Để người dân tự nguyện... mua bảo hiểm bắt buộc
Theo quy định của pháp luật, người tham gia giao thông bằng phương tiện xe máy phải mua bảo hiểm bắt buộc. Tuy nhiên trên thực tế, chỉ khoảng 9% xe máy ở Việt Nam tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự và tỉ lệ các vụ được bồi thường khi xảy ra tai nạn rất thấp, chỉ khoảng 4% vào năm 2024. Theo số liệu thống kê, tổng doanh thu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe cơ giới tương tự 11 tháng của năm 2024 là 736,9 tỉ đồng, chi phí bồi thường là 28,5 tỉ đồng.
Theo quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025), người điều khiển phương tiện xe máy phải tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự. Đây không phải là quy định mới mà từ năm 1988, Việt Nam đã áp dụng bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy. Như vậy, đã là quy định của pháp luật thì người tham gia giao thông phải chấp hành. Hơn nữa tại Việt Nam, mô tô và xe máy vẫn là phương tiện vận tải cơ giới chủ yếu, lại chiếm đến 63,48% nguyên nhân gây ra tai nạn.

Con số thống kê trên cho thấy người tham gia giao thông đường bộ bằng xe máy vẫn chưa chấp hành nghiêm quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cũng cần đặt câu hỏi tại sao tỉ lệ mua bảo hiểm xe máy bắt buộc thấp trong khi đó bảo hiểm này được quy định nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tham gia giao thông. Trước đây, cử tri nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã kiến nghị bỏ bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy. Lý do được cử tri đưa ra là bảo hiểm này không mang lại hiệu quả, việc đòi quyền lợi bồi thường khi xảy ra tai nạn phiền hà, thủ tục phức tạp.
Thực tế khi xảy ra va chạm, hầu hết người tham gia giao thông bằng xe máy tự giải quyết với nhau vì cho rằng mức bồi thường bảo hiểm thấp, lại tốn thời gian, công sức để giải quyết. Nhiều người bày tỏ quan điểm do đây là loại hình bảo hiểm bắt buộc, tất cả chủ xe cơ giới đều có trách nhiệm phải mua nên chất lượng phục vụ khách hàng của các công ty bảo hiểm không được quan tâm đúng mức.
Cũng không ít người liên lạc với công ty bảo hiểm nhưng qua đó mới biết thủ tục để giải quyết không hề đơn giản. Ví dụ như không được di chuyển, tháo gỡ hoặc sửa chữa tài sản khi chưa có ý kiến chấp thuận của doanh nghiệp bảo hiểm (trừ trường hợp cần thiết hoặc phải thi hành theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền), trong khi đó không phải ai cũng nắm rõ các quy định này.
Những kiến nghị trên đặt ra vấn đề cơ quan chức năng và các công ty bảo hiểm cần có những giải pháp thiết thực để đảm bảo quyền lợi cho chủ phương tiện cơ giới cũng như tăng tỉ lệ người tham gia bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy. Lâu nay, nhiều đơn vị bảo hiểm như PVI, MIC, BIC, PTI, Bảo Việt... cung cấp bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự cho khách hàng bằng nhiều hình thức như: mua trực tiếp tại trụ sở công ty hay tại các đại lý phân phối bảo hiểm, ngân hàng, cây xăng.
Chủ phương tiện cũng có thể mua online thông qua các app điện thoại như momo, viettelpay, lazada hay đăng ký tại website trực tuyến của một số hãng bảo hiểm uy tín. Để tăng số lượng bảo hiểm bán ra, nhiều công ty bảo hiểm tăng chính sách ưu đãi để thu hút người mua. Có thời gian, nhiều đơn vị bảo hiểm “tiếp cận” khách hàng tại các chốt kiểm tra phương tiện giao thông của công an. Trong trường hợp chủ phương tiện không có bảo hiểm xe máy bắt buộc đều phải mua tại chỗ.
Các quy định liên quan tới bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới hiện nay đã kế thừa, bổ sung nhiều quy định mới nhằm đơn giản thủ tục bồi thường và gia tăng quyền lợi cho chủ xe về phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm...
Ngày 15/1/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 03/2021/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Nghị định này được ban hành trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn thực hiện thời gian qua nhằm tạo thuận lợi về thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, trong đó bao gồm cả xe máy cho người dân.
Nghị định này đã cắt giảm hồ sơ bồi thường bảo hiểm so với trước đây, đồng thời tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong giải quyết bồi thường bảo hiểm. Tiếp đó, Nghị định số 67/2023/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã bổ sung nhiều quy định mới nhằm đơn giản thủ tục bồi thường, đảm bảo quyền lợi của người mua bảo hiểm.
Tiến hành một cuộc khảo sát nhỏ đối với người tham gia giao thông bằng xe máy, đa số đều cho rằng mua bảo hiểm chỉ để... đối phó với công an. Trong khi đó, bản chất của việc tham gia loại hình bảo hiểm này là mang lại lợi ích cho người tham gia giao thông. Theo đó, bảo hiểm sẽ chi trả cho người bị tai nạn tối đa 150 triệu đồng/người/vụ tai nạn; về tài sản sẽ được bảo hiểm chi trả tối đa 50 triệu đồng/vụ.
Điều này giảm gánh nặng tài chính cho người tham gia giao thông nếu chẳng may xảy ra tai nạn. Khi CSGT kiểm tra giấy tờ thì chủ xe hạn chế bị xử phạt bởi bảo hiểm trách nhiệm dân sự là giấy tờ cần thiết và bắt buộc khi tham gia giao thông. Quy định mới về xử phạt hành chính vi phạm giao thông từ 2025 đối với lỗi không có bảo hiểm xe máy bắt buộc (hoặc bảo hiểm xe máy hết hạn) từ 200-300.000 đồng thay vì mức 100- 200.000 đồng như trước đây.
Do đó, người tham gia giao thông bằng phương tiện xe máy cần trang bị đầy đủ giấy tờ cần thiết, trong đó có bảo hiểm bắt buộc để thể hiện ý thức tuân thủ pháp luật và bảo vệ quyền lợi của mình.
Để tăng tỉ lệ chủ phương tiện xe máy tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự thì cần có cơ chế kiểm tra chặt chẽ hơn phương tiện lưu thông, đảm bảo người tham gia giao thông phải có đầy đủ các giấy tờ cần thiết khi ra đường.
Đồng thời chế độ bồi thường khi xảy ra tai nạn phải thỏa đáng, linh hoạt để người mua cảm thấy giấy tờ này thực sự mang lại quyền lợi thiết thực cho bản thân, từ đó tự nguyện tham gia. Hiện nay trên thị trường đang rao bán rất nhiều loại bảo hiểm xe máy với các mức giá khác nhau, vì thế chủ phương tiện cần tìm hiểu thông tin và chỉ nên mua bảo hiểm xe máy bắt buộc.