Đề nghị không tiếp tục tinh giản biên chế giáo viên

Từ ngày 14/11 đến ngày 18/11, Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội tổ chức đợt giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực mà Ủy ban theo dõi như văn hóa, thể thao và du lịch; giáo dục và đào tạo; thông tin, truyền thông; tín ngưỡng, tôn giáo; thanh niên và trẻ em… Trong sáng 14/11, tổ công tác số 3 của Đoàn công tác thực hiện giám sát tại Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp và Giáo dục Thường xuyên huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Vấn đề kiện toàn đội ngũ giáo viên, đảm bảo hiệu quả giảng dạy được các thành viên trong Đoàn giám sát quan tâm.

Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Tiền Hải là 65 người, trong đó có 18 giáo viên hợp đồng. Trong khi số viên chức hành chính dư thì số giáo viên văn hóa thiếu nhiều. Chỉ tiêu số lượng giáo viên biên chế chỉ đạt tỉ lệ 1,14 giáo viên/lớp, trong khi theo Thông tư 16 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉ lệ là 2,25 giáo viên/lớp. Số học sinh của Trung tâm những năm gần đây đều tăng, đơn cử từ năm học trước đến năm học này tăng hơn 200 học sinh, tương đương 4 lớp. Vì vậy, nhà trường phải ký hợp đồng với giáo viên bên ngoài, nhưng không có nguồn ngân sách để chi trả tiền công cho giáo viên hợp đồng. Tại buổi làm việc, đại diện nhà trường đề nghị không thực hiện tinh giản biên chế, nhất là biên chế giáo viên giảng dạy Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

Trả lời câu hỏi của Đoàn giám sát về hiệu quả của việc đào tạo nghề, đại diện nhà trường thẳng thắn chia sẻ hiệu quả chưa đạt kì vọng. Trong khi các nhà máy, doanh nghiệp liên tục cập nhật công nghệ mới, đầu tư các dây chuyền hiện đại, thì học viên tại nhà trường chỉ được học qua những mô hình mô phỏng đã cũ. Vì vậy, khi thực tập, học viên không quen thuộc với máy móc mới và doanh nghiệp cũng chưa yên tâm để học viên thực hành.

Đỗ Minh - Hồng Dũng

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/de-nghi-khong-tiep-tuc-tinh-gian-bien-che-giao-vien-242955.htm
Zalo