Đề nghị truy trách nhiệm đơn vị kinh doanh 'khoán trắng' cơ sở làm giá đỗ bẩn

Hội Bảo vệ Người tiêu dùng cho rằng cơ sở kinh doanh đã vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và phải chịu trách nhiệm trong vụ việc giá đỗ ngâm hóa chất.

Ngày 29/12, ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, Hội kịch liệt lên án việc làm vô nhân tính của cơ sở sản xuất hàng nghìn tấn giá đỗ ngâm chất hóa học cực độc để cung cấp ra thị trường, trong đó có hệ thống cửa hàng Bách hóa Xanh tại TP Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Bên cạnh sai phạm của đơn vị sản xuất, lãnh đạo Hội Bảo vệ người tiêu dùng cũng lên án và yêu cầu xem xét trách nhiệm của cơ sở kinh doanh thực phẩm khi “khoán trắng” cho cơ sở sản xuất mà không có kiểm tra, kiểm nghiệm sản phẩm trước khi bày bán. Việc làm này vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp kinh doanh cũng phải chịu chất lượng hàng bán ra của mình, đặc biệt là hàng thực phẩm.

"Không thể chỉ tin vào giấy tờ cam kết của cơ sở sản xuất mà không qua kiểm nghiệm thực tế", ông nhấn mạnh. Chỉ khi sự việc xảy ra, bị cơ quan chức năng phát hiện, đơn vị mới tá hỏa dừng cung cấp và đem vật mẫu đi kiểm tra, cho thấy hành vi thiếu trách nhiệm trong kinh doanh.

Khu vực ủ giá đỗ vào hóa chất của công ty Lâm Đạo. (Ảnh: Công an cung cấp)

Khu vực ủ giá đỗ vào hóa chất của công ty Lâm Đạo. (Ảnh: Công an cung cấp)

Theo ông Trung, người tiêu dùng phải mạnh dạn lên tiếng để bảo vệ sức khỏe và quyền lợi chính đáng của chính mình. Đồng thời, cơ quan y tế cần sớm có cơ chế mạnh tay hơn để siết chặt hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm gắn mác sạch. Có như vậy, thị trường thực phẩm sạch mới trở lên thực sự sạch, bảo vệ tốt hơn sức khỏe người tiêu dùng.

Trước đó, công an tỉnh Đắk Lắk khởi tố vụ án, bắt tạm giam 4 bị can điều tra tội Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm khi sử dụng hoạt chất 6-Benzylaminopurine để ngâm, ủ giá đỗ.

Theo cơ quan công an, trong năm 2024, 6 cơ sở tại Đắk Lắk đã bán ra thị trường 2.900 tấn giá đỗ ngâm hóa chất 6-Benzylaminopurine, trung bình mỗi ngày 8-10 tấn. Số giá đỗ được bán chủ yếu cho chợ đầu mối Tân Hòa (TP Buôn Ma Thuột) để phân phối lại khắp tỉnh.

Giá đỗ ngâm hóa chất được cung cấp cho hệ thống Bách Hóa Xanh. (Ảnh: Công an cung cấp)

Giá đỗ ngâm hóa chất được cung cấp cho hệ thống Bách Hóa Xanh. (Ảnh: Công an cung cấp)

Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan công an thu giữ hơn 20 tấn giá đỗ ủ hóa chất và 135 lít hóa chất 6-Benzylaminopurine. Trong số này, có cơ sở Lâm Đạo ký hợp đồng bán 350-400kg giá đỗ mỗi ngày cho cửa hàng Bách Hóa Xanh.

Cơ sở Lâm Đạo đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm ngày 22/4 và có giá trị đến 22/4/2027.

Tại cơ quan công an, Lâm Văn Đạo (34 tuổi, trú tại xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột), chủ của Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo (cơ sở Lâm Đạo) khai nhận, cơ sở bắt đầu làm giá đỗ nhỏ lẻ từ năm 2020.

Đạo thừa nhận, “nước kẹo” (tức hoạt chất 6- Benzylaminopurine) giúp cây giá ít rễ và thân mập. “Do thị trường cạnh tranh thì tôi mới dùng, chứ thị trường mà sạch hết với nhau, thì tôi cũng thích làm giá sạch cho nó nhàn”, Đạo biện minh trước cơ quan chức năng.

Với việc nhập hàng vào Bách Hóa Xanh, Đạo khai, bắt đầu nhập hàng cho siêu thị này từ tháng 5/2024 đến thời điểm bị công an bắt giữ. Để “hàng” vào được cửa hàng, Đạo đi in bao bì, có ghi hạn sử dụng 2 ngày và đóng gói giá đỗ chuyển vào Bách Hóa Xanh trung bình 200-300 kg giá đỗ mỗi ngày.

Đạo khai nhận đang là chủ của 2 cơ sở sản xuất giá đỗ và cả 2 cơ sở này đều bị cơ quan công an phát hiện dùng chất cấm để ngâm ủ giá đỗ.

Thành Lâm

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/de-nghi-truy-trach-nhiem-don-vi-kinh-doanh-khoan-trang-co-so-lam-gia-do-ban-ar916996.html
Zalo