Để luật pháp đi vào cuộc sống

Để bảo đảm yêu cầu 'pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả', đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước.

Thực hiện kịp thời các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần các gia đình chính sách, người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn và toàn thể nhân dân. Đây là một trong những nội dung tại Nghị quyết 142/2024 của Quốc hội, sau khi các dự án luật được thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Nghị quyết 142 yêu cầu việc tổ chức triển khai thi hành các luật, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Quy định số 178-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành luật, nghị quyết, chú trọng chất lượng, đi vào chiều sâu.

Để các luật đi vào cuộc sống, các bộ, cơ quan ngang bộ, nhất là các địa phương cần chủ động chuẩn bị và khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai thi hành các luật, nghị quyết, để trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành. Việc xây dựng kế hoạch là nội dung rất quan trọng và cần thiết để dự kiến các công việc cần triển khai, nguồn lực thực hiện và phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện, bảo đảm việc thi hành kịp thời, có hiệu quả luật, nghị quyết ngay từ thời điểm có hiệu lực. Đồng thời, rà soát, ban hành để sửa đổi, bổ sung các nghị định, quyết định và thông tư thuộc thẩm quyền để triển khai thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu nội dung văn bản luật cho cán bộ, công chức, viên chức, báo cáo viên pháp luật của bộ, ngành trực tiếp triển khai thi hành văn bản luật bằng các hình thức phù hợp nhằm sớm đưa các văn bản luật vào cuộc sống, nhất là Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số, phát huy tối đa vai trò của các cơ quan, phương tiện thông tin, báo chí, mạng xã hội truyền thông, phổ biến kịp thời, đầy đủ, rộng rãi các luật, nghị quyết mới được thông qua. Phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp và đội ngũ báo cáo viên là chuyên gia theo ngành, lĩnh vực. Tổ chức hướng dẫn tăng cường thông tin, phổ biến rộng rãi nội dung của luật cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý và nhân dân bằng hình thức phù hợp, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật. Đồng thời, tổ chức hướng dẫn, giải thích, cung cấp đầy đủ thông tin liên quan trực tiếp đến vụ việc đang giải quyết; chủ động nắm bắt, theo dõi, tháo gỡ các vấn đề dư luận xã hội quan tâm trong quá trình tổ chức triển khai thi hành pháp luật.

Cùng với đó là siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật. Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, không làm phát sinh quy trình, thủ tục, “giấy phép con” trái quy định. Chú trọng tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, người dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành luật, nghị quyết...

TUẤN KHÔI

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/de-luat-phap-di-vao-cuoc-song-123163.html
Zalo