Đề nghị làm rõ hơn quy định 'không được ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức'
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng thực tế khó đánh giá việc có ép buộc học thêm hay không, bởi thông thường phụ huynh phải viết đơn tự nguyện.
Sáng 7-2, tiếp tục phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo. Dự thảo Luật Nhà giáo sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 9 chương, với 46 điều, giảm 4 điều so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 8.
Đáng chú ý, Điều 11 của dự thảo Luật Nhà giáo về “những việc không được làm” quy định nhà giáo không được ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức; không được ép buộc người học nộp các khoản tiền hoặc hiện vật ngoài quy định của pháp luật...
Nêu ý kiến, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng thực tế hiện nay ‘muôn hình vạn trạng’ nên những hành vi không được làm của nhà giáo nếu liệt kê ra có thể đủ ở thời điểm hiện tại nhưng có thể xuất hiện thêm hành vi khác trong tương lai. Bà Hải đề nghị quy định này cần có điều khoản quét, giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Khi đó, việc sửa đổi, bổ sung sẽ nhanh hơn.
![Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: NGHĨA ĐỨC](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_114_51417768/af981b7e2230cb6e9221.jpg)
Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: NGHĨA ĐỨC
Trưởng Ban công tác đại biểu cho hay bà quan tâm đến quy định không được ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức; không được ép buộc người học nộp các khoản tiền hoặc hiện vật ngoài quy định của pháp luật.
Theo bà Nguyễn Thanh Hải, Bộ GD&ĐT đã có quy định về dạy thêm, học thêm, tuy nhiên bà mong muốn quy định rõ hơn nữa.
“Hành vi cấm là ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức, như vậy nếu tự nguyện thì vẫn được? Tôi đề nghị dù người ta tự nguyện cũng không được thu tiền" - bà Hải nói và cho rằng việc này để xử lý, chấm dứt triệt để những hình thức ép buộc trá hình.
Bà Nguyễn Thanh Hải cũng cho rằng thực tế khó đánh giá việc có ép buộc hay không, bởi thông thường, phụ huynh phải viết đơn tự nguyện.
"Thực tế, môi trường giáo dục rất khác. Học sinh là các cháu nhỏ, có thể không muốn đi học đâu nhưng không đi học lại có thể bị phân biệt đối xử, nhất là ở các bậc tiểu học, trung học cơ sở" - bà Hải cho hay.
Bà Nguyễn Thanh Hải ghi nhận nếu học thêm, giáo viên dạy học sinh chính khóa của mình cũng có những điều tốt, khi giáo viên nắm được chất lượng của học sinh, bồi dưỡng cho học sinh tiến bộ đồng đều.
Tuy nhiên, bà cho rằng trường hợp học sinh muốn học thêm thì đăng ký ra trung tâm. Các thầy cô giáo có thể đăng ký dạy ở đó và thực hiện nghĩa vụ tài chính như thuế thu nhập cá nhân; còn người học được lựa chọn giữa các trung tâm bồi dưỡng…
Giải trình thêm về quy định những điều không được làm, trong đó có vấn đề dạy thêm, học thêm, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh tinh thần xây dựng luật hiện nay không đi vào chi tiết quá.
"Luật định hướng nên chủ yếu đưa vào một vài nguyên tắc, nếu đi vào chi tiết sẽ dài dòng, có khi không bao quát hết được” - ông Sơn nói và dẫn chứng vấn đề dạy thêm, học thêm, bộ đã ban hành riêng một thông tư chỉ quy định về một việc.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết sẽ nghiên cứu ý kiến góp ý của bà Hải. Ông Vinh khẳng định nguyên tắc những gì liên quan đến nhà giáo sẽ xem xét, quy định ở luật này, những nội dung liên quan đến hoạt động giáo dục sẽ quy định ở Luật Giáo dục.
Những việc không được làm
1. Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập không được làm những việc viên chức không được làm theo quy định của pháp luật về viên chức. Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập và nhà giáo là người nước ngoài không được làm những việc bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
2. Ngoài quy định tại khoản 1 Điều này, nhà giáo không được làm các việc sau:
a) Phân biệt đối xử giữa những người học dưới mọi hình thức;
b) Gian lận, cố ý làm sai lệch kết quả trong các hoạt động tuyển sinh, đánh giá người học;
c) Ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức;
d) Ép buộc người học nộp các khoản tiền hoặc hiện vật ngoài quy định của pháp luật;
đ) Lợi dụng chức danh nhà giáo và hoạt động giảng dạy, giáo dục để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
3. Những việc tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo
a) Không thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách của nhà giáo theo quy định;
b) Công khai thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền hoặc lan truyền, phát tán thông tin không chính xác về nhà giáo;
c) Các việc không được làm khác theo quy định của pháp luật.
Điều 11 dự thảo Luật Nhà giáo.