Để người lao động dễ dàng tiếp cận nhà ở xã hội
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 100/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Nghị định đã quy định rất rõ những điều kiện về thu nhập và trường hợp được hưởng chính sách mua hoặc thuê nhà ở xã hội, giúp người lao động có thể dễ dàng tiếp cận chính sách; tuy nhiên, điều khó khăn nhất hiện nay là tiến độ hoàn thiện các dự án nhà ở xã hội vẫn còn chậm và khó hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
Nới lỏng nhiều điều kiện
Theo quy định, người dân chỉ được mua, thuê mua nhà ở xã hội nếu bản thân và vợ hoặc chồng (nếu có) chưa có nhà ở tại tỉnh, thành phố có dự án đó; tức là không có tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tại địa bàn.
Đồng thời, Nghị định cũng nêu rõ điều kiện về thu nhập. Theo đó, người độc thân có thu nhập hàng tháng thực nhận không quá 15 triệu đồng - tính theo bảng tiền công, tiền lương do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi đối tượng làm việc xác nhận. Đối với trường hợp người đứng đơn đã kết hôn theo quy định của pháp luật, tổng thu nhập hàng tháng thực nhận của hai vợ chồng không quá 30 triệu đồng.
Chuyên gia về nhà ở xã hội Nguyễn Hoàng Nam đánh giá, nhiều quy định mới trong Nghị định này đã có tính đột phá, nhất là việc nới điều kiện về thu nhập của 1 cá nhân lên con số 15 triệu đồng/tháng và 30 triệu đồng/tháng với 2 vợ chồng. Đây là cách tiếp cận rất sát với thực tế mặt bằng thu nhập và chi tiêu của nhiều người có nhu cầu về nhà ở xã hội hiện tại, nhất là tại 2 thành phố lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời, theo sát các chính sách nhà ở xã hội ở các quốc gia trên thế giới là tính tổng thu nhập của hộ gia đình thay vì chỉ tính riêng cá nhân.
Đại diện Bộ Xây dựng khẳng định, quy định trong Nghị định số 100/2024/NĐ-CP đã cải cách thủ tục hành chính trong mua, thuê mua và thuê nhà ở xã hội; cũng như đơn giản các thủ tục trong xác định điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ, nhằm rút ngắn thời gian xét duyệt, giảm khối lượng công việc của người dân, doanh nghiệp cũng như các cơ quan chức năng có liên quan.
Đối với các điều kiện được hưởng chính sách nhà ở xã hội, các đối tượng được quy định tại các khoản 1, 4, 5, 6, 8, 9 và 10 Điều 76 của Luật Nhà ở mà chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - nơi có dự án nhà ở xã hội, sẽ được mua, thuê mua và thuê.
Ngoài việc quy định cụ thể trường hợp được thụ hưởng chính sách, Luật Nhà ở cũng tháo gỡ các quy định gây khó khăn cho cả cơ quan quản lý Nhà nước và người dân; như thuật ngữ "chưa có nhà ở thuộc sở hữu của hộ gia đình" hay giới hạn quyền sở hữu nhà ở tại địa phương cấp tỉnh nơi có dự án.
Như vậy, người có nhu cầu mua nhà ở xã hội đang sinh sống cùng gia đình đông thế hệ, sẽ không phải "nghĩ cách" đi tách khẩu để được chính quyền xác nhận là chưa có nhà. Cơ quan quản lý nhà nước cũng có cơ sở pháp lý thực hiện và loại bỏ được tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm của cán bộ quản lý địa phương trong việc xác nhận về sở hữu nhà của người dân.
Vẫn còn nhiều dự án chậm triển khai
Một trong những tháo gỡ quan trọng của Nghị định 100/2024 là các chủ đầu tư nhà ở xã hội không còn phải bắt buộc dành ra 20% phần diện tích để cho thuê, sau 5 năm mới được bán. Điều này đã gỡ được điểm nghẽn về đơn giá cho thuê, hiện được công khai trên các Cổng thông tin, nhưng vẫn đắt hơn mặt bằng giá người dân tự cho thuê, chưa kể thủ tục pháp lý rất phức tạp.
Theo các chuyên gia, việc mua bán hay cho thuê nên để thị trường tự quyết định, sẽ giúp các chủ đầu tư thêm tự tin hơn trong phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay không nằm ở các quy định pháp lý mà ở tiến độ hoàn thiện các dự án nhà ở xã hội; nhiều dự án vẫn đang chậm so với kế hoạch.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng cho biết, theo Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, năm 2024, phải đạt mục tiêu hoàn thành 130.000 căn. Trong 6 tháng đầu năm, đã hoàn thành 8 dự án (4 dự án hoàn thành toàn bộ, 4 dự án hoàn thành 1 phần) với quy mô 3.136 căn; số lượng được cấp phép khởi công là 5 dự án với quy mô 8.468 căn; số lượng dự án đã có chủ trương đầu tư là 9 dự án, với quy mô 8.795 căn. Như vậy, trong nửa cuối năm, còn hơn 100.000 căn hộ phải hoàn thành.
Theo Thứ trưởng Bùi Xuân Dũng, tính đến ngày 30.7, theo tổng hợp báo cáo của các địa phương trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, cả nước có 619 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 561.816 căn, trong đó mới hoàn thành 79 dự án với quy mô 40.679 căn; số lượng dự án đã cấp phép, khởi công xây dựng 128 dự án với quy mô 111.688 căn; số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư là 412 dự án với quy mô 409.449 căn.
Bộ Xây dựng đặt ra mục tiêu hoàn thành các dự án đã khởi công đúng tiến độ vào năm 2024. Đây là áp lực tiến độ rất lớn, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp bộ, ban, ngành, địa phương. Thời gian tới, bộ tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, bảo đảm chất lượng, có đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các dịch vụ thiết yếu đối với các dự án nhà ở thương mại, khuyến khích nhà ở xã hội theo hướng mô hình xanh, sử dụng tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững.
Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nâng cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo việc thu hút, đẩy nhanh xây dựng phát triển nhà ở xã hội, bảo đảm mục tiêu của Đề án đặt ra.