Để môi trường làm việc an toàn không thể thiếu vai trò của Công đoàn

Từ năm 2017, khi bắt đầu thực hiện Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), hằng năm, Chính phủ thay vì tổ chức Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ vào tháng 3, đã chọn tháng 5 là Tháng hành động về ATVSLĐ gắn với Tháng Công nhân. Điều đó cho thấy vai trò quan trọng của Công đoàn trong công tác ATVSLĐ.

Tầm quan trọng của ATVSLĐ

Công tác ATVSLĐ giữ vai trò rất lớn trong phát triển bền vững, tác động không nhỏ tới lĩnh vực xã hội, kinh tế và môi trường. Điều kiện lao động nguy hiểm, có hại đã gây ra cái chết của hàng triệu người trên khắp thế giới, làm tổn thương sức khỏe của hàng trăm triệu người mỗi năm, làm giảm sút nghiêm trọng khả năng lao động của người lao động, làm ảnh hưởng đến giống nòi và gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế, tác động xấu đến môi trường trong nhiều năm.

Theo ước tính chung của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), điều kiện lao động không an toàn và kém vệ sinh làm cho khoảng 160 triệu người mắc bệnh nghề nghiệp và 270 triệu vụ tai nạn kể cả chết người và không chết người xảy ra trên toàn thế giới mỗi năm, làm thiệt hại khoảng 4% GDP của toàn thế giới.

Tuân thủ ATVSLĐ trong quá trình sản xuất là yếu tố quan trọng để đảm bảo an toàn sản xuất.

Tuân thủ ATVSLĐ trong quá trình sản xuất là yếu tố quan trọng để đảm bảo an toàn sản xuất.

Tại Việt Nam, điều kiện lao động kém an toàn, rủi ro cũng đang bào mòn sức khỏe người lao động. Điều kiện lao động nguy hiểm, có hại đã gây ra tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ở mức báo động.

Trước thực trạng đó, Ban Chỉ đạo Tháng hành động về ATVSLĐ Trung ương đã lựa chọn chủ đề “Tăng cường đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng” cho Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024.

Qua đó, thúc đẩy các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động, người lao động và cộng đồng quan tâm, tuân thủ các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, đồng thời đẩy mạnh việc thực hiện công tác ATVSLĐ tại cơ sở thông qua các hoạt động như cải thiện điều kiện lao động, rà soát, xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ; chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; nâng cao nhận thức vai trò của công tác ATVSLĐ đối với việc duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa và phục vụ cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp cũng như sự phát triển của đất nước.

Vai trò của tổ chức Công đoàn

Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024 có được triển khai sâu rộng tới đông đảo đội ngũ người sử dụng lao động, người lao động hay không phụ thuộc rất nhiều vào các cấp công đoàn trong việc thúc đẩy công tác phối hợp giữa tổ chức Công đoàn với các cơ quan chức năng, chính quyền đồng cấp và người sử dụng lao động trong việc triển khai các chương trình, hành động cụ thể về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện làm việc, phát động thi đua, đẩy mạnh phong trào quần chúng làm công tác ATVSLĐ, góp phần xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc.

Thông qua đó, tổ chức Công đoàn cũng sẽ làm tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, tạo sự quan tâm hơn của các cấp ủy Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị, chủ doanh nghiệp và toàn xã hội đối với vấn đề an toàn, sức khỏe nghề nghiệp của người lao động.

Các cấp Công đoàn Thủ đô đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực trước, trong và sau Tháng hành động về ATVSLĐ nhằm trang bị kiến thức về ATVSLĐ cho cán bộ Công đoàn cơ sở, người sử dụng lao động và người lao động.

Các cấp Công đoàn Thủ đô đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực trước, trong và sau Tháng hành động về ATVSLĐ nhằm trang bị kiến thức về ATVSLĐ cho cán bộ Công đoàn cơ sở, người sử dụng lao động và người lao động.

Tại thành phố Hà Nội, các cấp Công đoàn đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực trước, trong và sau Tháng hành động về ATVSLĐ, đồng thời đa dạng hóa tuyên truyền về ATVSLĐ tới đoàn viên, người lao động và người sử dụng lao động.

Điển hình như tại quận Thanh Xuân, các nội dung về ATVSLĐ được các cấp Công đoàn quận tuyên truyền tới đoàn viên, người lao động bằng nhiều hình thức. Hiện quận Thanh Xuân có gần 11.000 doanh nghiệp, 7.800 hộ kinh doanh, trong đó có 240 Công đoàn cơ sở, 16.000 đoàn viên Công đoàn do Liên đoàn Lao động quận quản lý.

Thực hiện hướng dẫn của Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, Liên đoàn Lao động quận Thanh Xuân đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng, triển khai tới các Công đoàn cơ sở.

Liên đoàn Lao động quận đề nghị các Công đoàn cơ sở chủ động phối hợp với chuyên môn, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, tổ chức phát động và các hoạt động hưởng ứng cụ thể, phù hợp với chủ đề, nội dung Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024 căn cứ trên Kế hoạch của Liên đoàn Lao động quận và điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Để các nội dung về ATVSLĐ thực sự đến và nâng cao ý thức cho đoàn viên, người lao động, Liên đoàn Lao động quận Thanh Xuân đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền. Cùng với đó, Công đoàn quận chú trọng phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên ở cơ sở. Tổ chức tập huấn cho cán bộ Công đoàn, an toàn vệ sinh viên, người lao động về cách nhận diện, đánh giá nguy cơ rủi ro, cải thiện điều kiện làm việc an toàn vệ sinh lao động.

Người lao động Công ty cổ phần Đường sắt Hà Nội đặt câu hỏi về việc lập kế hoạch ATVSLĐ tại buổi đối thoại “Nâng cao kiến thức pháp luật lao động và an toàn vệ sinh lao động” do Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội tổ chức.

Người lao động Công ty cổ phần Đường sắt Hà Nội đặt câu hỏi về việc lập kế hoạch ATVSLĐ tại buổi đối thoại “Nâng cao kiến thức pháp luật lao động và an toàn vệ sinh lao động” do Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội tổ chức.

Nhân dịp Tháng Công nhân, Tháng hành động về ATVSLĐ, Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội cũng đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm trang bị kiến thức về ATVSLĐ cho cán bộ Công đoàn cơ sở trực thuộc và công nhân lao động trong ngành.

Các nội dung cơ bản được trang bị, tập huấn là hệ thống các văn bản pháp luật về ATVSLĐ như Bộ luật Lao động; Luật ATVSLĐ, các Thông tư liên quan…

Ngoài ra, những người tham gia còn được trao đổi về những vấn đề chung về kỹ thuật ATVSLĐ; các quy định về quyền hạn và nhiệm vụ của người sử dụng lao động, người lao động và của tổ chức Công đoàn, mạng lưới an toàn vệ sinh viên đối với công tác ATVSLĐ mục đích, ý nghĩa của ATVSLĐ; tổ chức quản lý và thực hiện các quy định về ATVSLĐ tại công ty; các yếu tố nguy hiểm, có hại trong sản xuất và biện pháp khắc phục, phòng ngừa; tổng quan về các loại máy, thiết bị, các chất phát sinh các yếu tố nguy hiểm, có hại...

Theo bà Tạ Thị Mỹ Thanh - Chủ tịch Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội, tuân thủ ATVSLĐ trong quá trình sản xuất và kinh doanh của đơn vị là yếu tố quan trọng để đảm bảo an toàn sản xuất. Để giúp cho người lao động nắm bắt được những kiến thức chung, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, phòng tránh các tai nạn, sự cố trong quá trình làm việc và nắm bắt được quyền, nghĩa vụ của người sử dụng lao động, của người lao động trong việc chấp hành quy định về ATVSLĐ thì hoạt động tập huấn, huấn luyện là hết sức cần thiết.

Nhóm PV

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/de-moi-truong-lam-viec-an-toan-khong-the-thieu-vai-tro-cua-cong-doan-172193.html
Zalo