Để mạch nguồn văn hóa chảy mãi
Trải qua những thăng trầm của thời gian, văn hóa vẫn luôn là nền tảng tinh thần to lớn trong đời sống xã hội. Để mạch nguồn văn hóa không ngừng chảy, đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã và đang nỗ lực gìn giữ, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống để lưu truyền cho thế hệ sau cũng như nghiên cứu, bổ sung thêm những giá trị mới.
Lưu giữ truyền thống
Cao Bằng là vùng đất có sự giao hòa bản sắc của nhiều dân tộc anh em, cùng kho tàng văn hóa truyền thống phong phú, đa đạng và đặc sắc. Tỉnh quan tâm, chú trọng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc. Các di sản như: tiếng nói, chữ viết, tập quán tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống… thường xuyên được quan tâm nghiên cứu, đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy hiệu quả; các di tích lịch sử được quan tâm nghiên cứu lập hồ sơ xếp hạng các cấp và xây dựng các dự án trùng tu, tôn tạo.
Nhiều lễ hội dân gian truyền thống của đồng bào được phục dựng, trên 100 lễ hội truyền thống và lễ hội xuân được tổ chức với quy mô lớn nhỏ khác nhau, chủ yếu được diễn ra vào mùa xuân và mang đậm nét văn hóa dân tộc địa phương. Những lễ hội truyền thống không chỉ tạo không khí phấn khởi, đáp ứng đời sống tinh thần của nhân dân, mà còn là điều kiện thuận lợi để làm “sống lại” những làn điệu dân ca, dân vũ đồng bào các dân tộc thiểu số như: hát Then, lượn Then, Dá hai, Pựt lằn, Xà xá, Sli Giang, Nàng ới, Hà lều, Lượn Cọi, Lượn Slương, Hèo Phươn, Phong Slư... Tại các điểm du lịch cộng đồng, tỉnh tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở du lịch; mua sắm trang phục, đạo cụ, nhạc cụ, thiết bị âm thanh, ánh sáng đáp ứng nhu cầu tập luyện, biểu diễn cho các đội văn nghệ.
Với hơn 50 hộ, 100% người dân tộc Nùng An, xóm Pác Rằng, xã Phúc Sen (Quảng Hòa) hấp dẫn bởi sự bảo lưu khá toàn vẹn nền văn hóa truyền thống dân tộc với những ngôi nhà sàn cột nghiến, mái lợp ngói âm dương, nhiều ngôi nhà vẫn còn giữ được bậc thang đá và bể nước nhỏ để rửa chân trước nhà.
Trưởng xóm Pác Rằng Tô Văn Tuân cho biết: Hiện nay, người dân trong xóm duy trì nghề dệt vải, nhuộm chàm và thường xuyên mặc những bộ trang phục chàm truyền thống trong cuộc sống lao động và sinh hoạt thường ngày. Những sản phẩm từ nghề thủ công truyền thống đặc trưng trở thành hàng hóa, một số nghề có thu nhập cao như nghề rèn, đúc trở thành thu nhập chính của nhiều hộ. Sự tồn tại và phát triển của các nghề thủ công không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, mà còn bảo lưu văn hóa dân tộc cũng như giáo dục truyền thống lao động cần cù cho thế hệ sau.
“Thêu dệt” tương lai
Xóm Luống Nọi, xã Ngọc Đào (Hà Quảng) là chiếc nôi lưu giữ nhiều nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Tày ở Cao Bằng. Trong đó, dệt thổ cẩm là nghề thủ công truyền thống có từ lâu đời, hình thành và phát triển một cách tự nhiên trong quá trình lao động, xuất phát từ tập quán tự cung, tự cấp. Nét độc đáo của nghề dệt của đồng bào Tày ở Luống Nọi là tạo hoa văn trên mặt trái của sản phẩm thổ cẩm, không phải dệt từ mặt phải như kỹ thuật dệt thông thường. Những hoa văn tạo trên các tấm thổ cẩm phản ánh trung thực xã hội, những hoạt động lao động sản xuất và văn hóa tinh thần của người Tày.
Gần 50 năm trong nghề, bà Nông Thị Thược sinh sống trong gia đình có 4 thế hệ làm nghề dệt, được phong tặng nghệ nhân làng nghề truyền thống. Năm 2016, cơ sở sản xuất của bà được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trao tặng “Bảng vàng gia tộc nghề truyền thống Việt Nam”. Các sản phẩm của nghệ nhân Nông Thị Thược từng đạt được rất nhiều thành tích trong và ngoài nước. Trong đó, phải kể đến danh hiệu “Sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề tiêu biểu Việt Nam” năm 2018 và được cấp chứng nhận đối tác Ban Quản lý Công viên địa chất Non nước Cao Bằng năm 2022.
Bằng đam mê gìn giữ nét đẹp truyền thống của cha ông để lại, nghệ nhân Nông Thị Thược đã và đang nỗ lực truyền cảm hứng trong nghề dệt thổ cẩm cho thế hệ sau. Tranh thủ lúc nhàn rỗi, bà truyền dạy miễn phí cho những người có nhu cầu; tận tình hướng dẫn thực hành các bước từ trồng bông, kéo sợi, lựa chọn các nguyên liệu tự nhiên để nhuộm màu sợi, lên go, mắc cửi, dệt và tạo hoa văn trên vải. Nghệ nhân Nông Thị Thược cho biết: Các học viên tuy ở nhiều độ tuổi, môi trường khác nhau nhưng đều có chung sự quan tâm và niềm đam mê với nghề thủ công truyền thống của dân tộc. Nghề dệt thổ cẩm đòi hỏi sự kiên trì, đôi bàn tay khéo léo, sự sáng tạo để làm ra những tấm thổ cẩm của riêng mình. Khi mới bắt đầu học, sản phẩm được tạo ra dù chưa thật sự hoàn hảo nhưng thể hiện tình cảm và tâm huyết của mỗi cá nhân với nghề thủ công truyền thống.
Bảo tồn, lưu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc
Yêu văn hóa của dân tộc mình qua những bộ váy áo truyền thống, chị Đào Thị Sánh, dân tộc Mông, xóm Kéo Nặm, xã Mã Ba (Hà Quảng) thường xuyên may những bộ trang phục dân tộc để sử dụng và bán cho những khách hàng có nhu cầu, giúp tăng thu nhập cho gia đình. Chị Sánh chia sẻ: Thiếu nữ dân tộc Mông được các bà, các mẹ dạy cho từng đường tơ, sợi chỉ, khâu vá, thêu thùa. Khi đến tuổi trưởng thành, biết làm duyên cũng là lúc tự làm thành thục trang phục truyền thống cho gia đình và bản thân trước khi về nhà chồng. Tôi được bà, mẹ truyền dạy nghề từ nhỏ. Bên cạnh phát triển kinh tế, tôi cố gắng gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mông và truyền lại cho con cháu.
Được tiếp xúc với hát Then, đàn tính từ khi còn nhỏ, ông Nông Văn Ngoạt, thị trấn Trùng Khánh (Trùng Khánh) say mê những giai điệu du dương, trầm bổng, những thanh âm mượt mà, ngọt ngào của tiếng đàn tính. Để rồi khi lớn lên, ông dành nhiều thời gian, tâm huyết để gìn giữ, lan tỏa những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình đến nhiều người và nhiều vùng, miền khác nhau. Ông Ngoạt chia sẻ: Nhận ra môn nghệ thuật truyền thống của đồng bào mình đang đứng trước nguy cơ bị mai một, tôi và các bạn trong câu lạc bộ văn nghệ trung, cao tuổi thị trấn phối hợp với Trung tâm Học tập cộng đồng tổ chức 2 lớp dạy hát Then, đàn tính với 40 học viên. Người trẻ nhất mới đang học tiểu học, người lớn tuổi nhất gần 70 tuổi. Nhờ vậy, tôi nhận ra sức sống, sự lan tỏa và sức hấp dẫn của hát Then, đàn tính. Đây là động lực để tôi tiếp tục với niềm đam mê bảo tồn, lưu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc.
Đi qua những năm tháng, đời sống đồng bào các dân tộc ở tỉnh ngày càng đổi thay tích cực. Bên cạnh phát triển kinh tế, đồng bào còn nỗ lực giữ gìn, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc. Qua mỗi lễ hội, nghề truyền thống, những bộ trang phục dân tộc hay dụng cụ sản xuất đặc trưng, họ đều mong muốn thể hiện tâm tư, tình cảm, những dấu ấn mang đậm bản sắc văn hóa, chứa đựng những giá trị nghệ thuật, lịch sử riêng có của dân tộc mình trong đời sống sinh hoạt, sản xuất. Đồng thời, truyền dạy cho thế hệ sau học tập, kế thừa, giữ gìn và phát huy. Để rồi từ đó, những giá trị, bản sắc độc đáo về văn hóa vật thể và phi vật thể mãi gắn bó chặt chẽ, đồng hành với đời sống và trở thành những “di sản sống”, “giá trị sống”.
Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 200 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó, 98 di tích được xếp hạng các cấp, gồm 3 di tích quốc gia đặc biệt, 25 di tích cấp quốc gia, 70 di tích cấp tỉnh; có 2 bảo vật quốc gia; trên 16.000 đơn vị hiện vật với những chất liệu khác nhau, có giá trị cao về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học, phản ánh quá trình hình thành, phát triển, bản sắc văn hóa các dân tộc, truyền thống cách mạng của địa phương. Năm 2018, Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng được Tổ chức UNESCO công nhận là Công viên địa chất Toàn cầu.
Bên cạnh đó, tỉnh có 2.000 di sản văn hóa phi vật thể gồm nhiều loại hình; 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đặc biệt, di sản thực hành Then Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam (trong đó có nghi lễ Then Tày Cao Bằng) được UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Toàn tỉnh có 1 nghệ nhân nhân dân, 23 nghệ nhân ưu tú, 1 nghệ sĩ nhân dân, 5 nghệ sĩ ưu tú được công nhận.