Để nông sản Việt vươn xa trên trường quốc tế

Chia sẻ của doanh nhân Việt về khát vọng đưa nông sản vươn tầm thế giới, kết nối nông dân với thị trường quốc tế, lan tỏa giá trị văn hóa qua từng sản phẩm.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, nông sản Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để khẳng định vị thế, nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức về chất lượng, tiêu chuẩn và năng lực cạnh tranh. Với tâm huyết dành cho nông sản và đặc sản quê hương, bà Trần Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ OCOP Center - đã không ngừng nỗ lực kết nối nông dân, hợp tác xã với thị trường quốc tế, biến những sản phẩm truyền thống thành cầu nối văn hóa và thương mại.

Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trò chuyện chuyên sâu với bà Trần Thị Ngọc Thủy để lắng nghe những chia sẻ về tiềm năng, rào cản và giải pháp đưa nông sản Việt Nam vươn xa.

Cơ hội cho khát vọng nông sản Việt

- Thưa bà Trần Thị Ngọc Thủy, với vai trò là Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ OCOP Center, bà nhận định như thế nào về tiềm năng cạnh tranh của nông sản và đặc sản Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu ngày càng sâu rộng?

Bà Trần Thị Ngọc Thủy: Nông sản Việt Nam, đặc biệt là cà phê, hạt điều, hạt tiêu, vốn đã khẳng định vị thế hàng đầu trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, tiềm năng không chỉ dừng ở các sản phẩm truyền thống mà còn mở rộng sang những lĩnh vực gắn với an ninh lương thực và giá trị văn hóa. Để cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam cần tận dụng lợi thế về đa dạng sinh học và bản sắc văn hóa, đồng thời tháo gỡ các rào cản thương mại như thuế quan, tiêu chuẩn kỹ thuật và ký kết hiệp định. Điều này sẽ mở ra cơ hội để nông sản Việt Nam không chỉ xuất khẩu mà còn định vị thương hiệu mạnh mẽ hơn trên toàn cầu.

- Một trong những thách thức lớn của nông sản Việt Nam là đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế. Theo bà, đâu là những hạn chế cốt lõi trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp hiện nay?

Bà Trần Thị Ngọc Thủy: Hạn chế lớn nhất nằm ở ba khía cạnh. Thứ nhất, tư duy sản xuất chưa hướng đến thị trường mục tiêu từ giai đoạn đầu. Nhiều nhà sản xuất, đặc biệt là nông dân và hợp tác xã, chỉ dựa vào kinh nghiệm nội tại, dẫn đến sản phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, từ khâu nguyên liệu đầu vào chưa được xử lý tốt đến chất lượng đầu ra không đồng đều. Thứ hai, bao bì và mẫu mã chưa đạt chuẩn quốc tế. Ở thị trường nội địa, bao bì có thể đơn giản, nhưng ở thị trường quốc tế cần thể hiện rõ bản sắc Việt Nam, đồng thời đáp ứng tính thẩm mỹ và tiêu chuẩn toàn cầu. Thứ ba, quy mô sản xuất còn manh mún, thiếu liên kết vùng nguyên liệu và cơ sở hạ tầng. Khi nhận đơn hàng lớn, nhiều đơn vị không đủ năng lực đáp ứng do thiếu nhà xưởng, dây chuyền hiện đại, hoặc vùng nguyên liệu ổn định.

Bà Trần Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ OCOP Center giới thiệu với khách quốc tế về sản phẩm nông sản Việt. - Ảnh: Thế Duy

Bà Trần Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ OCOP Center giới thiệu với khách quốc tế về sản phẩm nông sản Việt. - Ảnh: Thế Duy

- Với những rào cản như vậy, theo bà các nhà sản xuất, đặc biệt là nông dân, cần ưu tiên những giải pháp nào để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế?

Bà Trần Thị Ngọc Thủy: Trước hết, cần thay đổi tư duy từ sản xuất tự phát sang định hướng thị trường. Nông dân và hợp tác xã cần được đào tạo về quản lý, nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng các tiêu chuẩn như GlobalGAP hay tiêu chuẩn hữu cơ. Thứ hai, cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng và liên kết vùng nguyên liệu để đảm bảo quy mô và chất lượng ổn định. Cuối cùng, vai trò của nhà nước rất quan trọng trong việc hỗ trợ vốn, cung cấp thông tin thị trường và xây dựng cơ chế kết nối doanh nghiệp với đối tác quốc tế. Nếu không có sự đồng hành này, nông dân khó có thể vượt qua những hạn chế về nguồn lực và tầm nhìn.

- Doanh nghiệp của bà đã đóng vai trò như thế nào trong việc hỗ trợ nông dân và hợp tác xã vượt qua thách thức và bà gặp phải những khó khăn gì trong quá trình này?

Bà Trần Thị Ngọc Thủy: Chúng tôi đóng vai trò cầu nối, lựa chọn các sản phẩm OCOP chất lượng cao để giới thiệu ra thị trường quốc tế, giảm thiểu khâu trung gian, giúp đối tác tiếp cận nguồn hàng đạt chuẩn nhanh chóng. Trong những năm qua, chúng tôi đã tư vấn, hỗ trợ nông dân về kỹ thuật sản xuất, bao bì, và tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, doanh nghiệp của tôi phải đối mặt với không ít khó khăn, đặc biệt là chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, ngoài vốn tự thân. Tôi mong muốn các cơ quan chức năng tích cực hơn trong việc tháo gỡ chính sách, hỗ trợ vốn vay, và cung cấp thông tin thị trường chính thống để doanh nghiệp như chúng tôi có thể hoạt động hiệu quả hơn.

"Chúng ta" và "họ" có gì?

- Nhìn ra các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển như Thái Lan, Nhật Bản hay Trung Quốc, bà thấy Việt Nam có thể học hỏi những mô hình hay kinh nghiệm nào để thúc đẩy xuất khẩu nông sản?

Bà Trần Thị Ngọc Thủy: Thái Lan là một hình mẫu đáng học hỏi với chương trình OCOP được bảo trợ bởi Hoàng gia, đạt hơn 200.000 sản phẩm được chứng nhận. Họ có các không gian trưng bày chuyên biệt tại trung tâm thương mại, nơi khách hàng có thể dùng thử sản phẩm và nhận thông tin rõ ràng từ nhân viên am hiểu. Việt Nam cần xây dựng các trung tâm triển lãm tương tự để giới thiệu sản phẩm tinh hoa, giúp đối tác quốc tế tiếp cận trực tiếp. Trung Quốc lại nổi bật với hệ thống kho bãi, logistics gần biên giới và cơ chế xúc tiến thương mại hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên gặp gỡ và ký hợp đồng nhanh chóng. Nhật Bản với phong trào “mỗi huyện một sản phẩm” cho thấy sức mạnh của việc chế biến sâu và gắn sản phẩm với câu chuyện văn hóa. Việt Nam cần học hỏi sự nhất quán từ chính sách đến thực thi, đồng thời xây dựng các chương trình truyền thông mạnh mẽ để nâng tầm thương hiệu nông sản.

- Bà có nhận thấy một triết lý chung nào trong cách các quốc gia này quản lý và phát triển nông nghiệp? Việt Nam có nên xây dựng một triết lý tương tự để tạo sự khác biệt?

Bà Trần Thị Ngọc Thủy: Các quốc gia như Thái Lan, Nhật Bản, hay Trung Quốc đều có một triết lý xuyên suốt: sự nhất quán từ chính sách, doanh nghiệp đến người sản xuất, gắn sản phẩm với giá trị văn hóa và nâng tầm thương hiệu. Sản xuất của nước ta hiện nay còn manh mún, thiếu một sứ mệnh chung. Chúng ta cần xây dựng một triết lý dựa trên ba yếu tố: giá trị văn hóa cốt lõi, sứ mệnh xuất khẩu rõ ràng và sự đổi mới sáng tạo. Nông sản Việt Nam không chỉ là hàng hóa mà còn là cầu nối văn hóa, lan tỏa bản sắc dân tộc. Điều này đòi hỏi sự kết nối chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp, và nông dân, với một tầm nhìn dài hạn.

Sản phẩm Việt được chăm chút về chất lượng và mẫu mã - Ảnh: Thế Duy

Sản phẩm Việt được chăm chút về chất lượng và mẫu mã - Ảnh: Thế Duy

- Theo bà, vai trò của truyền thông trong việc quảng bá nông sản Việt Nam hiện nay như thế nào và bà có kế hoạch gì để nâng cao hiệu quả truyền thông?

Bà Trần Thị Ngọc Thủy: Truyền thông hiện nay chưa thực sự khai thác hết tiềm năng của nông sản OCOP. Mỗi sản phẩm đều có câu chuyện độc đáo, nhưng chưa được kể một cách chuyên nghiệp và súc tích. Chúng tôi đã hợp tác với Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn để viết lại những câu chuyện này, biến sản phẩm thành biểu tượng văn hóa. Ví dụ, nước tắm lá thuốc của người Dao không chỉ là sản phẩm chăm sóc sức khỏe mà còn gắn với câu chuyện của 120 phụ nữ dân tộc thiểu số và vùng trồng VietGAP 127 ha. Tuy nhiên, doanh nghiệp như chúng tôi còn hạn chế trong việc tiếp cận báo chí do tâm lý e ngại “làm quá”. Tôi mong muốn báo chí và truyền thông vào cuộc mạnh mẽ hơn, lan tỏa những câu chuyện chân thực, giúp nông sản Việt Nam không chỉ cạnh tranh bằng chất lượng mà còn bằng giá trị văn hóa.

- Cuối cùng, với kinh nghiệm của mình, bà có đề xuất gì để các cơ quan chức năng xây dựng chính sách hỗ trợ xuất khẩu nông sản một cách bền vững hơn?

Bà Trần Thị Ngọc Thủy: Tôi đề xuất ba hướng chính. Thứ nhất, xây dựng một trung tâm triển lãm quốc gia về nông sản và đặc sản OCOP, nơi đối tác quốc tế có thể tiếp cận toàn bộ sản phẩm tinh hoa của Việt Nam. Thứ hai, tạo cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp đỡ đầu nông dân và hợp tác xã, từ hỗ trợ vốn, đào tạo, đến kết nối thị trường. Thứ ba, tập trung phát triển vùng nguyên liệu và liên kết chuỗi giá trị, đảm bảo từ đầu vào đến đầu ra đều đạt chuẩn xuất khẩu. Đồng thời, cần học hỏi các nước như Thái Lan trong việc xây dựng không gian trưng bày và truyền thông, hay Trung Quốc trong việc tối ưu hóa xúc tiến thương mại. Quan trọng nhất, Việt Nam cần một triết lý phát triển nông nghiệp nhất quán, lấy văn hóa và đổi mới làm nền tảng, để nông sản không chỉ là hàng hóa mà còn là niềm tự hào quốc gia.

Xin trân trọng cảm ơn bà.

Công ty OCOP Center là đơn vị ủy thác cho hơn 100 nhà sản xuất nông sản đặc sản hàng đầu Việt Nam, hiện phân phối khoảng 500 mặt hàng đạt chứng nhận OCOP - chương trình phát triển kinh tế nông thôn của Chính phủ. Các sản phẩm này không chỉ mang bản sắc văn hóa sâu sắc mà còn đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu và được người tiêu dùng trong nước yêu mến.

Thế Duy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/de-nong-san-viet-vuon-xa-tren-truong-quoc-te-384839.html
Zalo