Để người dân trở thành chủ thể giữ rừng

Xác định bảo vệ, phát triển rừng là nhiệm vụ lâu dài, cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của người dân. Trên tinh thần đó, thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã triển khai đồng bộ các giải pháp giữ rừng. Với sự quyết tâm của chính quyền các cấp, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tốt, góp phần bảo vệ tài nguyên, ổn định đời sống người dân và phát triển kinh tế bền vững.

Điện Biên là địa phương có diện tích tự nhiên khá lớn với 953.992,60ha; trong đó có 426.378,55ha rừng, với tỷ lệ che phủ đạt 44,69% (năm 2024). Rừng đóng vai trò quan trọng góp phần điều hòa khí hậu, chống xói mòn và duy trì hệ sinh thái, là nguồn tài nguyên quý giá, lá chắn quan trọng bảo vệ môi trường sống. Tuy nhiên hiên nay, diện tích rừng trên địa bàn tỉnh chịu thách thức không nhỏ từ biến đổi khí hậu, áp lực phát triển kinh tế và tập quán sinh hoạt của người dân. Để bảo vệ rừng hiệu quả hơn, cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng đã không ngừng huy động sức mạnh của toàn dân tham gia bảo vệ, phát triển và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR).

Lực lượng kiểm lâm huyện Mường Chà phối hợp với các lực lượng tuần tra diện tích rừng trên địa bàn xã Hừa Ngài.

Lực lượng kiểm lâm huyện Mường Chà phối hợp với các lực lượng tuần tra diện tích rừng trên địa bàn xã Hừa Ngài.

Để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, lực lượng kiểm lâm đã chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lâm nghiệp. Chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền 934 lượt với 51.552 người tham gia và 42.150 người ký cam kết bảo vệ rừng. Tuyên truyền trên loa phát thanh thôn, bản 2.128 lượt, với tổng 2.276,28 giờ phát tới các hộ gia đình, cá nhân nhằm nâng cao ý thức của nhân dân về công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR. Tổ chức in 700 bảng thông tin đường dây nóng tiếp nhận thông tin cảnh báo cháy rừng và vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, cấp phát cho các hạt kiểm lâm chuyển xuống thôn, bản, tổ dân phố. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, ý thức giữ rừng của người dân đã thay đổi rõ rệt. Ông Vừ A Cháng, bản Co Lót, xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé) chia sẻ: “Người dân chúng tôi sống gần rừng, dựa vào rừng để mưu sinh. Trước đây, củi đốt, gỗ làm nhà đều kiếm từ rừng, nhưng từ khi cán bộ tuyên truyền, vận động, chúng tôi đã hiểu hơn rằng, nếu rừng mất đi, không chỉ đời sống của bản thân mà cả con cháu sau này cũng khó khăn phát triển sinh kế. Hậu quả khôn lường lắm! Vì vậy, bà con hãy chung tay bảo vệ rừng”.

Thời gian qua, thời tiết cực đoan đã làm tăng nguy cơ cháy rừng, gây khó khăn cho công tác quản lý và bảo vệ rừng. Với sự phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền và người dân đã đem lại kết quả đáng ghi nhận. Sự tham gia nhiệt tình của nhân dân các địa phương, lực lượng kiểm lâm đã hướng dẫn các chủ rừng cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh xây dựng 2.715 phương án PCCCR đối với diện tích rừng đã giao; kiện toàn và công nhận 1.231 tổ đội PCCCR cấp thôn, bản với 12.794 thành viên, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ chữa cháy trên địa bàn. Công tác tuần tra rừng được tổ chức thường xuyên, với sự tham gia của cả lực lượng chức năng và người dân. Năm 2024, đã có 5.125 lượt tuần tra được thực hiện, tập trung vào các khu vực có nguy cơ cao về phá rừng, cháy rừng và khai thác lâm sản trái phép.

 Hạt Kiểm lâm huyện Mường Nhé tuyên truyền, phổ biến Luật Lâm nghiệp cho người dân trên địa bàn.

Hạt Kiểm lâm huyện Mường Nhé tuyên truyền, phổ biến Luật Lâm nghiệp cho người dân trên địa bàn.

Ông Nguyễn Mạnh Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh khẳng định: “Tuyên truyền là chìa khóa để thay đổi ý thức của người dân nhằm nâng cao hiệu quả giữ rừng. Chúng tôi không chỉ nói về quy định pháp luật mà còn kể những câu chuyện gần gũi về hậu quả khi rừng bị tàn phá. Điều này giúp người dân hiểu rằng bảo vệ rừng chính là bảo vệ cuộc sống của chính họ. Nhờ vậy, bà con ngày càng trách nhiệm hơn trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển và PCCCR. Nhiều hộ gia đình, cá nhân đã tích cực tham gia cùng lực lượng chức năng tuần tra, bảo vệ rừng, kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm phạm đến rừng…”.

Hiện nay, thách thức lớn nhất đối với công tác bảo vệ rừng ở Điện Biên vẫn là tập quán sinh hoạt của người dân. Việc canh tác nương, sử dụng củi làm chất đốt và làm nhà bằng gỗ vẫn phổ biến, gây áp lực lên tài nguyên rừng. Thêm vào đó, sự phát triển kinh tế - xã hội và các dự án hạ tầng đã khiến diện tích đất lâm nghiệp bị thu hẹp. Trước tình hình đó, tỉnh đã đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ sinh kế bền vững cho người dân. Ông Hà Lương Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm chia sẻ: Thời gian qua, nhiều mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng, phát triển du lịch sinh thái, và chăn nuôi gia súc ngoài khu vực rừng đã được triển khai. Những mô hình này không chỉ giúp người dân giảm phụ thuộc vào rừng mà còn tạo thêm nguồn thu nhập ổn định. Những nỗ lực đồng bộ từ chính sách, sự vào cuộc của lực lượng chức năng và ý thức bảo vệ rừng của người dân đang tạo nên bước chuyển tích cực. Ngoài ra, năm 2024, Chi cục còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật, sáng kiến, giải pháp kỹ thuật trong công việc; chủ động, nâng cao năng lực, xử lý kịp thời, hiệu quả công tác PCCCR, hạn chế thấp nhất số vụ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra. Việc thực hiện của các đơn vị nghiêm túc, kịp thời, chủ động, quyết liệt. Nhờ vậy, Chi cục đã thực hiện hoàn thành 11/11 chỉ tiêu nhiệm vụ được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao, trong đó có 7/11 chỉ tiêu đạt vượt mức kế hoạch…

Để nâng cao ý thức giữ rừng cho người dân, Hạt Kiểm lâm huyện Mường Chà xuống cơ sở tuyên truyền quy định của pháp luật liên quan đến lâm nghiệp cho bà con vào buổi tối.

Để nâng cao ý thức giữ rừng cho người dân, Hạt Kiểm lâm huyện Mường Chà xuống cơ sở tuyên truyền quy định của pháp luật liên quan đến lâm nghiệp cho bà con vào buổi tối.

Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng kiểm lâm, cấp ủy, chính quyền địa phương, nhân dân có vai trò không nhỏ trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển và PCCCR. Qua đó giúp nâng cao tỷ lệ che phủ rừng năm 2024 trên địa bàn toàn tỉnh lên 44,69% (tăng 0,7% so với năm 2023); tỷ lệ trồng rừng tập trung đạt 210%; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên đạt 105%... Đó là những kết quả tích cực, minh chứng rõ nét cho nỗ lực giữ rừng của tỉnh Điện Biên thời gian qua. Đặc biệt là ý thức trách nhiệm và vai trò của đồng bào các dân tộc đã giúp mỗi người dân trở thành chủ thể quan trọng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.

Phạm Quang

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/quan-ly-bao-ve-rung/de-nguoi-dan-tro-thanh-chu-the-giu-rung
Zalo