Đề nghị cho phép công chứng ngoài trụ sở văn phòng công chứng

Chiều 25-10, Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).

Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi với các đại biểu tại phiên họp Quốc hội, chiều 25-10. Ảnh: QUANG PHÚC

Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi với các đại biểu tại phiên họp Quốc hội, chiều 25-10. Ảnh: QUANG PHÚC

Thảo luận về dự án luật, Đại biểu (ĐB) Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, về quy định các loại giao dịch phải công chứng, đề nghị Bộ Tư pháp có trách nhiệm rà soát, cập nhật, đăng tải các giao dịch phải công chứng trên Cổng thông tin điện tử của bộ.

Về mô hình văn phòng công chứng (VPCC), ĐB đồng ý phương án 1. Theo đó, bên cạnh các VPCC được tổ chức theo mô hình công ty hợp danh như luật hiện hành, tại các địa bàn cấp huyện có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển và khó khăn trong việc thành lập VPCC theo loại hình công ty hợp danh theo quy định của Chính phủ, VPCC còn được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.

 ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)

Về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên, ĐB Phạm Văn Hòa cho rằng không nên bắt buộc, mà nên để các VPCC, các công chứng viên được lựa chọn.

Bên cạnh đó, ĐB đồng ý quy định không quy định công chứng viên chứng thực bản dịch, mà thực hiện chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật về chứng thực. Từ thực tế, nhiều công chứng viên không đủ trình độ ngoại ngữ để chứng thực bản dịch, nên từ chối chứng thực. Do đó, ĐB Phạm Văn Hòa đồng ý quy định công chứng viên chỉ công chứng chữ ký của người dịch.

 ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM) quan tâm đến quy định: công chứng viên phòng công chứng chỉ được tham gia thành lập VPCC sau 2 năm kể từ ngày không còn là công chứng viên của phòng công chứng. Theo ý kiến của UBTVQH, quy định này là một trong những nội dung để bảo đảm sự bình đẳng giữa phòng công chứng và VPCC.

Tuy nhiên, theo ĐB, quy định việc công chứng viên VPCC không được thành lập hoặc hợp danh vào VPCC trong thời hạn 2 năm sau khi chuyển nhượng hoặc chấm dứt hợp danh tại một VPCC, là phù hợp.

Tuy nhiên, việc áp quy định này với công chứng viên phòng công chứng cần xem xét thêm, bởi lẽ, các công chứng viên hợp danh của VPCC là chủ doanh nghiệp, doanh thu sau khi thực hiện nghĩa vụ thuế thì họ được toàn quyền định đoạt. Khi chuyển nhượng phần vốn hoặc bán VPCC, họ đều thu được khoản lợi nhất định, nên có quy định này để hạn chế tình trạng liên tục đầu tư thành lập mới và chuyển nhượng VPCC thu lời như trong thời gian qua.

Còn công chứng viên của phòng công chứng là viên chức nhà nước, hưởng lương và thu nhập theo đúng quy định, nguồn thu của các phòng công chứng sử dụng chi cho con người chỉ chiếm 15-20%. Khi ra khỏi khu vực công, họ cũng chỉ được hưởng các chế độ theo quy định, không có được khoản lợi như khi các công chứng viên VPCC chuyển nhượng phần vốn hoặc bán VPCC.

Do đó, các công chứng viên này cần được đảm bảo quyền được thành lập hoặc tham gia hợp danh mà không giới hạn thời gian 2 năm. ĐB đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, để đảm bảo công bằng chung và sự ổn định của hoạt động công chứng.

 Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông). Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông). Ảnh: QUANG PHÚC

Về vấn đề chuyển đổi, giải thể phòng công chứng, dự thảo quy định trường hợp địa phương đã phát triển được VPCC đáp ứng yêu cầu và theo quy định pháp luật có liên quan, Sở Tư pháp lập đề án chuyển đổi phòng công chứng trình UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định.

Theo ĐB Hồng Hạnh, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập) xác định mục tiêu đến năm 2030 giữ lại các đơn vị sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu; chỉ giải thể các đơn vị sự nghiệp hoạt động không hiệu quả.

Thực tiễn tại TPHCM, 7 phòng công chứng nhà nước đều là đơn vị chi thường xuyên và chi đầu tư, chiếm gần 6% số lượng tổ chức hành nghề công chứng, nhưng chiếm hơn 12% tổng lượng việc và chiếm 37% tổng số nộp thuế/ngân sách của các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn, thể hiện sự tín nhiệm của người dân và doanh nghiệp, nhất là các giao dịch lớn, có giá trị.

Bên cạnh đó, các công chứng nhà nước còn phục vụ nhiệm vụ chính trị và công tác quản lý nhà nước ở địa phương (là nơi thực hiện thí điểm các chủ trương, chính sách mới, cung cấp dịch vụ cho đối tượng yếu thế, bí mật nhà nước…), xây dựng được thương hiệu và uy tín trong nghề công chứng.

Do đó, để phù hợp với nội dung UBTVQH nêu công chứng là loại hình dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm, nhà nước giao cho công chứng viên một phần quyền năng của mình để thay mặt Nhà nước chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của các hợp đồng, giao dịch, ĐB Hồng Hạnh đề nghị phòng công chứng vẫn được thành lập mới tại những địa bàn cấp huyện chưa phát triển được VPCC.

ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) đề nghị cho phép công chứng ngoài trụ sở để cung cấp dịch vụ tốt nhất cho người dân, nhất là ở những địa bàn khó thành lập VPCC, khi đó người dân có thể từ huyện này sang huyện khác để công chứng, nhất là ở những địa bàn giáp ranh.

ĐB cho rằng, nếu yêu cầu công chứng theo địa bàn là chúng ta hạn chế quyền tiếp cận dịch vụ công của người dân, trong khi hoạt động công chứng là dịch vụ công.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/de-nghi-cho-phep-cong-chung-ngoai-tru-so-van-phong-cong-chung-post765303.html
Zalo