Để thông tin sai sự thật, 'bóc phốt' trên mạng có thể bị phạt hàng triệu USD hoặc đi tù
Chúng ta mới phạt những người sử dụng mạng xã hội để nói xấu người khác, còn trách nhiệm các nhà mạng thì sao? Nhiều quốc gia quy định trách nhiệm của mạng xã hội, thậm chí chủ mạng xã hội cũng có thể bị đi tù, ví dụ theo luật của Singapore.
Bộ Công an sẽ xây dựng luật về phòng, chống tin giả
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) sáng 12/11, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) đề cập hiện tượng lợi dụng không gian mạng để "bóc phốt", nói xấu, công kích lẫn nhau thời gian gần đây rất phổ biến, làm ảnh hưởng tới thuần phong mỹ tục, tạo hiệu ứng rất tiêu cực trong dư luận xã hội.
"Với đặc tính không biên giới, tốc độ truyền thông tin nhanh, phạm vi chia sẻ lớn, khả năng tương tác cao, không gian mạng ngày càng có ảnh hưởng sâu rộng trên phạm vi toàn cầu, đòi hỏi vấn đề bảo vệ an toàn, an ninh mạng được đặt ra là vô cùng quan trọng đối với mỗi quốc gia", đại biểu nói và chất vấn Bộ trưởng về giải pháp khả thi để hạn chế tình trạng nêu trên.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, vừa qua chúng ta đã xử phạt thông tin sai sự thật, "bóc phốt", nói xấu..., trong đó mức phạt đối với Việt Nam là cao nhưng so với các nước là thấp, từ 5-10 triệu, bình thường hay lấy ở giữa phạt 7,5 triệu. Sắp tới chắc sẽ phải tăng mức phạt này lên. Các quốc gia phạt rất nặng, đến hàng triệu USD. "Chúng ta mới phạt những người sử dụng mạng xã hội để nói xấu người khác, còn trách nhiệm các nhà mạng thì sao? Nhiều quốc gia quy định trách nhiệm của mạng xã hội, thậm chí chủ mạng xã hội cũng có thể bị đi tù, ví dụ theo luật của Singapore".
Lần này chúng ta đã đưa vào hình thức xử lý các nhà mạng, nếu như cơ quan luật pháp xác định, đánh giá là sai, là xấu thì các nhà mạng phải tự rà quét, xử lý. Vấn đề nữa là xử lý nghiêm minh. "Tôi nghĩ, luật pháp có tính răn đe và khi mình xử lý nghiêm minh, lan tỏa những thông tin xử lý đến toàn dân biết thì sẽ răn đe các đối tượng khác" - Bộ trưởng nói và thông tin, vừa qua Bộ Chính trị đã kết luận giao cho Bộ Công an làm luật về phòng, chống tin giả, tới đây, những vấn đề cơ bản về mặt thể chế sẽ được giải quyết ở luật này.
Đại biểu truy trách nhiệm quảng cáo sai trên mạng, Bộ trưởng khẳng định đã làm "hết sức"
Trước đó, ĐBQH Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) nêu tình trạng quảng cáo không đúng, gây hiểu nhầm, thậm chí có thể là lừa đảo, bất hợp pháp chủ yếu trên môi trường mạng và thường gắn với thương mại điện tử; quảng cáo xuyên biên giới diễn ra rất nhiều gây tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhiều cá nhân, tổ chức và có thể gây phương hại an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng, không còn cách nào khác là mọi ngành, mọi cấp phải lên không gian mạng quản lý "phần nhà mình", và khi phát hiện ra những sai phạm cần xác định danh tính, cần ngăn chặn thì Bộ TT&TT có đủ các công cụ để làm việc này. Các nền tảng xuyên biên giới, kể cả chưa có đại diện tại Việt Nam, khi làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam phải tuân thủ luật pháp Việt Nam; nếu không tuân thủ thì chúng ta có đủ năng lực để dừng toàn bộ hoạt động. "Cho nên, bây giờ vẫn phải "nhà nào, nhà nấy quản phần của mình" thì không gian mạng mới lành mạnh được".
Việc thứ hai là các nền tảng xuyên biên giới kinh doanh ở Việt Nam giống như chợ, ông là chủ chợ phải "làm sạch" chợ, tức ông phải làm sạch ông. Để họ tự làm sạch được thì trách nhiệm của các cơ quan liên quan, bộ, ngành liên quan là định nghĩa được quảng cáo nào vi phạm một cách tường minh. Khi định nghĩa tường minh thì Bộ sẽ yêu cầu các nền tảng này phát triển các công cụ để rà quét, tự tháo gỡ và đây là trách nhiệm của họ.
Tranh luận vấn đề này, ĐBQH Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre) đề nghị Bộ trưởng nêu rõ hơn để cử tri được biết đâu là giải pháp cốt yếu và Bộ TT&TT thời gian qua đã làm hết trách nhiệm của mình chưa?
"Hết trách nhiệm chưa thì tôi không dám nói, nhưng chúng tôi cũng làm hết sức, từng ngày, từng giờ và chúng ta cũng có rất nhiều tiến triển", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận và dẫn chứng, trước đây chúng ta đưa thông tin sai sự thật, quảng cáo sai cho các mạng xã hội thì họ cũng không gỡ, 10 việc họ thực hiện 1-2 việc, tức là 10-20%, còn bây giờ thực hiện rất nghiêm, trên 95%, đã lệnh Nhà nước thì các nền tảng kể cả xuyên biên giới phải thực hiện.
Trước đây mình đưa thì họ mới gỡ, còn bây giờ Nhà nước yêu cầu trên mạng xã hội phải phát triển các công cụ số, phải tự rà quét, phải tự hạ xuống, mình đưa gần vào pháp luật và họ phải thực hiện. Trước đây họ chỉ gỡ nội dung sai phạm, còn người và tài khoản thực hiện có khi họ vẫn để, nhưng bây giờ nếu tái phạm nhiều lần sẽ hạ tài khoản đó xuống, ngăn chặn cả tài khoản luôn và trang thông tin lại lặp lại nhiều lần quảng cáo sẽ cắt cả trang luôn. "Chúng ta cũng đang từng ngày, từng giờ tiến triển, đây cũng là câu chuyện toàn cầu, chúng ta cũng học tập kinh nghiệm các quốc gia làm", ông bổ sung.