Đề thi Ngữ văn: Những trở ngại trong hành trình theo đuổi hạnh phúc của người trẻ

Câu nghị luận xã hội đề thi thử tốt nghiệp của liên trường trung học phổ thông ở Nghệ An yêu cầu học sinh bàn về những trở ngại trong hành trình theo đuổi hạnh phúc cá nhân của người trẻ.

Gợi ý đáp án Đọc hiểu

Câu 1. Những "phương trời xa lạ" khiến nhân vật ông Lăng "bâng khuâng": khách sạn gần Si-bê-ri/một cái làng bên sông Amua ở nước Nga; hòn đảo ngoài Thái Bình Dương/một ngôi làng hẻo lánh gần rừng Amazôn; New York

Câu 2. Dấu hiệu của truyện ngắn hiện đại được thể hiện trong đoạn trích: Đề tài viết về cuộc sống đời thường; truyện kể theo kết cấu phi tuyến tính; kết hợp ngôi kể thứ 3 và điểm nhìn linh hoạt; sử dụng lời nửa trực tiếp; ngôn ngữ gần với lời ăn tiếng nói hàng ngày;…

Câu 3. Hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ so sánh trong câu văn "Chúng con như cái áo phông cái quần bò": So sánh: "chúng con" - "áo phông, quần bò". Tác dụng: cụ thể hóa lối sống linh hoạt, coi trọng sự tiện dụng của giới trẻ thời hiện đại; làm cho câu văn giàu hình ảnh, sống động.

Câu 4. Suy nghĩ của ông Lăng: vừa đồng tình vừa không đồng tình với các con. Vì ông đã già, ông muốn sống trong ngôi nhà cũ – nơi lưu giữ kỉ niệm về những người thân nhưng các con ông lại là những người trẻ, hiện đại, có suy nghĩ đơn giản, …

Câu 5. Nếu là con gái ông Lăng, học sinh có thể nói gì với cha khi muốn phá dỡ ngôi nhà cũ: Ngôi nhà đã quá cũ kĩ, có thể sập bất cứ lúc nào. Làm nhà mới không chỉ là nguyện vọng của các con đối với bố mà còn là sự báo hiếu với gia đình.

Phần Viết

Câu 1. Phân tích điểm nhìn trần thuật trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu.

- Xác định điểm nhìn trong đoạn trích: nhìn từ nhân vật ông Lăng, chủ yếu là điểm nhìn bên trong. Điều đó được biểu hiện qua cách diễn đạt ông vẫn cảm thấy, ông thương, ông lúng túng, ông lặng thinh…

- Phân tích điểm nhìn: Giúp khắc họa nhân vật ông Lăng, đặc biệt là chiều sâu nội tâm của nhân vật: những suy nghĩ thầm kín, những trăn trở day dứt, những mong muốn. Cho thấy ông Lăng là một con người từng trải, đơn độc, đầy hoài niệm, có tâm hồn sâu sắc.

- Đánh giá: việc sử dụng điểm nhìn bên trong tạo giọng điệu trần thuật trầm tư, sâu lắng, giàu tính triết lí; góp phần thể hiện chủ đề tác phẩm.

Câu 2. Bàn về những trở ngại trong hành trình theo đuổi hạnh phúc cá nhân của người trẻ được gợi ra từ câu nói: "Theo đuổi hạnh phúc sẽ không làm bạn hạnh phúc".

* Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận và quan điểm của người viết.

* Thân bài:

- Giải thích:

+ Hạnh phúc cá nhân: là tâm lí vui vẻ, thỏa mãn khi bản thân được toại nguyện…

+ Những trở ngại: là những khó khăn mà người trẻ gặp phải khi theo đuổi hạnh phúc cá nhân.

- Bàn luận:

+ Hạnh phúc cá nhân là đích đến của con người, đặc biệt là người trẻ trong thời đại ngày nay.

+ Có nhiều trở ngại đối với người trẻ trong quá trình theo đuổi hạnh phúc cá nhân: người trẻ vốn giàu ước mơ, khao khát nhưng bản thân còn non dại, thiếu trải nghiệm; dễ thay đổi hoặc bị chi phối bởi gia đình, các trào lưu xã hội…

+ Cuộc sống phức tạp và không ngừng biến đổi khiến con người cảm thấy mệt mỏi, muốn buông xuôi hoặc từ bỏ việc theo đuổi hạnh phúc cá nhân.

- Mở rộng vấn đề, trao đổi với quan điểm trái chiều hoặc ý kiến khác: Những khó khăn, trở ngại có thể là môi trường thử thách giúp người trẻ rèn luyện bản lĩnh, tích lũy kinh nghiệm,… đủ điều kiện để kiên trì theo đuổi hạnh phúc…

- Bài học nhận thức và hành động: Cần xác định mục tiêu hạnh phúc một cách đúng đắn, phù hợp; chuẩn bị những điều kiện cần thiết về phẩm chất và năng lực để có thể vượt qua những trở ngại trên hành trình theo đuổi hạnh phúc.

* Kết bài: khẳng định giá trị, ý nghĩa của vấn đề nghị luận.

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/de-thi-ngu-van-nhung-tro-ngai-trong-hanh-trinh-theo-duoi-hanh-phuc-cua-nguoi-tre-179250210085358851.htm
Zalo