Đề thi tốt nghiệp THPT 2025 phân loại hiệu quả cho tuyển sinh đại học

Đề thi Toán và tiếng Anh năm 2025 được nhận xét khó hơn, thể hiện rõ định hướng đánh giá năng lực, nhằm giảm may rủi và tăng khả năng phân hóa cho tuyển sinh đại học.

Tăng độ khó, giảm học tủ

Trong hai ngày 26-27/6, hơn 1,1 triệu thí sinh trên cả nước đã hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Đáng chú ý, đề thi môn Toán và tiếng Anh được nhận xét là khó hơn nhiều so với đề minh họa Bộ Giáo dục và Đào tạo từng công bố. Nhiều thí sinh cho rằng đề Toán dài và yêu cầu tư duy cao, một số ví von "đề Toán dài như Văn".

Thí sinh trao đổi bài sau khi kết thúc môn thi tại điểm trường THCS Trưng Vương, Hà Nội, chiều 26/6.

Thí sinh trao đổi bài sau khi kết thúc môn thi tại điểm trường THCS Trưng Vương, Hà Nội, chiều 26/6.

Không chỉ học sinh, nhiều giáo viên cũng đánh giá đề thi năm nay là một thử thách thực sự. Ở môn Toán, các câu hỏi tuy ngắn nhưng đòi hỏi tư duy sâu, kỹ năng mô hình hóa và vận dụng cao. Thầy Phạm Anh Tuấn, giáo viên trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), nhận xét: "Các câu hỏi tự luận ngắn nhưng khó, tập trung vào tổ hợp, xác suất, tích phân, những phần kiến thức nâng cao, đòi hỏi học sinh phải nắm chắc mới làm tốt".

Theo cô Diệu Linh, giáo viên trường THPT Chu Văn An, dù học sinh đã ôn tập kỹ, việc làm quen với tư duy mới vẫn cần thêm thời gian. "Đề tiếng Anh tuy có cấu trúc quen thuộc nhưng phần đọc hiểu và điền cụm từ vẫn là trở ngại lớn do yêu cầu tư duy học thuật".

Với việc lần đầu áp dụng chương trình GDPT 2018, đề thi tiếng Anh năm nay được đánh giá có nhiều thay đổi đáng kể về cấu trúc và độ khó, theo cô Cù Thị Thu Thủy, giáo viên tại Tuyensinh247.com chia sẻ: " Đây là năm đầu áp dụng chương trình GDPT 2018. Một số phần đọc nâng cao còn chưa đồng đều về độ khó, gây khó khăn cho học sinh ở những vùng thiếu điều kiện học tập. Do đó, các chuyên gia đề xuất Bộ GD&ĐT cần điều chỉnh phù hợp hơn, làm rõ ngữ cảnh trong phần từ vựng học thuật, đồng thời vẫn giữ định hướng phân hóa và tính thực tiễn.

Cô Thủy nói thêm: "Để đạt 8 điểm trở lên, thí sinh cần kiến thức vững, kỹ năng đọc hiểu tốt và vốn từ phong phú. Điểm cao sẽ là phần thưởng xứng đáng cho những em có nền tảng thực sự".

Ngay sau buổi thi tiếng Anh, nhiều thí sinh chia sẻ cảm giác áp lực vì độ dài và tính học thuật của đề. Em Võ Huyền My (trường THPT Trần Phú, Hà Nội) cho biết: "Đề được xây theo mức độ từ dễ đến khó. Tuy nhiên, phần đọc hiểu có nhiều từ học thuật khiến em phải đọc đi đọc lại. Một số câu tưởng dễ nhưng dễ mắc bẫy nếu không đọc kỹ. Thời gian làm bài cũng khá gấp".

Trong khi đó, theo em Vương Toàn Trí (trường THCS Trưng Vương), đề thi Toán năm nay khó hơn mặt bằng chung. Em cho biết phần xác suất là điểm yếu, khiến em bỏ lỡ hai trong ba câu hỏi trả lời ngắn.

Hơn 1,1 triệu thí sinh trên cả nước đã hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.

Hơn 1,1 triệu thí sinh trên cả nước đã hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.

Phổ điểm quyết định hiệu quả đánh giá

Kỳ thi năm nay đánh dấu lần đầu tiên Bộ GD&ĐT áp dụng hình thức đánh giá năng lực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Theo Ban Chỉ đạo quốc gia kỳ thi, những thay đổi này đã được chuẩn bị từ sớm, không mang tính đột ngột.

Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Trưởng ban đề thi cho biết: "Đề thi năm nay được thiết kế theo định hướng đánh giá năng lực. Bộ đã công bố đề tham khảo, cấu trúc và định dạng từ rất sớm để giáo viên và học sinh chuẩn bị kỹ lưỡng".

Cũng theo ông Hà, Bộ đã tổ chức thi thử trên diện rộng tại cả ba miền để thu thập dữ liệu phổ điểm, từ đó điều chỉnh độ khó phù hợp. Việc thử nghiệm này giúp kiểm tra độ khó, cấu trúc đề và phản ánh năng lực thực tế của học sinh.

"Việc xây dựng đề dựa trên dữ liệu thực tế và đề tham khảo giúp đảm bảo ổn định, nhưng hiệu quả thực sự phải chờ kết quả chấm thi. Bộ sẽ tiếp tục đánh giá cẩn trọng sau khi có phổ điểm chính thức", ông Hà nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề phân hóa đề thi, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết: "Mức độ khó nhất định là cần thiết để đảm bảo tính phân loại học sinh." Theo ông Thưởng, "Nếu có nhiều điểm 9, 10 nhưng không phản ánh đúng năng lực thực tế, thì những điểm số đó sẽ mất đi ý nghĩa. Trong khi đó, các mức điểm 6, 7 có thể phản ánh trung thực năng lực của học sinh và giúp các em tự tin bước tiếp ở bậc đại học, cao đẳng".

Các thí sinh bàn luận đáp án sau khi rời khỏi phòng thi môn Toán tốt nghiệp THPT năm 2025.

Các thí sinh bàn luận đáp án sau khi rời khỏi phòng thi môn Toán tốt nghiệp THPT năm 2025.

Phân hóa đúng xu hướng, cần đi kèm hỗ trợ

PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), nhận định đề thi năm nay không chỉ nhằm phục vụ xét tốt nghiệp mà còn là công cụ phân loại hiệu quả cho tuyển sinh đại học, phù hợp với xu thế đánh giá năng lực quốc tế.

Ông cho biết: "Cấu trúc đề theo tỷ lệ 4 câu biết, 3 hiểu, 3 vận dụng cao, giúp học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản có thể đạt khoảng 7 điểm; phần còn lại dùng để phân loại thí sinh".

Đề thi năm nay không chỉ nhằm phục vụ xét tốt nghiệp mà còn là công cụ phân loại hiệu quả cho tuyển sinh đại học, phù hợp với xu thế đánh giá năng lực quốc tế.

PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội)

Theo ông Nam, đề thi năm nay thể hiện rõ định hướng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đòi hỏi khả năng phân tích và tư duy phản biện, thay vì chỉ học thuộc lòng. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả như kỳ vọng, đội ngũ giáo viên cần được bồi dưỡng chuyên sâu, có năng lực xây dựng đề thi chuẩn hóa và phân tích thống kê độ khó một cách bài bản.

Bộ GD&ĐT phủ nhận đáp án môn Ngữ văn THPT 2025 đang trôi nổi trên mạng xã hội

Đề tiếng Anh THPT 2025: Khó hơn, phân hóa rõ trình độ thí sinh

Ông cũng lưu ý: "Người ra đề và giáo viên cần hiểu rõ rằng nâng cao chất lượng không đồng nghĩa với việc tăng độ khó. Mức độ khó cần được xác định trên cơ sở dữ liệu và thống kê thực nghiệm, thay vì chỉ dựa vào cảm nhận chủ quan".

PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh, mỗi kỳ thi là một bước chuyển trong phương pháp đánh giá và định hướng dạy học. Trong bối cảnh đổi mới, lo lắng là điều dễ hiểu, nhưng thay vì tạo thêm áp lực, toàn xã hội cần đồng hành, khích lệ để học sinh bước vào kỳ thi với tâm thế vững vàng.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 là dấu mốc đầu tiên chuyển sang đánh giá năng lực, với mục tiêu giảm dần phụ thuộc vào học tủ, luyện đề và tăng khả năng phân loại thí sinh. Những thay đổi trong đề thi, đặc biệt ở môn Toán và tiếng Anh, tuy tạo áp lực nhất định nhưng là bước chuyển cần thiết để tiệm cận với chuẩn mực quốc tế trong kiểm tra, đánh giá.

Tuy nhiên, để việc chuyển đổi đạt hiệu quả, cần có lộ trình hỗ trợ đồng bộ từ tập huấn xây dựng đề đến đổi mới dạy học theo năng lực, tránh tạo áp lực không cần thiết cho học sinh và hệ thống giáo dục.

Phượng Nguyễn

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/de-thi-tot-nghiep-thpt-2025-phan-loai-hieu-qua-cho-tuyen-sinh-dai-hoc-192250701165907553.htm
Zalo