Đề nghị Bộ Y tế kiểm điểm trách nhiệm trong nhiều dự án

Qua kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2023 tại Bộ Y tế, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã kiến nghị xử lý tài chính 119,848 tỷ đồng.

Giải ngân chỉ đạt 2,3%

KTNN vừa hoàn thành báo cáo kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2023 tại Bộ Y tế, chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục.

Về chi đầu tư phát triển, kết quả kiểm toán chỉ rõ, việc đăng ký nhu cầu, phân bổ vốn các dự án khởi công mới năm 2023 chưa sát thực tế, dẫn đến nhiều dự án đăng ký vốn nhưng không phân bổ được, trong năm phải điều chỉnh kế hoạch vốn 2 đợt; việc giao vốn còn chậm.

Về giải ngân vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội, đến hết niên độ năm 2023 chỉ giải ngân được hơn 23/1.465 tỷ đồng, đạt 1,6% và đến tháng 4/2024 mới giải ngân được 34/1.465 tỷ đồng, đạt 2,3%.

Trong công tác quản lý tiến độ, năm 2023 có 7 dự án thuộc nguồn vốn ngân sách Trung ương chậm tiến độ, trong đó: Ba dự án nhóm A có nhiều vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ. Đến thời điểm kiểm toán vẫn đang thực hiện các thủ tục theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, chưa tái khởi động lại.

Trong khi đó, các dự án nhóm B chậm tiến độ phải thực hiện điều chỉnh gia hạn, một số dự án tuy đã được gia hạn song vẫn chậm; một số gói thầu chậm tiến độ so với quy định của hợp đồng ban đầu.

Chưa có giấy phép hoạt động vẫn xét nghiệm

Trong thu dịch vụ y tế, theo KTNN, một số đơn vị chưa ghi nhận doanh thu dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) đối với các dịch vụ đã hoàn thành; phản ánh chưa đúng tính chất nguồn thu; một số dịch vụ y tế xây dựng giá có danh mục thuốc, chi phí đã được kết cấu trong cơ cấu giá dịch vụ KCB được BHXH chi trả nhưng cơ sở KCB vẫn thu thêm tiền của bệnh nhân.

Ngoài ra, còn tình trạng áp giá dịch vụ KCB chưa chính xác; thực hiện vượt số ca thí điểm kỹ thuật mới, phương pháp mới so với số ca thí điểm được phê duyệt của Bộ Y tế.

Đối với chi dịch vụ khám, chữa bệnh, KTNN nêu thực trạng hạch toán chi phí trong năm một số khoản chi chưa đúng quy định. Điển hình như chi phí khám, chữa bệnh chưa tương ứng với doanh thu ghi nhận trong năm; nhiều khoản phụ cấp vượt hoặc không đúng quy định.

Trong quản lý thuốc, hóa chất, vật tư: Còn tình trạng nhập kho một số danh mục thuốc trúng thầu có thời hạn sử dụng thấp hơn so với hồ sơ mời thầu và hợp đồng đã ký; tỷ lệ nhập thuốc thấp so với số lượng trúng thầu, thành phần kiểm nhập chưa đầy đủ theo quy định…

Kiến nghị xử lý tài chính 119,848 tỷ đồng

Qua kiểm toán, KTNN kiến nghị xử lý tài chính hơn 119 tỷ đồng, trong đó: Tăng thu NSNN hơn 62 tỷ đồng; thu hồi, giảm chi ngân sách trên 57 tỷ đồng và kiến nghị khác hơn 71 tỷ đồng.

Đồng thời, KTNN kiến nghị khắc phục các tồn tại, hạn chế trong việc lập, phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư công; thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư; báo cáo cấp có thẩm quyền có giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Cạnh đó, cần chấn chỉnh khắc phục các tồn tại, hạn chế trong việc lập phân bổ, giao dự toán kinh phí; hạch toán đầy đủ, kịp thời, chính xác các khoản thu, chi phí phát sinh trong năm; chấm dứt thu thêm của bệnh nhân một số dịch vụ kỹ thuật đã được kết cấu trong giá dịch vụ KCB, hoặc đã được BHXH chi trả…

Ngoài ra, KTNN cũng kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm với những sai sót, tồn tại trong lập, phê duyệt dự án không đảm bảo về nguồn vốn, phải điều chỉnh dự án theo quy mô, tổng mức đầu tư mới dẫn đến chi phí lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho dự án ban đầu không sử dụng được cho dự án hiện tại (Dự án Viện Pháp y Quốc gia).

Kiểm điểm trách nhiệm trong lập, phê duyệt dự toán chi phí và thực hiện xây dựng quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đối với dự án không thuộc đối tượng theo quy định.

Trong đó có dự án xây dựng ký túc xá 5 tầng Trường Đại học Y Dược Thái Bình; dự án cải tạo, mở rộng Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương (giai đoạn 2), làm tăng chi phí đầu tư dự án...

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/de-nghi-bo-y-te-kiem-diem-trach-nhiem-trong-nhieu-du-an-post1674738.tpo
Zalo