Đề thi môn Ngữ văn theo chương trình mới: Xóa cảnh học thuộc và chép văn mẫu
Bộ Giáo dục và đào tạo lưu ý, cần tránh sử dụng văn bản, đoạn trích trong sách giáo khoa (SGK) làm ngữ liệu đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các bài kiểm tra định kỳ ở môn học Ngữ văn. Yêu cầu này được áp dụng cho cả bậc trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT).
* Phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018
Ngày 30-7, Bộ Giáo dục và đào tạo đã ban hành công văn số 3935/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024-2025. Trong đó, Bộ lưu ý: “Đối với môn Ngữ văn, tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong SGK để làm ngữ liệu kiểm tra đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kỳ nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn”.
Đây không phải là yêu cầu mới. Trước đó, ngày 21-7-2022, Bộ này đã có văn bản số 3175/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông. Công văn nêu rõ: “Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kỳ, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong SGK làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn”.
Tiến sĩ Đỗ Thị Cẩm Vân, giảng viên Trường đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, từng là Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường THCS Phan Chu Trinh, huyện Trảng Bom. Cô cũng là giáo viên cốt cán trực tiếp triển khai các mô-đun bồi dưỡng giáo viên Ngữ văn đối với chương trình GDPT 2018, được tham gia đợt tập huấn của Bộ Giáo dục và đào tạo về kiểm tra đánh giá.
Cô Vân cho rằng, việc Bộ chủ trương sử dụng ngữ liệu ngoài SGK trong kiểm tra định kỳ môn Ngữ văn là hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của chương trình GDPT 2018. Bởi vì đối với chương trình GDPT 2018 thì “chương trình” mới là pháp lệnh, SGK chỉ là “tư liệu”.
Cũng theo Tiến sĩ Đỗ Thị Cẩm Vân, tinh thần của chương trình GDPT 2018 là dạy học theo định hướng phát triển năng lực. Như vậy, đối với môn Ngữ văn, học sinh cần vận dụng được những kiến thức đã học để giải quyết các ngữ liệu mới hoàn toàn. Đây là ưu điểm lớn nhất của việc sử dụng ngữ liệu ngoài SGK để kiểm tra, đánh giá học sinh. Qua đó, khắc phục được những hạn chế trước đây của chương trình giáo dục phổ thông 2006 là dạy học tái hiện kiến thức (học sinh học vẹt, học tủ, học bài nào trả bài đó, thụ động…).
Cùng ý kiến, cô Nguyễn Thị Thu Hà, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, cho rằng mặt tích cực của quy định nêu trên là khắc phục tình trạng học thuộc và chép văn mẫu vốn tồn tại trong dạy học bộ môn Ngữ văn từ lâu nay. Điều này góp phần quan trọng giúp việc dạy học môn Ngữ văn đạt yêu cầu của chương trình mới. Đó là hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, đặc biệt là năng lực đặc thù của bộ môn như: năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học với các kỹ năng cơ bản: đọc - viết - nói và nghe.
* Những khó khăn với cả giáo viên và học sinh
Trong thực tế, để thực hiện quy định này, bước đầu, giáo viên có thể sẽ gặp một số khó khăn trong việc lựa chọn ngữ liệu, biên soạn câu hỏi.
Giáo viên Ngữ văn một trường THCS ở huyện Tân Phú chia sẻ, khi chọn ngữ liệu ngoài SGK để làm đề kiểm tra, giáo viên vẫn còn nhiều bỡ ngỡ, phải cân nhắc kỹ lưỡng. Việc lựa chọn ngữ liệu ngoài SGK phải đáp ứng được cả việc phát triển kỹ năng và phương pháp tiếp cận một văn bản theo đặc trưng thể loại mà học sinh đang được học ở trên lớp.
Theo cô Ngô Thị Thanh Châu, giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Võ Trường Toản (huyện Vĩnh Cửu), khâu ra đề kiểm tra môn Ngữ văn theo chương trình giáo dục phổ thông mới đòi hỏi giáo viên phải đầu tư công phu hơn, nhất là phần tìm kiếm ngữ liệu (phải đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình; ngữ liệu phải chính xác, có nguồn gốc chính thống; ngữ liệu phải phù hợp với đặc trưng thể loại, chủ đề của chương trình theo từng khối lớp; phù hợp độ tuổi và mang tính giáo dục…).
Việc làm bài thi môn Ngữ văn với những ngữ liệu ngoài SGK là khó khăn đối với không ít học sinh. Theo nhiều giáo viên Ngữ văn bậc THCS thì chương trình GDPT 2018 còn nặng về phương pháp và kỹ năng mà khả năng của học sinh còn hạn chế. Vì vậy, khi tiếp cận ngữ liệu mới trong đề thi, đa số học sinh khó xử lý, còn bỡ ngỡ và thụ động.
TRẦN VĂN ANH TUẤN, học sinh Trường THPT Phú Ngọc cho biết: “Năm nay em lên lớp 12, học chương trình SGK mới và đã quen với việc đề thi môn Ngữ văn khai thác ngữ liệu ngoài SGK. Với cá nhân em, cách làm đề thi như vậy sẽ đảm bảo công bằng, ai nắm chắc kiến thức, có kỹ năng tốt hơn thì sẽ làm bài tốt hơn, đạt kết quả tốt hơn. Để làm được như vậy thì ngoài học trong SGK, học sinh phải tìm hiểu thêm kiến thức xã hội, đồng thời phải nắm vững các bước, kỹ năng làm bài”.
Tiến sĩ Đỗ Thị Cẩm Vân cho hay, ngay cả khi ra những tác phẩm trong SGK đã học đi, ôn lại nhiều lần mà khi làm bài, nhiều học sinh còn bỏ giấy trắng thì việc lấy ngữ liệu mới và phải cảm nhận trong một khoảng thời gian rất ngắn là một thách thức không hề nhỏ đối với học sinh phổ thông. Thông thường, bài kiểm tra định kỳ là 90 phút, trong đó học sinh mất ít nhất 30 phút cho phần đọc hiểu, còn lại 60 phút cho phần viết, cho việc đọc đề, thẩm thấu, làm dàn ý, viết thành bài…
Trên thực tế, nhiều trường hiện vẫn cho học sinh kiểm tra theo đề cương (đề cương rất sát với đề kiểm tra, thậm chí khoanh vùng phần làm văn). Điều này vô tình không phát triển được năng lực học sinh và các em không thể đáp ứng được tinh thần của kiểm tra đánh giá, nếu đề kiểm tra ra khỏi phạm vi của nhà trường.
“Qua thực tế giảng dạy với học sinh bậc THCS, tôi nghĩ việc sử dụng ngữ liệu ngoài SGK phù hợp với học sinh lớp lớn (bậc THPT) và với THCS là lớp 9 (thi lên lớp 10)” - tiến sĩ Đỗ Thị Cẩm Vân thẳng thắn chia sẻ.