Đề nghị tuyên phạt ông Mai Tiến Dũng từ 24-30 tháng tù treo
Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hà Nội đề nghị tòa tuyên phạt cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng từ 24-30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, trong vụ án Sài Gòn Đại Ninh.
Sáng 17/1, sau khi kết thúc phần xét hỏi đối với các bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án xảy ra tại dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (dự án Đại Ninh), tỉnh Lâm Đồng.
Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hà Nội đã công bố bản luận tội đối với 10 bị cáo và đưa ra quan điểm giải quyết vụ án; đồng thời mức án đề nghị tuyên phạt các bị cáo.
Cụ thể, bị cáo Mai Tiến Dũng, cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ bị đề nghị tuyên phạt từ 24-30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, với cáo buộc tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Cùng tội danh trên, bị cáo Trần Bích Ngọc, cựu Vụ trưởng Vụ I Văn phòng Chính phủ bị đề nghị tuyên phạt bằng thời hạn tạm giam; Nguyễn Hồng Giang, cựu Cục trưởng Cục II, Thanh tra Chính phủ, bị đề nghị 24-36 tháng tù.
Bị cáo Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và quản lý giáo dục Văn Lang; Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Nin bị đề nghị phạt từ 3-4 năm tù về hành vi “đưa hối lộ”.
Các bị cáo phạm tội “nhận hối lộ” bị đề nghị tuyên phạt các mức án, gồm: cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận từ 5-6 năm tù; cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp từ 7-8 năm tù; cựu Phó cục trưởng Cục II Thanh tra Chính phủ Lê Quốc Khanh từ 4-5 năm tù; Hoàng Văn Xuân, cựu thanh tra viên chính Cục II từ 3-4 năm tù; Nguyễn Nho Định, cựu thanh tra viên chính Cục II từ 2-3 năm tù; cựu Chánh thanh tra tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Ánh từ 3-4 năm tù.
Theo bản luận tội của đại diện Viện Kiểm sát, các bị cáo trong vụ án đều có học hàm, học vị cao nên đầy đủ nhận thức để biết rõ đâu là hành vi trái pháp luật, nhưng vì động cơ vụ lợi, động cơ cá nhân, họ đã phạm tội.
Viện Kiểm sát cũng ghi nhận, nhiều bị cáo có các thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác, có nhiều bằng khen, giấy khen, trong đó một số bị cáo đã tích cực nộp lại số tiền thu lợi bất chính, khắc phục hậu quả như: Nguyễn Cao Trí nộp khắc phục 242 tỷ đồng; Mai Tiến Dũng 580 triệu đồng; Trần Đức Quận 2,1 tỷ đồng; Trần Văn Hiệp 4,2 tỷ đồng...
Viện Kiểm sát xác định, Nguyễn Cao Trí mua lại dự án Đại Ninh ở huyện Đức Trọng, Lâm Đồng sau khi Thanh tra Chính phủ đã có kết luận 929, chỉ ra nhiều vi phạm, kiến nghị tỉnh chấm dứt hoạt động, thu hồi đất.
Trí đã sử dụng các mối quan hệ để tác động, kết hợp đưa hối lộ, sau đó được giúp sửa kết luận thanh tra, chấp thuận cho gia hạn dự án.
Sau khi Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến đồng ý của Phó thủ tướng Thường trực, Thanh tra Chính đã phủ lập tổ công tác xác minh, từ đó dự án Đại Ninh không bị thu hồi và tiếp tục cho gia hạn, giãn tiến độ.
Quá trình này, Trí đã nhiều lần đưa hối lộ cho các cá nhân thuộc Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và UBND tỉnh Lâm Đồng để tác động thay đổi đăng ký kinh doanh trái pháp luật, giúp dự án không bị thu hồi.
Cũng theo bản luận tội, Công ty Lavender của Nguyễn Cao Trí và Công ty Thiên Vương của Tập đoàn Novaland sau đó đã ký hợp đồng thỏa thuận nguyên tắc chuyển nhượng 100% cổ phần tại Công ty Sài Gòn Đại Ninh, tổng trị giá 27.600 tỷ đồng, nhận đặt cọc 2.700 tỷ đồng.
Số tiền này được xác định xuất phát từ chuỗi hành vi vi phạm pháp luật của bị cáo và những người khác trong vụ án; trong đó có một phần lỗi, trách nhiệm của Novaland trong việc giao dịch, ký kết hợp đồng không đúng quy định pháp luật nên Viện Kiểm sát cho rằng, cần tịch thu sung công quỹ.
Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Cao Trí còn khai đã đưa hối lộ 10 tỷ đồng cho ông Trần Văn Minh (đã chết), cựu Phó tổng Thanh tra Chính phủ. Viện Kiểm sát xác định, hành vi của ông Minh có đủ dấu hiệu của tội “nhận hối lộ”, song đã chết nên đề nghị không xem xét trách nhiệm hình sự, nhưng cần thu hồi số tiền đã nhận hối lộ.