Để người dân tránh rủi ro 'nợ thuế nhỏ, rắc rối lớn'

Để các cá nhân, đại diện doanh nghiệp không bị bất ngờ trước thông tin bị tạm hoãn xuất cảnh nếu nợ thuế trên 120 ngày hoặc bị truy thu số tiền nợ thuế lớn, cơ quan thuế cần có những công cụ, giúp họ dễ dàng tra cứu nghĩa vụ thuế của bản thân một cách nhanh chóng và chính xác.

Thay đổi của ngành tài chính và điều còn băn khoăn

Hiện nay, các quy định chưa xác định ngưỡng nợ cụ thể để áp dụng biện pháp cưỡng chế, tức là chỉ cần nợ thuế quá hạn cũng bị coi là vi phạm. Trong bối cảnh đó, đầu tháng 12-2024, Bộ Tài chính đã đề xuất ngưỡng nợ thuế từ 10 triệu đồng trong 120 ngày sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân, hộ kinh doanh.

Tuy nhiên, sau phản hồi của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với nội dung mức này quá thấp, Bộ Tài chính đã điều chỉnh nâng ngưỡng lên 50 triệu đồng trong 120 ngày, cao hơn năm lần so với mức đưa ra trước đó.

Cục Thuế Đà Nẵng hỗ trợ hướng dẫn người nộp thuế kê khai, quyết toán thuế. Ảnh: Bộ Tài Chính

Cục Thuế Đà Nẵng hỗ trợ hướng dẫn người nộp thuế kê khai, quyết toán thuế. Ảnh: Bộ Tài Chính

Ông Hoàng Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính cho biết, số hộ kinh doanh và cá nhân nợ thuế trên 50 triệu đồng hiện khoảng 81.000 trường hợp. Do đó, việc đặt ngưỡng nợ thuế bị tạm hoãn xuất ở mức 50 triệu đồng là phù hợp về số lượng và kinh nghiệm quốc tế đã khảo sát.

“Thời hạn để thực hiện biện pháp cưỡng chế, cấm xuất cảnh dự kiến nâng từ 90 lên 120 ngày. Trong 120 ngày đó, cơ quan thuế phải tiến hành các bước như thông báo, áp dụng các biện pháp như trừ tiền trong tài khoản theo quy định tại luật, rồi mới tiến hành cưỡng chế, tạm hoãn xuất cảnh", ông Sơn nêu rõ.

Nắm thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, bà V.K.D, chủ một cửa hàng kinh doanh trực tuyến theo mô hình hình hộ kinh doanh tỏ ra băn khoăn. Băn khoăn của bà D không tới từ việc thiếu nguồn lực thực hiện nghĩa vụ thuế, mà tới từ rủi ro mất kết nối thông tin thuế, không nhận được thông báo thuế, dẫn tới tình trạng “không biết mình có có nợ thuế không?”.

Theo quy định, cơ quan thuế sẽ thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh với người nợ thuế qua phương thức điện tử. Nếu không gửi được bằng cách này, cơ quan thuế sẽ thông báo trên trang thông tin điện tử. Tuy nhiên, vẫn xuất hiện trường hợp một số cá nhân, chủ hộ kinh doanh không nhận được thông tin.

“Đã có trường hợp người nộp thuế kiểm tra trên ứng dụng eTax Mobile cho kết quả không nợ thuế nhưng, sau đó lại thông báo nợ thuế, truy thu và phạt. Ngoài ra, không ít người chỉ được thông báo khi phát sinh khoản nợ thuế, với số tiền chậm nộp tương đối lớn do tích lũy qua vài năm”, bà D cho biết.

Không chỉ bà D, ông V.M.H, làm việc tại một đơn vị sự nghiệp công lập ở Hà Nội, cũng từng rơi vào tình huống được ứng dụng Etax mobile thống báo nợ thuế 1,75 triệu đồng. Đến khi ông nộp đủ số tiền này, hệ thống lại ghi nhận còn nợ vài ngàn đồng tiền thuế liên quan tới nhà đất, mà bản thân ông không hề biết.

Để được hoàn thuế thu nhập cá nhân, ông H buộc phải thuê đại lý thuế làm các thủ tục, nhằm "quét sạch" những khoản nợ này.

Cũng với lo ngại bị tạm hoãn xuất cảnh hoặc bị truy thu số nợ thuế lớn, bà N.T.N.L (Hà Nội) phải dành rất nhiều thời gian sắp xếp công việc, hẹn gặp các cán bộ thuế tại chi cục thuế địa phương, để trao đổi về nội dung khai thuế, bản chất các khoản nợ/cưỡng chế thuế phải nộp và thủ tục cần thực hiện… Dù các khoản nợ từ mua/bán, giao dịch đất đai của bà chỉ từ vài trăm tới vài nghìn đồng, với ghi chú "tiền chậm nộp các khoản khác điều tiết 100% ngân sách địa phương", hay "thu từ đất ở nông thôn", "thu từ đất ở đô thị"…

Theo bà L, yếu tố khiến bà và nhiều người nộp thuế cảm thấy bất tiện là sự thiếu vắng của các công cụ, giúp người dân dễ dàng tra cứu bản thân có nợ thuế hay không, nợ bao nhiêu và quan trọng hơn hết là số liệu phải rõ ràng và chính xác.

Tránh thiếu sót trong truyền đạt thông tin

Theo thống kê của Tổng cục Thuế, cơ quan thuế đã ban hành 58.680 thông báo tạm hoãn xuất cảnh, với số tiền nợ thuế là 80.512 tỉ đồng của gần 6.500 người nộp thuế, trong giai đoạn từ đầu năm đến hết tháng 11-2014. Kết quả, cơ quan thuế đã thu được 4.289 tỉ đồng của 6.648 người nộp thuế. Trong đó, có trên 2.500 người nộp thuế đang bỏ địa chỉ kinh doanh, với số tiền là 236 tỉ đồng.

Điều này phần nào thể hiện biện pháp tạm hoãn xuất cảnh có tác dụng trong việc thu hồi nợ thuế. Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp này sao cho công bằng, nhân văn cũng hết sức quan trọng.

Người dân làm thủ tục thuế tại Cục Thuế tỉnh Đồng Nai. Ảnh: dongnai.gov.vn

Người dân làm thủ tục thuế tại Cục Thuế tỉnh Đồng Nai. Ảnh: dongnai.gov.vn

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho biết, có những ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh đặc thù, với đặc trưng là dòng tiền về chậm, khiến người nộp thuế đôi khi bị quá hạn thực hiện nghĩa vụ thuế một vài ngày hoặc tuần. “Trong 120 ngày đó, cũng phải có động thái nhắc nhở, ít nhất khoảng ba lần, nếu như vượt ba lần thì chúng ta có thể áp dụng biện pháp”, ông Lực lưu ý.

Còn Luật sư Nguyễn Văn Lộc, chủ tịch LP Group cho rằng, dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý thuế về ngưỡng nợ thuế và thời gian nợ với các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh, đi kèm các chỉ số mang tính định lượng là vấn đề quan trọng trong quản lý hành chính, đặc biệt ở lĩnh vực kinh tế.

“Việc xác định ngưỡng nợ thuế (số tiền nợ tối thiểu - PV) và thời gian nợ cụ thể để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh (cần thời gian để điều chỉnh) là điều cần thiết. Việc này giúp cơ quan thuế có cơ sở rõ ràng để thực hiện và tránh áp dụng tùy tiện. Nhưng sẽ là không hợp lý nếu áp dụng biện pháp chế tài xuất nhập cảnh với những người không cố ý vi phạm hoặc không biết rằng mình đang nợ thuế”, ông Lộc nói.

Cũng theo luật sư Lộc, cơ quan thuế đã thực hiện việc rà soát hoạt động tại trụ sở doanh nghiệp, làm việc với đối tượng nợ thuế hay tạm thời khóa mã số thuế từ năm 2023. Nhưng đây chỉ là biện pháp tạm thời và không toàn diện, có thể gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp không thể thuê mặt bằng sau đại dịch Covid-19.

Bên cạnh vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Văn Lộc cho rằng vấn đề thiếu sót trong truyền đạt thông tin cần được quan tâm.

Thực tế, nhiều người nộp thuế có thể không nhận được thông báo trực tiếp nên không biết về tình trạng của mình (bị khóa mã số thuế, bị phạt), dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ. Vì vậy, cơ quan thuế cần hỗ trợ, hướng dẫn người nộp thuế để họ hiểu và tuân thủ đúng quy định. Đông thời, cần nâng cao, đa dạng các phương thức liên lạc.

"Cần xây dựng các cách thức thông tin hiệu quả hơn, như kết hợp với quản lý hành chính về dân cư để đảm bảo thông báo đến đúng người. Nếu cá nhân hoặc doanh nghiệp vẫn cố tình chây ỳ sau khi nhận thông tin, việc xử lý vi phạm mới là phương án cuối cùng", ông Lộc chia sẻ.

Vân Phong

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/de-nguoi-dan-tranh-rui-ro-no-thue-nho-rac-roi-lon/
Zalo