Để tuổi thơ thấm đẫm hương chè

Được nuôi dưỡng, bồi đắp những câu chuyện về chè từ thơ bé, các em sẽ thêm yêu hiểu về chè, biết được thế mạnh đặc trưng và văn hóa của vùng đất nơi mình sinh ra và trưởng thành. Nhận thức rõ điều đó, việc giáo dục tình yêu sản phẩm, văn hóa trà cho trẻ em, học sinh được nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thực hiện, lồng ghép với giáo dục địa phương.

Học sinh Trường Tiểu học Tân Cương (TP. Thái Nguyên) trải nghiệm tại khu chế biến sản xuất của Hợp tác xã Chè Hảo Đạt.

Học sinh Trường Tiểu học Tân Cương (TP. Thái Nguyên) trải nghiệm tại khu chế biến sản xuất của Hợp tác xã Chè Hảo Đạt.

Trồng chè dọc theo cổng trường, đưa gốc chè vào chậu trưng bày trong khuôn viên nhà trường; phối hợp với các hợp tác xã, cơ sở sản xuất chè trên địa bàn để tổ chức các buổi trải nghiệm về quá trình trồng, chăm sóc, chế biến; làm đầu mối kết nối giữa các trường trên địa bàn tỉnh tham quan vùng chè; tạo điều kiện tối đa để các em được tham gia các hoạt động lễ hội quảng bá về chè… Đó là những hình thức giáo dục tình yêu sản phẩm chè cho trẻ em đang được Trường Tiểu học Tân Cương (TP. Thái Nguyên) triển khai trong thời gian qua.

Cô giáo Nguyễn Thị Hoàng Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Cương: Trường hiện có hơn 500 học sinh, 80% gia đình các em đều đã và đang gắn bó với nghề làm chè. Lớn lên trong không gian văn hóa trà, các em ít nhiều hiểu về cây chè, nghề làm chè. Song để bồi đắp, nuôi dưỡng và cung cấp thêm cho các em những kiến thức bài bản về lịch sử, quá trình từ lúc trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến chè, Nhà trường thường tổ chức cho các em tham quan, trải nghiệm, chuẩn bị dụng cụ giảng dạy để tổ chức các tiết học về giáo dục địa phương ngay tại Hợp tác xã (HTX) chè Hảo Đạt và các hộ sản xuất kinh doanh chè lớn trên địa bàn.

Chú trọng hoạt động giáo dục trải nghiệm đặc biệt là giáo dục về tình yêu sản phẩm chè Thái Nguyên cũng được Trường Mầm non Thiên niên kỷ, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) thực hiện từ những ngày đầu thành lập (năm 2018) cho đến nay. Cô Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ: Hàng năm, nhà trường đều tổ chức tham quan, trải nghiệm, giáo dục từ những điều nhỏ nhất về cây chè cho các em. Các con đã được đi: Không gian văn hóa chè Tân Cương, HTX chè Thịnh An và một số hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ ở các vùng chè nổi tiếng của tỉnh. Ngoài những buổi tham quan thực tế, Nhà trường cũng trang trí không gian, tổ chức các buổi uống trà cho các em. Mới đây nhất, Nhà trường tổ chức tiết trải nghiệm “Tiệc trà đầu xuân”.

Các bé Trường Mầm non Thiên niên kỷ thích thú trải nghiệm "Tiệc trà đầu xuân".

Các bé Trường Mầm non Thiên niên kỷ thích thú trải nghiệm "Tiệc trà đầu xuân".

Các cô giáo cũng chia sẻ thêm rằng, những buổi trải nghiệm được lên kế hoạch chi tiết, phối hợp chặt chẽ với các điểm đến để các con học hỏi, thu lượm nhiều giá trị nhất. Không chỉ được mắt thấy, tai nghe, cảm nhận mùi thơm của chè, không khí lao động của người nông dân, các con còn lưu giữ được những bức ảnh đẹp, được tặng những món quà là gói chè nhỏ, kẹo lạc trà xanh về cho gia đình.

Chính tôi, tác giả bài viết cũng cảm nhận được niềm vui sướng của con gái, khi học lớp mầm non 4 tuổi được Trường Mầm non Thiên niên kỷ tổ chức tham quan tại Không gian văn hóa chè Tân Cương. Con hào hứng kể rằng mình được lên đồi hái chè chụp ảnh, được mặc những bộ quần áo dân tộc, được tự tay pha trà, uống trà, ăn kẹo lạc với các bạn…

Từng là cô giáo mầm non, chị Nguyễn Thị Thanh Hảo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Chè Thịnh An, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) nói với chúng tôi rằng: Tôi rất vui khi được đón học sinh các trường, nhất là học sinh mầm non đến trải nghiệm vùng chè quê mình. Nhìn thấy ngón tay nhỏ xíu, xinh xắn của các con chạm vào những búp chè xanh mướt, tôi cảm nhận được sức sống mãnh liệt, tình yêu với cây chè đang được tiếp nối. Đây là cách để các con hiểu về thế mạnh vùng đất, con người nơi mình sinh ra và trưởng thành. Bởi thế, tôi sẵn sàng dành trọn thời gian để đưa các con tham quan đồi chè; giới thiệu tỉ mỉ về những búp chè, cách thu hái, quá trình từ khâu trồng chăm sóc đến chế biến thành phẩm; về những câu chuyện thú vị cũng như nỗi nhọc nhằn vất vả của người nông dân.

Các em nhỏ thích thú, hào hứng khi được tự tay đóng gói chè.

Các em nhỏ thích thú, hào hứng khi được tự tay đóng gói chè.

Có thể nói, chưa bao giờ việc nâng tầm giá trị, văn hóa trà lại được tỉnh ta đặc biệt coi trọng như bây giờ. Lần đầu tiên tỉnh ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển ngành chè Thái Nguyên (Nghị quyết số 11/NQ-TU) giai đoạn 2025-2030 vào ngày 3-2. Các ngành, địa phương, nhà khoa học đang phối hợp, nỗ lực từng bước để sớm đưa cây chè cổ thành cây di sản quốc gia. Cùng với đó, tỉnh cũng đã và đang phối hợp với HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công xây dựng lộ trình “Nâng tầm thương hiệu trà Thái Nguyên lên thành văn hóa trà”; tổ chức hàng loạt các chương trình, lớp tập huấn nâng cao kiến thức, trao đổi phát triển văn hóa trà và nghệ thuật thưởng trà tới các cơ quan, đơn vị, chủ thể sản xuất, kinh doanh chè...

Để thay đổi tư duy làm chè của người dân Thái Nguyên, cách hay nhất là ươm mầm tình yêu trẻ cho những đứa trẻ, truyền dạy cho người trẻ, người trong độ tuổi lao động để sau khi học xong, mỗi người là những tuyên truyền viên về cách làm chè sạch, chè hữu cơ, cách kể câu chuyện văn hóa, vùng đất thông qua sản phẩm chè.

Nhìn ra tỉnh bạn Yên Bái, chúng ta cũng thấy đồng hành với câu chuyện đưa chè Việt vươn tầm thế giới, HTX hệ sinh thái du lịch Suối Giàng với người đứng đầu là Nghệ nhân Đào Đức Hiếu đã triển khai những lớp học miễn phí cho trẻ em để những câu chuyện về sản phẩm thấm dần vào những đứa trẻ vùng cao từ khi còn thơ bé. Đây là điều đáng để chúng ta nghiên cứu, học hỏi. Từ đó, chè sẽ không đơn thuần chỉ là một sản phẩm để thương mại mà nó còn là câu chuyện, chiều sâu văn hóa đất và người Thái Nguyên được kể bởi chính những người con yêu mảnh đất quê hương.

Mộc Nhiên

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202502/de-tuoi-tho-tham-dam-huong-che-b1a047a/
Zalo