trong việc hỗ trợ quảng bá văn hóa dân tộc ra thế giới, tiếp cận độc giả đa quốc gia và tham gia vào cuộc đua giải thưởng văn học quốc tế. Và, như vậy, việc dịch thuật văn học không chỉ là một công cụ ngôn ngữ, mà thậm chí là một chiến lược quốc gia nhằm phát triển văn học và xây dựng lòng tự tôn dân tộc.

Theo những thông tin nhân sự kiện nhà văn Han Kang nhận giải Nobel Văn học, thì trong hơn 2 thập niên qua, Hàn Quốc đã phát triển mạnh mẽ thương hiệu quốc gia qua các sản phẩm văn hóa, nổi bật là làn sóng Hallyu với những bộ phim truyền hình, K-pop và nay là văn học. Hàn Quốc xem văn hóa là sản phẩm tinh thần và cũng là “chiến lược mềm” nhằm nâng cao vị thế quốc gia, thể hiện qua cách Chính phủ Hàn Quốc đầu tư vào văn học, dù đây là lĩnh vực ít phổ biến hơn so với âm nhạc và điện ảnh.

Han Kang là một trong những nhà văn được hưởng lợi lớn từ chiến lược quảng bá văn học Bộ Văn hóa Hàn Quốc, mà công đầu chính là Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc. Nhờ vậy, từ khi ra mắt tác phẩm "Người ăn chay" (The Vegetarian), Han Kang đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của độc giả quốc tế thông qua việc tác phẩm được dịch ra nhiều ngôn ngữ, dễ dàng tiếp cận với các tầng lớp độc giả đa quốc gia. Cho nên, việc được nhận giải Nobel Văn học không chỉ là thành công cá nhân của Han Kang, mà còn là thành công của một chiến lược quốc gia bài bản của Bộ Văn hóa Hàn Quốc trong quảng bá sản phẩm nghệ thuật, cụ thể ở đây là tác phẩm văn học.

Dĩ nhiên, chúng ta máy móc đến độ cứ phải có một pháp nhân “Viện Dịch thuật văn học Việt Nam” thì công tác dịch thuật mới phát triển. Vô vàn hình thức để chúng ta lựa chọn. Chúng ta cũng có rất nhiều dịch giả uyên bác. Tuy nhiên, căn bản của vấn đề là phải trả lời được câu hỏi: Công tác dịch thuật văn học và cả quảng bá văn học, chúng ta đã làm tốt chưa? Vướng mắc hay khó ở những khâu nào, để nhanh chóng tháo gỡ.

Chỉ có giải mã được những vấn đề này thì công tác dịch thuật mới đủ sức làm “bà đỡ” cho văn học nước nhà cất cánh, hòa vào nền văn học sôi động của thế giới.

Lương Duy Cường

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/de-van-hoc-chap-them-doi-canh-i748092/
Zalo