Đề nghị không thí điểm mà nên cho áp dụng ngay
ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông)
Tôi đồng ý cao về việc trình Quốc hội ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết này, về vấn đề về huy động vốn, tại Điều 4 dự thảo Nghị quyết có quy định trong quá trình chuẩn bị đầu tư thực hiện đầu tư các dự án, Thủ tướng Chính phủ quyết định cân đối, bố trí kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn hàng năm, vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương và tối đa cho Hà Nội là khoảng 215.000 tỷ đồng, cho TP. Hồ Chí Minh là 209.000 tỷ đồng và trong 2 giai đoạn 2026-2030 và 2031-2035, làm cơ sở quyết định đầu tư và thực hiện đầu tư các dự án thuộc danh mục kèm theo Nghị quyết này.
Tôi cho rằng ngân sách trung ương hỗ trợ cho địa phương để thực hiện quyết định đầu tư và quyết định chuẩn bị đầu tư là hoàn toàn phù hợp, cũng phù hợp với một trong những nguyên tắc trong Luật Đầu tư công, đó là phải xác định được nguồn vốn thì mới quyết định đầu tư. Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị quyết đặt ra vấn đề là chỉ cam kết bố trí không vượt quá tối đa mà lại trong 2 giai đoạn thì không có ý nghĩa nhiều. Vì, không vượt quá tối đa 219.000 tỷ đồng, thì có thể đã bố trí 1 tỷ đồng cũng là không vượt quá 219.000 tỷ đồng. Quan trọng nhất là Trung ương phải cam kết trong từng giai đoạn sẽ hỗ trợ tối thiểu bao nhiêu, tức là hỗ trợ có mục tiêu cho Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó mới có thể xác định được nguồn vốn từ trung ương và ngân sách địa phương để quyết định đầu tư. Tôi đề nghị cần làm rõ chỗ này, đặc biệt là khung dưới, ít nhất tối thiểu trong từng giai đoạn ngân sách trung ương hỗ trợ là bao nhiêu?
Tại Điều 8, chính sách về vật liệu xây dựng để san lấp cũng như cát sỏi cho việc xây dựng các công trình trên 2 thành phố. Được biết, Chính phủ và cơ quan soạn thảo có đưa nhiều nội dung liên quan trong Nghị quyết 172 về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam vào dự thảo Nghị quyết này. Tôi cho rằng, một số chính sách là phù hợp nhưng nhiều chính sách không phù hợp. Bởi, Nghị quyết 172 là nghị quyết về công trình quan trọng quốc gia chạy xuyên suốt từ Bắc vào Nam, đi qua nhiều địa bàn các tỉnh khác nhau, đồng nghĩa các mỏ vật liệu xây dựng nằm trên nhiều địa bàn. Trong khi đó, về cơ bản 2 hệ thống này nằm trong phạm vi của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, cũng có thể vượt qua ranh giới của Hà Nội hoặc TP. Hồ Chí Minh nhưng không lớn. Do đó, cơ chế, chính sách để chúng ta khai thác được vật liệu xây dựng phục vụ 2 dự án này cần rất cụ thể và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tỉnh ở vùng Thủ đô cũng như các tỉnh lân cận của Thủ đô và TP. Hồ Chí Minh mới có thể đáp ứng được yêu cầu, không thể "bê nguyên" Nghị quyết 172 đưa vào dự thảo Nghị quyết này được.
Tương tự, về vấn đề đổ thải, mặt bằng đổ thải đối với công trình quan trọng quốc gia đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đổ thải phải khác. Đây là 2 thành phố nên cơ chế, chính sách đặc thù cũng phải khác, chúng ta không thể bê nguyên Nghị quyết 172 của Quốc hội vào được.
Một vấn đề rất quan trọng, đó là sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 172 thì Quốc hội cũng đã thông qua Luật Địa chất và khoáng sản, trong đó có nhiều cơ chế, chính sách đã được xử lý ở trong Luật này, đặc biệt là đối với khoáng sản là vật liệu xây dựng thuộc nhóm 3 và khoáng sản nhóm 4. Do đó, đề nghị phải rà soát đối với Luật Địa chất và khoáng sản để từ đó có quy định phù hợp.
Liên quan đến vấn đề hiệu lực và có thí điểm hay không, trong dự thảo Nghị quyết chúng ta xác định thí điểm, nhưng thời gian thí điểm đến năm 2045 (khi hoàn thành và đối với danh mục dự kiến thì thời gian hoàn thành là 2045) và chưa xác định hiệu lực. Tôi đề nghị xác định hiệu lực và sau đó xác định đến 2045; và đây không phải thí điểm mà là các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển mạng lưới 2 tuyến đường ở 2 thành phố chứ không phải là thí điểm, vì thí điểm mà kéo dài tới 20 năm, có khi còn hơn thời gian của một luật được Quốc hội thông qua. Cho nên, tôi đề nghị không thí điểm mà nên cho áp dụng ngay. Tất nhiên, trong quá trình triển khai, có những vấn đề gì cần thiết điều chỉnh thì Chính phủ có thể trình với Quốc hội để điều chỉnh một cách phù hợp để đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả của 2 dự án đường sắt này.