Đề nghị Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam triển khai lại dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị Chính phủ Nhật Bản xem xét, rà soát các cam kết đã ký trước đây, để tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ và tài chính cho Việt Nam triển khai lại dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Cuối tháng 11 vửa qua, Quốc hội đã đồng ý tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, sau 8 năm dừng dự án này. Trước đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đàm phán với phía Nhật Bản để ký thỏa thuận hỗ trợ vốn, công nghệ.

Tại Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản về hợp tác công nghiệp, thương mại và năng lượng diễn ra ngày 19/12, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị Chính phủ Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc hoàn thiện cơ chế chính sách cho phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam; tái rà soát lại Hiệp định Liên Chính phủ Việt Nam - Nhật Bản về tài trợ vốn cho dự án nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản về hợp tác Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản về hợp tác Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng.

Ông Diên cũng đề nghị Nhật Bản tiếp tục đào tạo nhân lực, gồm đào tạo lại và bổ sung mới, cho Việt Nam thông qua các cơ sở như Đại học Điện lực. Việc này để khi dự án hoàn thành, phía Việt Nam sẵn sàng nhân lực vận hành nhà máy điện hạt nhân.

Về phía Nhật Bản bày tỏ hoan nghênh việc tái khởi động Chương trình điện hạt nhân và các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận nhằm mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia của Việt Nam.

Cũng tại buổi làm với nhóm doanh nghiệp, trường đại học của Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, hiện Việt Nam chưa có kinh nghiệm xây dựng Nhà máy điện hạt nhân, do vậy, ông Diên nhấn mạnh và khẳng định, hợp tác quốc tế về năng lượng nguyên tử là giải pháp quan trọng để huy động nguồn lực, rút ngắn thời gian và giảm chi phí đầu tư.

Nhật Bản là quốc gia phát triển có những công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới, bản thân Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng, vận hành và xử lý sự cố liên quan đến các nhà máy điện hạt nhân.

Do vậy, Bộ trưởng Bộ Công thương đề nghị phía Nhật Bản phối hợp, tư vấn, hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề lựa chọn công nghệ.

"Việt Nam quan tâm nhất là câu chuyện lựa chọn công nghệ, với điều kiện tiên quyết là đảm bảo an toàn và không để xảy ra các sự cố. Các công nghệ trước khi được lựa chọn cần đảm bảo tiêu chuẩn chung về an toàn, đáp ứng được những khuyến nghị của các tổ chức quốc tế và đặc biệt là các khuyến cáo của cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế", ông Diên nói.

Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, ông Diên bày tỏ, thời gian tới, các đơn vị liên quan của Việt Nam và Nhật Bản sẽ cùng nhau rà soát lại số nhân lực về điện hạt nhân đã được đào tạo tại Nhật Bản. Nếu còn đủ điều kiện và có nguyện vọng sẽ tiếp tục đào tạo lại.

Đồng thời, hai bên cùng lập kế hoạch đào tạo lượng nhân lực mới vì Việt Nam rất cần lực lượng nhân lực chất lượng cao nắm rõ chuyên môn về điện hạt nhân.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, điện hạt nhân là nguồn điện nền, xanh và bền vững, ngày càng được nhiều quốc gia quan tâm lựa chọn. Trong lịch sử từng có một số sự cố về các nhà máy điện hạt nhân nhưng xét về xác suất là vô cùng thấp. Hơn nữa, công nghệ điện hạt nhân hiện nay tiến bộ rất xa so với công nghệ trước đây.

Tính đến cuối tháng 8, thế giới có 415 lò hạt nhân năng lượng vận hành, với tổng công suất lắp đặt 373.735 MWe và 62 lò đang xây dựng (công suất 64.971 MWe). Điện hạt nhân cung cấp khoảng 10% điện năng sản xuất toàn thế giới và giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu nguồn điện của nhiều nước. Ngoài 32 nước sở hữu và vận hành các nhà máy, 20 quốc gia khác đang xem xét phát triển loại nguồn điện này để đáp ứng nhu cầu năng lượng, hiện thực hóa các cam kết khí hậu.

Hiện công nghệ điện hạt nhân đã phát triển, chủ yếu là xây mới lò phản ứng nước nhẹ (LWR) công nghệ thế hệ III+; nghiên cứu, hoàn thiện lò phản ứng thế hệ IV và thương mại hóa lò công suất nhỏ kiểu module (SMR). Công nghệ điện hạt nhân cũng được nghiên cứu phát triển để hỗ trợ khai thác các nguồn năng lượng tái tạo, phát huy hiệu quả các nguồn năng lượng sơ cấp.

Về Nhật Bản, quốc gia này có một lịch sử phát triển điện hạt nhân rất đáng kể, với nhiều đóng góp quan trọng trong lĩnh vực này. Nhật Bản đã phát triển các phương pháp năng lượng hạt nhân, như phương pháp hạt nhân hóa học (chemical recycling) và phương pháp hạt nhân hóa sinh học (biological recycling). Những phương pháp này giúp tái chế và sử dụng lại các nguyên liệu hạt nhân, giảm thiểu lượng chất thải và bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng đã phát triển các dự án điện hạt nhân như Nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki-Kariwa, một trong những nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới. Dự án này không chỉ cung cấp năng lượng mà còn đóng góp vào nghiên cứu và phát triển công nghệ mới.

H.A

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/de-nghi-nhat-ban-ho-tro-viet-nam-trien-khai-lai-du-an-nha-may-dien-hat-nhan-ninh-thuan-95712.html
Zalo