Đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.

Thành lập Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại Thành phố Hồ Chí Minh

Thành lập Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại Thành phố Hồ Chí Minh

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Nghị quyết số 259/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2024 của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Thông báo số 47-TB/TW ngày 15 tháng 11 năm 2024 kết luận của Bộ Chính trị về việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành và địa phương liên quan lập hồ sơ xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.

Về cơ sở thực tiễn, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay trên thế giới có 121 Trung tâm tài chính và đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ trong việc trở thành các Trung tâm tài chính hàng đầu, với các sản phẩm hấp dẫn, đổi mới sáng tạo, phù hợp với sự vận động và phát triển. Nhu cầu về một Trung tâm tài chính mới, khác biệt với những Trung tâm tài chính hiện có để tiếp nhận nguồn lực tài chính dịch chuyển từ các Trung tâm tài chính quốc tế lớn, cung cấp dịch vụ tài chính mới, tiếp cận các thị trường mới, xu thế phát triển mới... đang cấp thiết. Trong đó, khả năng hình thành Trung tâm tài chính mới ở Châu Á - Thái Bình Dương, nơi được đánh giá là trung tâm kinh tế năng động nhất thế giới hiện nay đang ngày càng bộc lộ rõ nét.

Việt Nam đang là điểm sáng về phát triển và tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút đầu tư, đang dần hội tụ các yếu tố cần thiết để phát triển thị trường tài chính hiện đại, hướng đến hình thành Trung tâm tài chính, có khả năng liên kết với các Trung tâm tài chính trong khu vực và trên thế giới.

Năm 2022, Việt Nam có Thành phố Hồ Chí Minh được đưa vào xếp hạng trong danh sách chính thức các Trung tâm tài chính toàn cầu tại Báo cáo GFCI 31 với thứ hạng là 102/120; tại Báo cáo GFCI 35 (tháng 3/2024), Thành phố Hồ Chí Minh xếp thứ hạng 108/121 và tại Báo cáo GFCI 36 (tháng 9/2024), xếp thứ hạng 105/121.

Năm 2023, Việt Nam được Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) đánh giá là một trong 03 nền kinh tế sáng tạo dẫn đầu trong số các quốc gia thu nhập trung bình thấp; một trong 07 quốc gia đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua; năm 2024, được WIPO ghi nhận là một trong 08 quốc gia thu nhập trung bình cải thiện thứ hạng nhiều nhất tính từ năm 2013 và là một trong 03 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 14 năm liên tiếp.

Việc xây dựng, củng cố và phát huy các lợi thế cạnh tranh để hình thành Trung tâm tài chính khu vực, hướng đến Trung tâm tài chính quốc tế đặt ra nhiều thách thức với Việt Nam. Tuy nhiên nếu thành công, sẽ giúp Việt Nam: (i) kết nối thị trường tài chính toàn cầu; (ii) thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo ra nguồn lực đầu tư mới, thúc đẩy nguồn lực đầu tư hiện hữu; (iii) tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế; (iv) thúc đẩy phát triển thị trường tài chính Việt Nam hiệu quả, bắt kịp chuẩn mực quốc tế; (v) góp phần phát triển bền vững kinh tế đất nước, nâng cao vai trò, vị thế, uy tín và ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế; từ đó bảo đảm quốc phòng an ninh, nhất là trong trong lĩnh vực tài chính từ sớm, từ xa. Việc xây dựng, vận hành và phát triển Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế có tính cạnh tranh tại Việt Nam sẽ góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn trong nước và quốc tế thì việc xây dựng Nghị quyết về Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại Việt Nam là hết sức cần thiết.

Chính sách quy định về số lượng, vị trí, cơ cấu, tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Trung tâm tài chính

Nội dung đề nghị xây dựng Nghị quyết tập trung vào 2 nhóm chính sách. Trong đó có nhóm chính sách quy định về số lượng, vị trí, cơ cấu, tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Trung tâm tài chính.

Theo đó, Trung tâm tài chính tại Việt Nam gồm: (i) Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại Thành phố Hồ Chí Minh; (ii) Trung tâm tài chính quy mô khu vực tại thành phố Đà Nẵng. Các Trung tâm tài chính được quy định cụ thể về vị trí, địa giới hành chính, diện tích.

Về thẩm quyền, trình tự và thủ tục quyết định thành lập Trung tâm tài chính, theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng; Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng xây dựng đề án thành lập Trung tâm tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ; Ban Chỉ đạo về Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế thành lập hội đồng thẩm định, do cơ quan thường trực Ban chỉ đạo làm đầu mối để thẩm định đề án thành lập Trung tâm tài chính, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Các cơ quan quản lý Trung tâm tài chính

Các cơ quan quản lý Trung tâm tài chính gồm: (i) Ủy ban quản lý, điều hành: chịu trách nhiệm quản lý và vận hành Trung tâm tài chính hiệu quả; (ii) Ủy ban giám sát tài chính: có nhiệm vụ đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn tài chính quốc tế và quy định của Trung tâm tài chính, đồng thời thúc đẩy môi trường minh bạch và liêm chính; (iii) Trung tâm trọng tài quốc tế thuộc Trung tâm tài chính.

Trong đó, Ủy ban quản lý, điều hành gồm Ban Giám đốc và các phòng, ban trực thuộc: Ban Quản lý chiến lược; Ban Quản lý tài chính; Ban Giám sát hoạt động; Ban điều phối quản lý.

Ủy ban giám sát tài chính gồm Ban Giám đốc và các phòng, ban trực thuộc: Ban kiểm toán; Ban pháp chế; Ban phúc lợi; Ban quản lý rủi ro; Ban quản trị và nhân sự.

Mời bạn đọc xem toàn văn Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam và góp ý tại đây.

Khánh Linh

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/de-nghi-xay-dung-nghi-quyet-cua-quoc-hoi-ve-trung-tam-tai-chinh-khu-vuc-va-quoc-te-tai-viet-nam-102250107144840719.htm
Zalo