Đề nghị 'mở khóa' 6 triệu tỷ đồng đang bị kẹt trong bất động sản
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường đề nghị cần giải phóng gần 6 triệu tỷ đồng từ hơn 2.200 dự án bất động sản bị đình trệ, vướng mắc từ đó huy động được nguồn lực cho mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025…
Sáng ngày 23-5, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về nhiều nội dung quan trọng, trong đó có đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025…
Phát biểu tại họp tổ, đại biểu Hoàng Văn Cường đã đề xuất 7 giải pháp trọng tâm, cấp bách nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt ít nhất 8% trong năm 2025, trong đó có giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản, đặc biệt là tăng đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Theo đại biểu Cường, muốn thúc đẩy tăng trưởng mạnh trong năm 2025 nhà nước không chỉ chú trọng vào đầu tư công, mà còn phải khuyến khích đầu tư khối tư nhân.
“Về nguyên tắc tăng trưởng kinh tế bằng vốn và lao động, cái gì hút vốn nhiều thì nó sẽ tăng trưởng rất nhanh”, đại biểu Cường phân tích và chỉ rõ nếu bất động sản cứ đổ nhiều vốn vào thì nền kinh tế sẽ tăng trưởng rất nhanh.
“Trung Quốc vào thời kỳ tăng trưởng hai con số đều do bất động sản, gọi là tăng trưởng nóng”, đại biểu Cường nói và cho rằng trong giai đoạn 2025-2026, Việt Nam nên chấp nhận tăng trưởng nóng thông qua phát triển bất động sản.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội)
Đại biểu Cường lập luận, hiện nay thị trường bất động sản nước ta đang trong giai đoạn thiếu nguồn cung do những vướng mắc từ dự án đủ điều kiện khởi công. Thị trường đang có sức cầu rất lớn nên giá bất động sản tăng cao do khan hiếm nguồn cung không phải là “bong bóng”.
“Nếu chúng ta nới rộng sự phát triển của thị trường bất động sản thì nó sẽ cân bằng được nguồn cung, không sợ tình trạng tăng trưởng nóng, dư thừa hàng hóa, tồn kho như của Trung Quốc. Vì vậy chúng ta cần khuyến khích tăng trưởng bất động sản trong giai đoạn này”, đại biểu Cường nói.
Ông cho hay theo thống kê của Bộ Tài chính thì cả nước có 2.212 dự án đang triển khai phải dừng lại do gặp vướng mắc với tổng vốn đầu tư gần 6 triệu tỷ đồng, sử dụng gần 350 nghìn ha đất.
Hiện Nghị quyết số 170/2024/QH15 đã cho phép tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án bất động sản tại TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, nhưng chưa cho phép áp dụng rộng rãi ở các địa phương khác.
“Vì vậy, tôi đề nghị cơ chế xử lý các vướng mắc này này được áp dụng rộng rãi cho các dự án bất động sản ở các địa phương khác để giải phóng được nguồn lực này. Nếu như vậy sẽ đóng góp vào tăng trưởng rất lớn”, đại biểu Cường nói.
Đại biểu Cường cũng đề nghị tập trung giải quyết tốt vấn đề nhà ở xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội. Điều này sẽ tạo ra tăng trưởng thực sự bền vững.
Ông dẫn chứng có tập đoàn rất lớn về bất động sản chia sẻ với ông không đủ điều kiện để vay vốn làm nhà ở xã hội do vay làm các mảng khác rồi, không đủ cân đối vốn để vay làm nhà ở xã hội nữa.
Ông nhấn mạnh: “Giai đoạn này đang là giai đoạn đặc thù của đất nước, để phục vụ mục tiêu tăng trưởng thì đối với nhà ở xã hội đã được phê duyệt, đã có dự án đầu tư, đã có khách hàng… thì việc huy động vốn cho vay làm nhà ở xã hội không tính vào cân đối dư nợ chung của các doanh nghiệp, tổ chức đó. Có như vậy chúng ta mới có nguồn vốn để phát triển nhà ở xã hội được”.