Để nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông trở thành tập quán bền vững
Thực hiện Kế hoạch số 60/KH-UBND ngày 19/3/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về 'Triển khai công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025' (sau đây gọi là Kế hoạch số 60), sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thực hiện nhiều giải pháp quan trọng đã tiếp tục góp phần đẩy lùi các hủ tục trong nghi thức tang lễ của đồng bào Mông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Phóng viên (PV) Báo Thanh Hóa có cuộc phỏng vấn đồng chí Cầm Bá Tường, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa xoay quanh chủ đề trên.
-PV: Xin đồng chí cho biết khái quát chung về đặc điểm, tình hình đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa cũng như công tác triển khai thực hiện Kế hoạch số 60?
Đồng chí Cầm Bá Tường: Đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa sinh sống tập trung chủ yếu ở 44 bản (có 1 bản xen ghép), trong đó có 12 bản tiếp giáp với các huyện Sốp Bâu, Viêng Xay, Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào, thuộc 10 xã trên địa bàn 3 huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn. Toàn vùng có 43/44 bản là thôn, bản đặc biệt khó khăn. Địa bàn cư trú của đồng bào Mông chủ yếu là rừng đầu nguồn, các khe suối, khu vực rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, có vị trí quan trọng về môi trường sinh thái, quốc phòng - an ninh. Dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa hiện có khoảng 3.758 hộ với hơn 20.046 khẩu; trong đó hộ nghèo dân tộc Mông có khoảng 3.024 hộ (chiếm 80,5%). Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua việc thực hiện các chương trình, dự án, chính sách nên hạ tầng cơ sở được đầu tư, nâng cấp tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội; đồng bào vẫn còn bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong trang phục, nhà ở, lễ hội, phong tục tập quán...
Tuy nhiên, trong thực hiện tang lễ, trước năm 2013, đồng bào Mông vẫn duy trì những phong tục như bắn súng thông báo có người chết, không đưa người chết vào quan tài và để nhiều ngày trong nhà, giết nhiều trâu, bò trong đám tang... Từ năm 2013 đến năm 2020, việc triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2013-2020” đã đạt được nhiều kết quả. Để nếp sống văn hóa trong tang lễ trở thành nền nếp, tập quán bền vững, ngày 19/3/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 60/KH-UBND triển khai công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025.
Thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh (cơ quan chủ trì) đã ban hành các kế hoạch thực hiện nhiệm vụ và văn bản hướng dẫn hằng năm nhằm triển khai công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông. Huyện ủy, UBND các huyện có đồng bào Mông cư trú (Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa) cũng đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động như: Quyết định số 613-QĐ/HU ngày 20/7/2022 của Huyện ủy Mường Lát thành lập Ban Tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông của huyện giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 724-QĐ/HU ngày 20/7/2022 của Huyện ủy Quan Sơn về việc thực hiện một số nội dung công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông giai đoạn 2021-2025; UBND huyện Quan Sơn ban hành Công văn số 1405/UBND-DT ngày 18/7/2022 về thực hiện một số nội dung công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông giai đoạn 2021-2025. UBND huyện Quan Hóa ban hành kế hoạch tuyên truyền theo từng năm và các văn bản chỉ đạo 2 xã Phú Sơn và Trung Thành quan tâm công tác tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ đồng bào Mông...
- PV: Xin đồng chí chia sẻ kết quả nổi bật của tỉnh Thanh Hóa trong triển khai Kế hoạch số 60?
Đồng chí Cầm Bá Tường: Trong thời gian vừa qua (từ năm 2021-2023) cùng với kết quả thực hiện các chương trình, dự án, chính sách trên địa bàn vùng đồng bào Mông, Ban Dân tộc đã chủ trì phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn tổ chức 6 hội nghị tuyên truyền cho 994 đại biểu là cán bộ, công chức xã và người dân tại các bản Mông. Báo cáo viên tuyên truyền là người dân tộc Mông và những người am hiểu văn hóa, phong tục đồng bào Mông trực tiếp truyền đạt bằng tiếng Mông nên đồng bào dễ hiểu, nghe và làm theo. Năm 2024, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục tổ chức 3 hội nghị ở các huyện, với tổng số 384 đại biểu.
Đối với 3 huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn nơi có đồng bào Mông sinh sống đã tích cực, chủ động thực hiện phối hợp, lồng ghép công tác tuyên truyền, vận động thông qua các hội nghị với nội dung tập trung tuyên truyền quan điểm của Đảng và Nhà nước, phổ biến giáo dục pháp luật, với tổng số 120 hội nghị/8.059 người tham gia. Bên cạnh đó, các sở, ngành và các huyện đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và tiếp cận các dịch vụ văn hóa - xã hội với nhiều hình thức đến với cán bộ và Nhân dân vùng đồng bào Mông. Bằng nguồn vốn của Trung ương và của tỉnh, các sở, ngành, đoàn thể và UBND các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và hoàn thiện cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm, thủy lợi...) ở vùng đồng bào Mông, giữ vững an ninh trật tự khu vực và biên giới.
Có thể khẳng định, thông qua các hoạt động tuyên truyền triển khai Kế hoạch số 60 đã tạo sự thay đổi về nhận thức, tư tưởng, niềm tin của đồng bào Mông trong thực hiện nếp sống văn hóa tang lễ, đồng thời việc thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ còn giúp cho đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội được nâng cao, góp phần thực hiện “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Sự thay đổi trong nhận thức của người dân đã làm cho các thế lực phản động ít có cơ hội lợi dụng để xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần giữ vững quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. Hiện nay, tỷ lệ bản Mông có hương ước, quy ước và thực hiện hương ước, quy ước nếp sống văn hóa trong tang lễ là 44/44 (đạt 100%); tỷ lệ đám tang đồng bào Mông tổ chức theo nếp sống văn hóa mới là 251/253 (đạt 99,2%); tỷ lệ trưởng dòng họ, trưởng bản, người có uy tín có cam kết thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ theo đúng quy định là 182/202 (đạt 90%); tỷ lệ đám tang không tổ chức bắn súng thông báo có người chết đạt 100%. Số bản đồng bào Mông có nghĩa địa tập trung là 28/44 (chiếm 63,6%)...
- PV: Để nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông trở thành tập quán bền vững, xin đồng chí cho biết những nhiệm vụ, giải pháp đặt ra đối với cấp ủy, chính quyền địa phương và đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa?
Đồng chí Cầm Bá Tường: Bên cạnh những kết quả tích cực, điều kiện về kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Mông vẫn còn nhiều khó khăn, khoảng cách về mức sống, thu nhập còn thấp so với các dân tộc khác; trình độ dân trí không đồng đều; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, an ninh trật tự, an toàn xã hội còn tiềm ẩn yếu tố gây mất ổn định. Việc thực hiện nếp sống văn hóa trong việc tang của người dân tộc Mông vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều người dân đặc biệt là một số người già, người cao tuổi còn mặc cảm, chưa nhận thức sâu sắc, đầy đủ, còn gây khó khăn trong công tác vận động và thuyết phục thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ. Để nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông trở thành tập quán bền vững, trong thời gian tới tỉnh Thanh Hóa thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp đó là:
Thứ nhất, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở về thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông. Huyện ủy, UBND các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn tiếp tục làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo ban tuyên truyền, vận động cấp huyện, cấp xã và “Tổ tuyên truyền, vận động” của các thôn, bản thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao, thường xuyên tổ chức hướng dẫn, vận động các hộ gia đình, dòng họ, người dân tích cực tham gia thực hiện tốt các nội quy, quy định, hương ước, quy ước về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo nếp sống văn hóa mới.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông. Trong đó, Ban Dân tộc (cơ quan chủ trì thực hiện Kế hoạch số 60) tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền thông qua tổ chức các hội nghị, tuyên truyền, vận động cho các đối tượng là cán bộ xã, thôn, bản và người dân tộc Mông; phát huy vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín trong tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và vùng đồng bào Mông nói riêng. UBND các huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn cần tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông thông qua việc lồng ghép thực hiện các chương trình, dự án, chính sách trên địa bàn huyện. Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh căn cứ nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện và phối hợp lồng ghép công tác triển khai, hướng dẫn, tuyên truyền trên địa bàn vùng đồng bào Mông của tỉnh.
Thứ ba, thực hiện quy hoạch nghĩa địa tập trung và làm đường đi ra nghĩa địa. UBND các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn chỉ đạo UBND các xã có đồng bào Mông sinh sống có trách nhiệm xây dựng nghĩa trang theo quy định tại Quyết định 15/2021/QĐ-UBND ngày 18/8/2021 của UBND tỉnh ban hành Quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, gắn với việc đầu tư xây dựng đường ra nghĩa địa và khu nghĩa địa của các bản Mông, bảo đảm đồng bộ với quy hoạch thực hiện chương trình nông thôn mới và các chương trình, đề án khác trên địa bàn.
Thứ tư, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào Mông...
- PV: Xin cảm ơn đồng chí!