Đề nghị bổ sung quy định hành vi người mẹ có thai rồi bán con cũng là hành vi buôn bán người

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) đề nghị cân nhắc thêm việc bổ sung đối tượng điều chỉnh là nạn nhân của các hành vi bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động quy định tại các khoản 2, 3, 4 điều 2. Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị bổ sung quy định hành vi của người mẹ có thai rồi bán cũng là hành vi buôn bán người và có dấu hiệu phạm tội.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình). Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình). Ảnh: QUANG PHÚC

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, sáng 24-6, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Đại biểu Quốc hội (ĐB) Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) bày tỏ nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống mua bán người, ghi nhận dự thảo luật đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cũng rất cụ thể, sâu sắc và đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp

Liên quan phạm vi và đối tượng điều chỉnh, ĐB cho biết, so với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung đối tượng là “người đang trong quá trình xác định là nạn nhân”.

Theo ĐB, việc bổ sung đối tượng này là thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống mua bán người, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên, ĐB đề nghị cân nhắc thêm việc bổ sung đối tượng điều chỉnh là nạn nhân của các hành vi bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động quy định tại các khoản 2, 3, 4 điều 2.

 ĐB Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) góp ý về các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 3 của dự thảo luật. Ông Dương Tấn Quân đề nghị bổ sung thêm một khoản quy định về hành vi nghiêm cấm cố tình báo tin, tố giác, tố cáo hay khai báo sai sự thật về phòng, chống mua bán người.

Liên quan chính sách phòng chống mua bán người, ĐB Dương Tấn Quân đề nghị bổ sung thêm “vùng biên giới và đối tượng yếu thế” vào khoản 4 của dự thảo luật về địa bàn và đối tượng được hưởng ưu tiên bố trí ngân sách về phòng, chống mua bán người.

Cùng quan tâm đến việc bố trí ngân sách cho các hoạt động phòng, chống mua bán người, ĐB Chamaleá Thị Thủy (Ninh Thuận) đề nghị cần rà soát lại các quy định về các chính sách của dự án luật này cho phù hợp với thực tế và phù hợp với các quy định pháp luật khác.

Tại Điểm d, Khoản 1, Điều 60 của dự thảo luật quy định trách nhiệm của UBND các cấp: “Trình HĐND cùng cấp bố trí kinh phí thực hiện công tác phòng, chống mua bán người cho các cơ quan, đơn vị ở địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành”.

Theo ĐB Chamaleá Thị Thủy, nếu giao cho các địa phương tự bố trí kinh phí thực hiện công tác phòng, chống mua bán người thì các địa phương có nguồn thu ngân sách thấp sẽ rất khó khăn trong khi đây lại thường là những địa bàn có tình hình mua, bán người xảy ra phức tạp.

Bên cạnh đó, với chính sách về trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn cho nạn nhân, khoản 2 điều 43 quy định “Nạn nhân khi về nơi cư trú có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh được xem xét cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội với các chính sách tín dụng ưu đãi theo quy định của pháp luật”.

Với chính sách này, cần rà soát xem có đảm bảo tính thống nhất về đối tượng cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội hiện nay hay không, tránh trường hợp luật này quy định, nhưng không phù hợp với đối tượng cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội.

ĐB Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị dự thảo luật cân nhắc điều chỉnh hành vi mới phát sinh trong thực tiễn về mua bán người. ĐB cho biết, hiện nay xuất hiện hành vi mới trong đời sống xã hội là buôn bán thai nhi trong bụng mẹ. Việc mua bán thai nhi bắt đầu diễn ra từ thời điểm mang thai đến khi đứa trẻ chưa chào đời nên chưa có hậu quả xảy ra, dẫn đến khó khăn trong công tác xử lý.

 ĐB Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: QUANG PHÚC

“Theo pháp luật hình sự của nước ta hiện nay, chỉ khi đứa trẻ được sinh ra đời mới được coi là người và có quyền công dân, còn khi vẫn đang là bào thai trong bụng mẹ thì chưa được điều chỉnh để xem xét là đối tượng của hành vi phạm tội. Cho nên cơ quan chức năng không có cơ sở, căn cứ pháp lý để xử lý hành vi mua bán thai nhi”, ĐB phân tích. Tuy nhiên, theo ĐB, hành vi của người mẹ có thai rồi bán cũng phải được quy định là hành vi buôn bán người và có dấu hiệu phạm tội.

“Bộ luật Hình sự 2015 cũng như pháp luật về phòng, chống mua bán người cũng chưa có quy định nào về vấn đề trên. Trong lần sửa đổi luật lần này, ban soạn thảo cần cân nhắc, xem xét có giải pháp phù hợp đối với hành vi mua bán thai nhi đang trong bụng mẹ trước tình hình mua bán thai nhi đang diễn ra ngày càng phức tạp và tinh vi như trong giai đoạn hiện nay”, ĐB Huỳnh Thị Phúc nhấn mạnh.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/de-nghi-bo-sung-quy-dinh-hanh-vi-nguoi-me-co-thai-roi-ban-con-cung-la-hanh-vi-buon-ban-nguoi-post745977.html
Zalo