Đề nghị tòa soạn cho biết, việc đối chất trong tố tụng hình sự được pháp luật quy định như thế nào?

* Bạn đọc Nguyễn Văn Sáu ở xã Đông Hòa, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, việc đối chất trong tố tụng hình sự được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 189 Văn bản hợp nhất Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2021. Cụ thể như sau:

1. Trường hợp có mâu thuẫn trong lời khai giữa hai người hay nhiều người mà đã tiến hành các biện pháp điều tra khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn thì điều tra viên tiến hành đối chất. Trước khi tiến hành đối chất, điều tra viên phải thông báo cho viện kiểm sát cùng cấp để cử kiểm sát viên kiểm sát việc đối chất. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc đối chất. Nếu kiểm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào biên bản đối chất.

2. Nếu có người làm chứng hoặc bị hại tham gia thì trước khi đối chất điều tra viên phải giải thích cho họ biết trách nhiệm về việc từ chối, trốn tránh khai báo hoặc cố tình khai báo gian dối. Việc này phải ghi vào biên bản.

3. Khi bắt đầu đối chất, điều tra viên hỏi về mối quan hệ giữa những người tham gia đối chất, sau đó hỏi họ về những tình tiết cần làm sáng tỏ. Sau khi nghe đối chất, điều tra viên có thể hỏi thêm từng người.

Trong quá trình đối chất, điều tra viên có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật có liên quan; có thể để cho những người tham gia đối chất hỏi lẫn nhau; câu hỏi và trả lời của những người này phải ghi vào biên bản.

Chỉ sau khi những người tham gia đối chất đã khai xong mới được nhắc lại những lời khai trước đó của họ.

4. Biên bản đối chất được lập theo quy định. Việc đối chất có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.

5. Trường hợp cần thiết, kiểm sát viên có thể tiến hành đối chất. Việc đối chất được tiến hành theo quy định tại điều này.

* Bạn đọc Cấn Thị Vân ở phường An Tây, TP Bến Cát, tỉnh Bình Dương, hỏi: Nguyên tắc tính tiền thưởng được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 53 Nghị định số 98/2023/NĐ-CP ngày 31-12-2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng. Cụ thể như sau:

1. Tiền thưởng cho cá nhân, tập thể, hộ gia đình được khen thưởng được tính trên cơ sở mức lương cơ sở do Chính phủ quy định đang có hiệu lực vào thời điểm ban hành quyết định công nhận danh hiệu thi đua, quyết định hình thức khen thưởng.

2. Tiền thưởng sau khi nhân với hệ số mức lương cơ sở được làm tròn số lên hàng chục nghìn đồng tiền Việt Nam.

3. Danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cao hơn thì mức tiền thưởng cao hơn.

4. Trong cùng một hình thức khen thưởng, cùng một mức khen thưởng, mức tiền thưởng đối với tập thể cao hơn mức tiền thưởng đối với cá nhân.

5. Trong cùng một thời điểm, một đối tượng đạt nhiều danh hiệu thi đua, có thời gian đạt được các danh hiệu thi đua đó khác nhau thì được nhận tiền thưởng của các danh hiệu thi đua tương ứng.

6. Trong cùng một thời điểm, một đối tượng đạt nhiều hình thức khen thưởng, có thời gian, thành tích đạt được các hình thức khen thưởng đó khác nhau thì được nhận tiền thưởng của các hình thức khen thưởng tương ứng.

7. Trong cùng thời điểm, một đối tượng vừa được công nhận danh hiệu thi đua vừa được quyết định hình thức khen thưởng thì được nhận tiền thưởng của danh hiệu thi đua và của hình thức khen thưởng.

8. Trong trường hợp thực hiện chính sách cải cách tiền lương, Chính phủ sẽ quy định quỹ thi đua khen thưởng và mức tiền thưởng đối với các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng tặng cho cá nhân, tập thể, hộ gia đình.

QĐND

* Mời bạn vào chuyên mục Pháp luật xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/de-nghi-toa-soan-cho-biet-viec-doi-chat-trong-to-tung-hinh-su-duoc-phap-luat-quy-dinh-nhu-the-nao-789673
Zalo