'Đề nghị cần có cơ chế miễn trách nhiệm với cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học'
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị cần có cơ chế miễn trách nhiệm hình sự với cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học nếu đáp ứng được các tiêu chí khách quan về quy trình thủ tục.
Ngày 17/2, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Về dự thảo nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) đồng tình với quy định không truy cứu trách nhiệm và được miễn trừ rủi ro, nếu kết quả nghiên cứu không đạt được khi đã thực hiện đúng quy trình và quy định.

ĐBQH Hoàng Văn Cường phát biểu tại phiên thảo luận (Ảnh: Quang Vinh)
Song ông Cường đề nghị phải nêu rõ khi đã thực hiện đúng quy trình nghiên cứu đề tài đã đăng ký mà không đạt được hiệu quả thì không phải trả lại kinh phí.
Theo đánh giá của ĐB Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai), ở đây mới chỉ quy định miễn trách nhiệm khi xảy ra thiệt hại với Nhà nước. Từ đó, ông An đề xuất, cần phải miễn trách nhiệm dân sự đối với cả tổ chức, cá nhân khi làm thiệt hại cho cả Nhà nước và tổ chức, cá nhân khác. Trong hợp đồng thương mại khi gây thiệt hại cũng cần phải miễn trách nhiệm.
Về việc có miễn trách nhiệm hình sự hay không?, theo ông An, Bộ luật Hình sự đã nêu và giao trách nhiệm cho Tòa án. Song khi làm Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đã có đề xuất nội dung này nhưng Tòa án chưa đồng ý. Do đó, đề nghị cần có cơ chế miễn trách nhiệm hình sự với cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học nếu đáp ứng được các tiêu chí khách quan về quy trình thủ tục.

ĐBQH Trịnh Xuân An phát biểu tại phiên thảo luận (Ảnh: Quang Vinh)
“Nếu không miễn, người nghiên cứu khoa học sẽ rất rủi ro. Cùng với miễn trách nhiệm dân sự cần miễn trách nhiệm hình sự. Và cần nghiên cứu nội dung này, đây là nghị quyết thí điểm nên đặt vấn đề và tạo nền quy định trong các luật tiếp theo”, ông An cho hay.
Đánh giá cần thiết có quy định cụ thể về thí điểm miễn trừ trách nhiệm dân sự trong nghiên cứu, thử nghiệm khoa học công nghệ, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) đưa ra phân tích, hiện nay với miễn trừ trách nhiệm hình sự đã có điều 25 trong Bộ Luật Hình sự nêu rõ cơ quan, tổ chức cá nhân đã thực hiện đầy đủ quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa mà vẫn gây thiệt hại thì không bị coi là tội phạm và không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy phát biểu tại phiên thảo luận (Ảnh: Quang Vinh)
Còn với quy định miễn trách nhiệm dân sự trong nghiên cứu khoa học công nghệ, theo bà Thủy, hiện nay chưa rõ ràng cho nên cơ quan, tổ chức cá nhân nghiên cứu khoa học dù đã thực hiện đúng quy trình, quy phạm nhưng gây thiệt hại cho Nhà nước thì vẫn phải bồi thường thiệt hại theo cơ chế bồi thường ngoài hợp đồng. Do đó, bà Thủy đồng tình việc nghị quyết 57 đã bổ sung việc miễn trách nhiệm dân sự.
Bên cạnh đó, bà Thủy đề nghị bổ sung thêm 4 quy định về miễn trách nhiệm dân sự đó là cần quy định tổ chức, cá nhân nghiên cứu, thử nghiệm khoa học, công nghệ phải áp dụng đầy đủ quy trình, quy định trong hợp đồng nghiên cứu và cả quy định pháp luật; bổ sung thêm việc miễn trừ trong cả khâu thử nghiệm và áp dụng.
Ngoài ra, các tổ chức cá nhân không chỉ phải áp dụng đầy đủ quy trình, quy phạm mà còn phải áp dụng cả biện pháp phòng ngừa nhưng vẫn gây thiệt hại thì mới được miễn trừ trách nhiệm dân sự. Đặc biệt, việc nghiên cứu, thử nghiệm chỉ được miễn trừ trách nhiệm trong trường hợp gây ra thiệt hại cho Nhà nước; còn gây thiệt hại với tổ chức, cá nhân khác thì vẫn phải bồi thường.