Đề nghị giám sát lại sau vụ Mái ấm Hoa Hồng

Cử tri và Nhân dân lo lắng khi thời gian qua, tình trạng bạo hành trẻ em vẫn tiếp tục diễn ra tại nhiều địa phương

Chiều 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 8/2024.

Trưởng Ban dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, Đảng, Nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị đã quyết liệt chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế tối đa thiệt hại do bão gây ra.

Theo ông, cử tri và Nhân dân đặc biệt bày tỏ sự chia sẻ và đồng cảm với những thiệt hại và mất mát về người và tài sản tại nhiều địa phương và sự cố sập cầu Phong Châu tại tỉnh Phú Thọ.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng

Cử tri cũng đánh giá cao sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã nhanh chóng vào cuộc với tinh thần chủ động, quyết liệt, thực hiện các giải pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão.

Trước tình hình bão lũ diễn biến phức tạp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, cần thiết đưa ra những cảnh báo cũng như các giải pháp hiệu quả nhằm hỗ trợ cho người dân.

“Trước đây, khi xảy ra lũ ở ĐBSCL, đã có những ngôi nhà nổi, nhà vượt lũ. Đối với miền núi phía Bắc, trước tình trạng này cũng cần nghiên cứu để chính quyền các cấp xem xét một số vùng xung yếu, để có giải pháp bảo vệ”, ông Cường kiến nghị.

Thông tin về công tác cứu hộ, cứu nạn, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, thời điểm trước, trong và sau khi cơn bão số 3 đi vào đất liền, Bộ đã có 5 công điện chỉ đạo công an các địa phương vào cuộc.

Bộ Công an cũng báo cáo phó thủ tướng xuất cấp 1.000 tấn gạo dự trữ quốc gia, giao cho Bộ Công an trực tiếp đưa đến các hộ gia đình bị ảnh hưởng ở vùng sâu, vùng xa, vùng bị cô lập.

Bộ Công an đã huy động hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ công an 4 cấp, tập trung vào công tác di dời người dân, cứu hộ cứu nạn, cấp cứu người bị thương, cung cấp lương thực thực phẩm, hướng dẫn an toàn giao thông…

Theo ông, hiện lực lượng công an các cấp tiếp tục bám trụ tại cơ sở, tiếp cận được những nơi vùng sâu, vùng xa có nhiều người mất tích, trực tiếp phục vụ cứu hộ, cứu nạn người dân.

Đề nghị giám sát lại sau vụ Mái ấm Hoa Hồng

Liên quan đến vấn đề bạo hành trẻ em, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và Nhân dân lo lắng khi thời gian qua, tình trạng bạo hành trẻ em vẫn tiếp tục diễn ra tại nhiều địa phương như Gia Lai, Hưng Yên, Phú Thọ, đặc biệt là vụ bạo hành trẻ em đang gây chú ý của dư luận tại cơ sở Mái ấm Hoa Hồng (quận 12, TP. HCM).

 Bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp

Bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp

Qua vụ việc ở Mái ấm Hoa Hồng cùng một số vụ việc ở địa phương khác, bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, vấn đề bạo hành, xâm hại trẻ em vẫn còn diễn biến phức tạp.

Theo bà Nga, ở Khóa XIV Quốc hội đã từng có giám sát tối cao về vấn đề này, sau đó đã có nghị quyết rất chi tiết. Tuy nhiên, đến nay vẫn xảy ra những vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em.

Trước tình hình trên, bà Nga đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho Ủy ban Văn hóa, Giáo dục “giám sát lại” việc thực hiện nghị quyết, để báo cáo với Quốc hội.

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng, 8 tháng đầu năm 2024, toàn quốc đã điều tra, khởi tố hơn 1.000 vụ, với hơn 1.000 bị can xâm hại, bạo hành trẻ em. Theo ông, thực trạng đáng báo động hiện nay là có đến 60% các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em do người thân, người quen trong gia đình gây ra.

Một số địa phương có số vụ xâm hại, bạo hành trẻ em xảy ra nhiều như ở Hà Nội, TP HCM, Đồng Nai, Cần Thơ…

Liên quan đến vụ bạo hành trẻ em ở cơ sở Mái ấm Hoa hồng, ông Hùng cho biết, sau khi nhận được tin, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an TP. HCM, trực tiếp là Công an quận 12 kịp thời vào cuộc. Hiện Công an quận 12 đang thụ lý, giải quyết tin báo tố giác tội phạm, sau khi có kết quả, sẽ thông tin kịp thời.

Cũng theo Thứ trưởng Hùng, Bộ Công an đã có công điện chỉ đạo Công an các địa phương, đề nghị Sở LĐ,TB&XH 63 tỉnh, thành khẩn trương rà soát, đặc biệt tại những cơ sở tự phát trên địa bàn để nắm bắt tình hình và xử lý kịp thời.

Theo ông Hùng, hiện cả nước có 400 cơ sở công lập, ngoài công lập đã được cấp phép. Tuy nhiên, con số này còn rất ít so với thực tế. Số cơ sở tự phát đang rất nhiều và chưa được cấp phép, địa phương chưa có cơ chế kiểm soát.

Bộ Công an đề nghị Bộ LĐ,TB&XH chủ trì, tổng rà soát, nắm bắt, phòng ngừa các hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/de-nghi-giam-sat-lai-sau-vu-mai-am-hoa-hong-post1672501.tpo
Zalo