Đề nghị VKSND tối cao cân nhắc yêu cầu tương trợ tư pháp liên quan án tử hình

Cơ quan thẩm tra cho biết có ý kiến đề nghị VKSND tối cao cân nhắc nội dung xem xét yêu cầu tương trợ tư pháp liên quan hình phạt tử hình, do có thể ảnh hưởng đến nguyên tắc độc lập xét xử của tòa án đã được quy định trong Hiến pháp.

Trình Quốc hội dự thảo Luật Hỗ trợ tư pháp về hình sự vào sáng nay, Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết, việc ban hành một đạo luật riêng về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự là hết sức cần thiết để đáp ứng yêu cầu đấu tranh với các loại tội phạm xuyên quốc gia và tội phạm có yếu tố nước ngoài.

Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến. Ảnh: Quốc hội

Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến. Ảnh: Quốc hội

Ông Tiến cho biết hiện nay, tình hình tội phạm có yếu tố nước ngoài, đặc biệt là tội phạm xuyên quốc gia ngày càng gia tăng, đòi hỏi hợp tác quốc tế tư pháp về hình sự.

“Chỉ riêng lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự, nếu như trong năm 2008 Việt Nam chỉ gửi 1 yêu cầu đề nghị nước ngoài hỗ trợ thực hiện thì tới năm 2022 đã gửi 369 yêu cầu” - Viện trưởng VKSND tối cao thông tin.

Dự thảo luật gồm 4 chương 39 điều, có những điểm mới như: cho phép lấy lời khai trực tiếp hoặc trực tuyến; không phải hợp pháp hóa lãnh sự với giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ tương trợ tư pháp về hình sự…

Về kinh phí thực hiện, Viện trưởng VKSND tối cao cho biết nước được yêu cầu sẽ chịu chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện yêu cầu tương trợ trên lãnh thổ nước mình, ngoại trừ một số chi phí đặc thù phải do nước yêu cầu chi trả.

Theo dự thảo luật, VKSND tối cao có tư cách là cơ quan trung ương chịu trách nhiệm chủ trì đánh giá, quyết định tiếp nhận hay từ chối yêu cầu tương trợ của nước ngoài trên nguyên tắc “có đi có lại”. Trường hợp cần thiết, VKSND tối cao lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao và các cơ quan có liên quan để thống nhất trước khi ra quyết định cuối cùng.

Cân nhắc yêu cầu liên quan hình phạt tử hình

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban tán thành sự cần thiết ban hành luật với các lý do được nêu tại tờ trình.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Quốc hội

Ông Tùng kiến nghị VKSND tối cao trong quá trình chỉnh lý hoàn thiện dự thảo luật cần đảm bảo thống nhất với Luật tương trợ tư pháp về dân sự, Luật dẫn độ, Luật chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.

“Bên cạnh đó, một số luật về tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp, các luật tố tụng tư pháp cũng đang được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9” - ông Tùng lưu ý và cho rằng cơ quan soạn thảo cần rà soát, bám sát việc sửa đổi bổ sung của các dự thảo luật nêu trên để có sự thống nhất của cả hệ thống pháp luật.

Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cho biết có ý kiến đề nghị VKSND tối cao cân nhắc nội dung xem xét yêu cầu tương trợ tư pháp liên quan hình phạt tử hình, do có thể ảnh hưởng đến nguyên tắc độc lập xét xử của tòa án đã được quy định trong Hiến pháp.

Về nội dung kinh phí, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp lưu ý trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài chưa ký kết điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp về hình sự, không có cơ sở để khẳng định chắc chắn nước ngoài sẽ chi trả chi phí khi Việt Nam là nước yêu cầu.

Do đó, để đảm bảo chặt chẽ, Ủy ban đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết điều này để bảo đảm cụ thể, thuận lợi trong thực tiễn triển khai.

Theo điều 13 khoản 1, dự thảo luật quy định trường hợp nước ngoài yêu cầu Việt Nam không áp dụng hoặc không thi hành hình phạt tử hình để thực hiện yêu cầu tương trợ, Viện KSND tối cao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành đưa ra một trong các thông báo sau:

- Thông báo không áp dụng hình phạt tử hình đối với người có liên quan đến yêu cầu tương trợ nếu người đó thuộc trường hợp không bị kết án tử hình theo quy định tại bộ luật Hình sự.

- Hoặc thông báo không thi hành hình phạt tử hình đối với người có liên quan đến yêu cầu tương trợ không thuộc trường hợp được quy định tại điểm a khoản 1 Điều này sau khi có ý kiến của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp cần thiết.

- Trường hợp Việt Nam yêu cầu nước ngoài không thi hành hình phạt tử hình để thực hiện yêu cầu tương trợ, VKSND tối cao đề nghị nước ngoài đưa ra cam kết bằng văn bản về nội dung này.

Thế Vinh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/de-nghi-vksnd-toi-cao-can-nhac-yeu-cau-tuong-tro-tu-phap-lien-quan-an-tu-hinh-2404818.html
Zalo