Đề Ngữ văn không dùng ngữ liệu SGK: Không phải thông tin bất ngờ với trường, GV

Giáo viên dù mất nhiều công sức và thời gian tìm kiếm ngữ liệu nhưng sẽ tránh được tình trạng bài cũ soạn lại, thói quen đọc chép và cách chấm bài rập khuôn.

Trong Công văn 3935/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024 - 2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành nêu rõ: Cần xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá phù hợp với kế hoạch dạy học; tăng cường thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ thông qua bài thực hành, dự án học tập.

Đối với môn Ngữ văn, tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kỳ, nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.

Không phải thông tin bất ngờ đối với nhà trường và thầy cô

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Lâm Thị Sang - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bạc Liêu cho biết: Chỉ đạo này của Bộ rất phù hợp với nhu cầu thực tiễn và đúng với mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông (Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20/7/2021).

Trên thực tế, yêu cầu tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu cho đề thi môn Ngữ văn đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo thực hiện từ năm học 2022 - 2023 tại Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH ngày 21/7/2022 và được định hướng rất rõ ràng từ đặc điểm môn học, mục tiêu, yêu cầu và nội dung giáo dục trong bộ môn.

Vì thế, đây không phải là thông tin bất ngờ hay khó thực hiện đối với các trường và các thầy cô phụ trách giảng dạy bộ môn Ngữ văn.

“Trong 02 năm gần đây, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục trung học tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn.

Bên cạnh đó, trong hướng dẫn kiểm tra cuối học kỳ hàng năm, Sở đã xây dựng và ban hành cấu trúc đề kiểm tra để giáo viên tổ chức ôn tập cho học sinh phù hợp với chỉ đạo đổi mới kiểm tra, đánh giá cũng như lưu ý người ra đề tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu.

Khi thực hiện hướng dẫn này, giáo viên dành nhiều thời gian trau dồi năng lực chuyên môn để dẫn dắt học sinh phát huy tính tích cực, chủ động trong việc tiếp cận tác phẩm văn học.

Qua đó, giải quyết triệt để vấn đề học vẹt, học tủ của học sinh khi không còn tình trạng học tác phẩm nào thi tác phẩm đó như nhiều năm qua, chấm dứt tình trạng dạy mẫu, dạy tủ của giáo viên”, cô Lâm Thị Sang thông tin.

 Cô Lâm Thị Sang - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: NVCC

Cô Lâm Thị Sang - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: NVCC

Theo chia sẻ từ cô Nguyễn Ngọc Hân - Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (Hoàn Kiếm, Hà Nội), hầu hết các trường trung học trên địa bàn Hà Nội đã duy trì hình thức kiểm tra này trong 2-3 năm trở lại đây, vì thế học sinh đã có thời gian làm quen qua các kỳ thi, đợt kiểm tra trên lớp.

Do vậy, cần phải nhìn vào những ưu điểm từ phương pháp này mang lại để nâng cao trình độ cảm thụ, phân tích văn học của học sinh Việt Nam.

"Hiện nay, mục tiêu của các trường học đối với môn Ngữ văn là tất cả học sinh đều có thể làm được các dạng bài ở bất kỳ đề thi nào.

Việc không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa sẽ giúp học sinh rèn luyện khả năng ứng biến, có thể giải quyết tất cả các dạng đề Ngữ văn thay vì chỉ tập trung ôn và học những tác phẩm có trong sách.

Trên thực tế, việc học sinh học thuộc lòng tác phẩm hay các bài phân tích văn học đã phản ánh tình trạng thụ động, là cách học máy móc, thậm chí là biện pháp đối phó của một số em đối với môn học này.

Do đó, với cách kiểm tra đổi mới như chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phát huy năng lực sáng tạo và sự chủ động của học sinh với các tác phẩm văn học", cô Hân nêu quan điểm.

 Ảnh minh họa: Đào Hiền

Ảnh minh họa: Đào Hiền

Cùng quan điểm trên, cô Hoàng Tuệ Minh – Tổ trưởng tổ Văn – Sử - Địa – Giáo dục công dân, Trường Trung học cơ sở Giảng Võ (Hà Nội) cũng cho rằng, chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng đến mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất của người học qua hoạt động học và vận dụng kiến thức để thực hiện phương châm “học qua làm”.

Như vậy, giáo viên đóng vai trò định hướng và phát triển năng lực tự học cho học sinh qua các phương pháp dạy học tích cực, chuyển từ vai trò người dạy sang vị trí người tổ chức, kiểm tra định hướng hoạt động học của học sinh để thực hiện hiệu quả yêu cầu của phương pháp dạy học này.

Về nội dung trong công văn hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm 2024 - 2025 của Bộ đối với môn Ngữ văn, cô Tuệ Minh cho hay nếu thực hiện tốt nhiệm vụ này sẽ mang lại nhiều thay đổi tích cực.

“Trên thực tế, chúng tôi đã thực hiện nội dung này trong 2-3 năm nay và nhận được những kết quả tích cực cho cả giáo viên và học sinh.

Đối với học sinh, khi được tiếp cận với những ngữ liệu mới trong các đề kiểm tra sẽ mang đến những cảm xúc mới mẻ và sự hứng thú, học sinh sẽ có tinh thần chủ động trong việc học tập và tiếp thu những nội dung, văn bản ngoài sách giáo khoa.

Nhờ đó, tình trạng học sinh “học tủ, học vẹt” hay tư tưởng “học gì thi nấy” sẽ dần được khắc phục, rèn luyện được kỹ năng ứng dụng giúp học sinh không còn thụ động khi học môn Ngữ Văn.

Đối với giáo viên, dù sẽ mất nhiều công sức và thời gian để tìm kiếm ngữ liệu, tuy nhiên, điều này là cần thiết và phù hợp để tránh tình trạng bài cũ soạn lại, loại bỏ tư duy lối mòn, không làm mới mình của thầy cô.

Qua đó phát triển thói quen đọc sách và tinh thần chủ động, đổi mới sáng tạo của cả thầy và trò”, cô Tuệ Minh cho hay.

Nhà trường và giáo viên cần trách nhiệm hơn

Năm học 2024 - 2025 là năm học thứ 3 Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở cấp trung học phổ thông trên toàn quốc.

Theo chia sẻ từ cô Nguyễn Ngọc Hân, chương trình mới này sẽ thay đổi cách thức, phương pháp dạy học từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực của người học, lấy học sinh là trung tâm phát triển.

 Cô Nguyễn Ngọc Hân - Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: NVCC

Cô Nguyễn Ngọc Hân - Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: NVCC

Đối với môn Ngữ Văn, dù không được sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa để làm đề thi nhưng học sinh sẽ có đề cương cụ thể để có thể vận dụng linh hoạt kiến thức được học tập trên lớp với bất kỳ một tác phẩm nào khác.

Ví dụ phần thi về thể thơ 5 chữ, thay vì để học sinh học theo nội dung khuôn mẫu khi phân tích từng câu thơ, giáo viên sẽ hướng dẫn các em cách khai thác tác phẩm, hiểu bản chất của thể thơ 5 chữ về cách gieo vần, sử dụng hình ảnh nghệ thuật, biện pháp tu từ…và lấy ví dụ từ các tác phẩm thơ 5 chữ khác để học sinh đối sánh, qua đó có sự vận dụng linh hoạt.

Tương tự, khi ra đề thi, giáo viên phải xác định đúng nội dung trọng tâm đã giảng dạy trên lớp, sử dụng ngữ liệu phù hợp với trình độ của học sinh để các em có thể phát huy sự sáng tạo, biết cách khai thác nội dung trong những tác phẩm khác nhau.

Làm tốt phương pháp giảng dạy này sẽ phát huy được năng lực của học sinh, thoát ly tình trạng đọc chép, học thuộc, học tủ.

Qua một tác phẩm, đoạn trích tiêu biểu, học sinh biết cách khai thác, phân tích nhiều tác phẩm khác và rèn luyện được tư duy phân tích, kỹ năng cảm thụ văn học.

Bên cạnh đó, cô Hân cũng cho rằng, đây sẽ là một thử thách với giáo viên khi nhiệm vụ chính của thầy cô giảng dạy là phải hướng dẫn, bồi dưỡng học sinh kỹ năng dùng lý luận văn học để khái quát, khai thác tác phẩm.

Do đó, giáo viên cần đổi mới phương pháp giảng dạy truyền thống để khơi gợi cảm hứng học tập của học sinh đối với môn Ngữ văn, tạo hứng thú cho các em tìm hiểu nhiều tác phẩm văn học khác.

Thách thức lớn nhất ở vị trí giảng dạy chính là làm thế nào để người học tự viết và truyền đạt được ý kiến của riêng mình. Muốn vậy, giáo viên phải có sự sáng tạo trong cách truyền đạt, hạn chế tình trạng “xào” lại đề án dễ khiến học sinh cảm thấy nhàm chán.

Khi ra đề nên lựa chọn những ngữ liệu chính thống, có cùng tác giả với tác phẩm đã ôn luyện cho học sinh trên lớp. Lựa chọn đoạn văn, đoạn trích phù hợp với nhận thức, chuẩn mực của xã hội.

Mặt khác, không nên đặt những câu hỏi đánh đố làm khó thí sinh, khi chấm bài cần có sự khách quan, tôn trọng ý kiến, quan điểm và sự sáng tạo của người học thay vì rập khuôn một cách chấm cứng nhắc.

Trong khi đó, cô Lâm Thị Sang cho rằng, để thực hiện tốt theo hướng dẫn của Bộ, Ban Giám hiệu tại các trường trung học phải phát huy được đam mê và khả năng nội tại của từng giáo viên.

Cụ thể, lãnh đạo nhà trường cần có những giải pháp và khuyến khích, động viên, ghi nhận, tuyên dương đối với những giáo viên có ý thức tự đổi mới, tránh tình trạng người chuyên tâm đầu tư đổi mới, có sáng tạo trong chuyên môn cũng bị đánh giá ngang bằng với người thiếu tích cực trong bồi dưỡng nghiệp vụ bản thân.

Qua đó, có sự ghi nhận khách quan để tránh làm nản lòng những giáo viên có ý thức tự học, tâm huyết với nghề. Tăng cường quan tâm chỉ đạo và tham gia vào các buổi sinh hoạt chuyên môn của tổ chuyên môn...

Ngoài ra, nhà trường cần tạo điều kiện cơ sở vật chất tốt nhất, đặc biệt cần có sự đầu tư cho hệ thống thư viện, nguồn tài liệu sách báo, tư liệu qua mạng thông tin để giáo viên có cơ hội nghiên cứu tìm hiểu chuyên môn nghiệp vụ. Tích cực tạo điều kiện cho giáo viên có cơ hội giao lưu học hỏi từ các chuyên gia, các lớp tập huấn và tham gia đọc, duyệt, góp ý, phản biện đề kiểm tra của đơn vị.

Đối với giáo viên, để phát huy khả năng sáng tạo trong công tác giảng dạy nhưng vẫn đảm bảo nội dung, ngữ liệu sử dụng phù hợp và có chọn lọc thì cần thay đổi tư duy, bỏ thói quen giảng dạy khuôn mẫu.

Trong quá trình giảng dạy, giáo viên nên đa dạng ngữ liệu và lựa chọn những nội dung gắn với cuộc sống đời thường, phù hợp với thực tế và mang tính cập nhật.

Đối với yêu cầu sử dụng ngữ liệu bên ngoài vào đề thi, đề kiểm tra môn Ngữ văn, giáo viên cần lưu ý chọn lọc ngữ liệu nhưng phải bám sát với yêu cầu, mục tiêu chương trình môn học.

Khi chọn những tác giả, tác phẩm mới phải tìm hiểu rõ tư tưởng chính trị, giáo viên nên chọn những tác giả đã được gợi ý ở chương trình hay đã được đưa vào sách giáo khoa vì những tác giả này đã được hội đồng thẩm định nên sẽ hạn chế rủi ro, sai sót.

“Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo hướng “mở” nên đòi hỏi giáo viên phải tham gia phân phối chương trình cùng nhà trường và tổ chuyên môn để xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch kiểm tra đánh giá.

Thực hiện tốt chương trình này không chỉ tạo điều kiện cho giáo viên trong việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá mà học sinh còn được bồi dưỡng, phát triển nhiều kỹ năng cũng như xóa bỏ tình trạng học tủ, học vẹt.

Tuy nhiên, để làm được điều này, đòi hỏi giáo viên phải thay đổi tư duy và phương pháp giảng dạy, tích cực nghiên cứu, học tập, nâng cao năng lực chuyên môn và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh.

Mặt khác, yêu cầu giáo viên xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch bài dạy một cách linh hoạt, sáng tạo và phù hợp với từng đối tượng học sinh, lựa chọn nguồn học liệu phù hợp giúp học sinh có thể vận dụng và phát huy được kiến thức, kỹ năng đã được đào tạo”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bạc Liêu nhắn nhủ.

Đào Hiền

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/de-ngu-van-khong-dung-ngu-lieu-sgk-khong-phai-thong-tin-bat-ngo-voi-truong-gv-post244775.gd
Zalo