Để lễ hội đầu xuân không còn nỗi lo về giao thông

Những tháng đầu xuân là cao điểm mùa lễ hội trên địa bàn cả nước. Tuy nhiên, mỗi địa phương lại có công tác chuẩn bị khác nhau, nhiều trường hợp người tham giao thông và cả lực lượng chức năng đều bị động trước kế hoạch tổ chức lễ hội.

Cần khắc phục tình trạng này thế nào, trong bối cảnh quy mô lễ hội ngày càng lớn hơn, sự ảnh hưởng lẫn nhau của các tuyến giao thông ngày càng mạnh hơn?

Tắc nghẽn khi một đoàn rước đi qua, quầy hàng đông người mua kẻ bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường,... là hình ảnh thường thấy tại các lễ hội đầu xuân (Ảnh do thính giả cung cấp)

Tắc nghẽn khi một đoàn rước đi qua, quầy hàng đông người mua kẻ bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường,... là hình ảnh thường thấy tại các lễ hội đầu xuân (Ảnh do thính giả cung cấp)

Là tài xế xe 16 chỗ, anh Kiều Xuân Chiến, ở Hoài Đức, Hà Nội, có nhiều hành trình chở khách đến hoặc đi qua khu vực lễ hội trong những tháng đầu năm. Ùn tắc, lộn xộn, mất nhiều thời gian di chuyển là những gì anh đã từng gặp:

"Các khu vực lễ hội như Tây Thiên, Chùa Hương,… lái xe lạ đến là hay bị “cò mồi” dẫn dắt, tình trạng giao thông lộn xộn. Nhất là những lễ hội làng, xã, trai làng rước kiệu thì gần như cung đường đó được ưu tiên luôn. Nếu lái xe ở tỉnh khác vướng vào lễ hội đó gần như là tiến không tiến được, lùi không lùi được, nhất là những xe to loại 16, 29 hoặc 45 chỗ. Cần có biển cảnh báo trước đó một vài cây số, ở ngã ba ngã tư, ghi ngắn gọn, rõ ràng, dễ đọc để lái xe biết được".

Không chỉ cản trở giao thông mà nguy cơ tai nạn cũng tiềm ẩn nếu ban tổ chức, lực lượng chức năng không có kế hoạch và thực hiện tốt công tác đảm bảo trật tự, ATGT.

Có hành trình trên QL17, địa phận huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, anh Nông Văn Triền cảm thấy khá e ngại vì dòng xe nườm nợp không giảm tốc độ khi qua lễ hội đền Cầu Khoai, dù bộ hành và hàng quán san sát ven đường.

Còn anh Nguyễn Thế Nam, ở Hoàng Mai, Hà Nội bị ùn tắc trên QL21B vì gặp hội làng Quảng Nguyên, huyện Ứng Hòa: "Lúc mình đến gần 8h mà vẫn chưa thấy lực lượng chức năng đến phân luồng, cảnh giới. Lễ hội này nằm trên quốc lộ rất to, nhiều xe cộ không nắm được thông tin nên không giảm tốc độ khi đi qua, nếu gây tai nạn giao thông thì rất là đáng tiếc. Cách đây hai ba hôm mình có đi qua bên Lục Nam cũng có lễ hội, xe đầu kéo gây chết một bà cụ cũng rất là đáng tiếc.

Khu vực Hà Tây cũ đầu năm có rất nhiều lễ hội. Mong là cơ quan chức năng không cho kiệu quay ra quốc lộ. Nếu mà cần đi qua các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ thì lực lượng chức năng làm sao để lưu thoát giao thông".

Trên địa bàn Hà Nội, để đảm bảo trật tự, ATGT mùa lễ hội, lực lượng thanh tra giao thông của Sở GTVT đã triển khai nhiều giải pháp.

Ông Cao Văn Hiệp, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết: "Lực lượng thanh tra Sở đã giao và chỉ đạo các đội thanh tra giao thông phối hợp các chính quyền địa phương để tiến hành giải tỏa tất cả vi phạm lấn chiếm lòng đường, hành lang an toàn giao thông và các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về trật tự ATGT, trật tự đô thị, bảo vệ kết cấu hạ tầng, an toàn giao thông trong các lĩnh vực đường bộ cũng như đường thủy nội địa".

Còn tại tỉnh Lạng Sơn, nơi có khoảng 280 lễ hội diễn ra vào dịp đầu xuân, công tác đảm bảo ATGT, an ninh trật tự tại các lễ hội được các cấp, ngành quan tâm.

Thiếu tá Dương Văn Trọng, Đội trưởng Đội CSGT, Công an huyện Cao Lộc cho biết: "Chúng tôi đã tăng cường trực 100% quân số, tham gia các phương án đảm bảo ATGT tại các điểm chốt, khu vực trung tâm diễn ra các lễ hội để phân luồng, điều tiết giao thông, hướng dẫn bà con sắp xếp phương tiện vào vị trí bãi đỗ xe để đảm bảo giao thông thông suốt. Đơn vị cũng kết hợp tuần tra kiểm soát, nâng cao ý thức về việc chấp hành các quy định khi tham gia giao thông".

Kế hoạch tổ chức bài bản và thực sự coi trọng vấn đề giao thông là yếu tố quyết định đến việc đi lại an toàn, trật tự tại các lễ hội

Kế hoạch tổ chức bài bản và thực sự coi trọng vấn đề giao thông là yếu tố quyết định đến việc đi lại an toàn, trật tự tại các lễ hội

Ghi nhận những nỗ lực của các địa phương và lực lượng chức năng trong việc tổ chức và đảm bảo trật tự, ATGT cho các lễ hội, song chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Hữu Đức cũng chỉ ra những hạn chế tồn tại bấy lâu nay:

"Lễ hội cấp làng, xã rất nhiều, nhưng trình độ tổ chức không phải nơi nào cũng giống nhau, có nơi chủ quan, không đánh giá hết được tình huống, gây ra lộn xộn. Chúng ta có thể thấy Nhật Bản cũng có nhiều lễ hội. Kinh nghiệm là tổ chức phải có kế hoạch bài bản, dự đoán trước các tình huống, ước lượng khả năng đón bao nhiêu khách, nơi đỗ xe như thế nào, đi lại ra sao,… Để tổ chức lễ hội thì bộ phận tổ chức bao giờ cũng phải báo cáo với UBND địa phương, trong báo cáo ấy phải nêu ra kế hoạch tổ chức đi lại như thế nào. Rất tiếc hiện nay không có cơ quan nào hướng dẫn việc này".

TS. Khương Kim Tạo, Nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cũng nhấn mạnh vào khẩu chuẩn bị từ sớm, đầy đủ của ban tổ chức, địa phương và sự phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng là điều kiện tiên quyết để đảm bảo trật tự, ATGT khu vực lễ hội: "Nên có báo cáo về hệ thống lễ hội tại các địa phương cũng như quy mô toàn quốc, nội dung gồm ngày tháng, quy mô tổ chức,… Trên cơ sở đó có hướng dẫn chung để các địa phương triển khai, cũng là cơ sở để các lực lượng chức năng địa phương làm chủ công tác đảm bảo trật tự, an toàn. Trong trường hợp cần thiết, lực lượng chức năng có thể huy động thêm cán bộ kiêm nhiệm và các tổ chức chính trị, xã hội cùng tham gia.

Tùy theo tính chất của lễ hội, phải có kế hoạch chuẩn bị về lực lượng, cơ sở vật chất. Sau đó có thể đưa thông tin lên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân nắm bắt được".

Theo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cả nước có hơn 7.900 lễ hội, trong đó Hà Nội là địa phương có nhiều lễ hội nhất với con số hơn 1.000. Lễ hội đầu xuân không chỉ là nhu cầu tinh thần không thể thiếu của các cộng đồng dân cư, mà còn góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của địa phương và cả nước.

Tuy nhiên, nếu tổ chức không tốt thì sẽ có tác động xấu trên nhiều lĩnh vực, trong đó có giao thông. Sự ảnh hưởng càng lớn khi mạng lưới giao thông ngày càng liên thông chặt chẽ, hoạt động giao thương kinh tế ngày càng sôi động.

Vì vậy, dưới góc nhìn của VOV Giao thông thì: “Giao thông mùa lễ hội: Kế hoạch sớm và thông tin rộng rãi”.

Bị động khi di chuyển, phiền toái, thậm chí bức xúc vì ùn tắc và cản trở giao thông - có lẽ là trải nghiệm mà nhiều lái xe đã từng gặp trong mùa lễ hội xuân. Đáng buồn là tình trạng ấy vẫn xảy ra hàng năm ở nhiều địa phương.

Nếu những lễ hội lớn, quy mô cấp tỉnh hoặc quốc gia, giao thông được điều tiết khá trơn tru khi có sự vào cuộc của nhiều ban, ngành, thì với những lễ hội quy mô cấp làng, xã, công tác tổ chức giao thông thường chưa được quan tâm đúng mức, thiếu lực lượng điều tiết và thiếu các biện pháp cảnh báo từ xa, đẩy mọi khó khăn và sự bất ngờ, lúng túng về phía những người đang di chuyển trên đường.

Không chỉ là chuyện ùn tắc và cản trở, tình trạng lộn xộn còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Thực tế đã có những vụ tai nạn đau lòng khi ô tô đâm vào đoàn người đưa tang, dù đám đông vốn đã tạo thành một cảnh báo từ xa rõ ràng. Vì vậy, không thể xem nhẹ nguy cơ tai nạn, sự chủ quan trong công tác tổ chức có thể dẫn đến những hậu quả khó lường, đặc biệt khi đoàn rước đi qua đường lớn.

Trong bối cảnh kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, quy mô tổ chức ngày càng lớn hơn, lễ hội ở các làng, xã không còn đơn giản là một hoạt động nhỏ mà đã trở thành sự kiện thu hút đông đảo sự quan tâm của cộng đồng và ảnh hưởng lớn giao thông. Trong bối cảnh hạ tầng còn hạn chế và một tuyến đường tắc nghẽn có thể lan sang các khu vực xung quanh thì việc đảm bảo giao thông tại các lễ hội cần phải được nhìn nhận nghiêm túc.

Đối với các lễ hội quy mô lớn, việc tổ chức và phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành là điều tất yếu, cần tiếp tục phát huy sự chủ động trong việc lên kế hoạch đảm bảo trật tự, ATGT, đặc biệt là việc phân luồng và điều tiết tại chỗ khi xảy ra ùn tắc.

Đối với những lễ hội nhỏ của địa phương, trách nhiệm chính thuộc về chính quyền sở tại và ban tổ chức lễ hội. Các cấp chính quyền, đặc biệt là UBND xã, phường, thị trấn đã có sẵn thông tin về các lễ hội trên địa bàn mình quản lý, cần có kế hoạch tổ chức giao thông từ sớm, rõ ràng về lịch trình di chuyển của đoàn rước, vị trí điểm đỗ xe, hàng quán hay những khoảng không gian khác tạm thời sử dụng vỉa hè, lòng đường. Kế hoạch càng chi tiết thì việc tổ chức thực hiện càng dễ dàng và hiệu quả.

Và để có kế hoạch chi tiết thì cần có hướng dẫn cụ thể. Cơ quan quản lý văn hóa và giao thông cần xây dựng quy chuẩn tổ chức giao thông tại các khu vực lễ hội để địa phương dễ dàng áp dụng, thực hiện.

Việc quản lý lễ hội cần sớm được số hóa để thực hiện hiệu quả hơn. Kịch bản giao thông cần được lên từ sớm, cập nhật theo tình hình thực tế với sự liên thông dữ liệu của các địa phương (Ảnh minh họa - Meta AI)

Việc quản lý lễ hội cần sớm được số hóa để thực hiện hiệu quả hơn. Kịch bản giao thông cần được lên từ sớm, cập nhật theo tình hình thực tế với sự liên thông dữ liệu của các địa phương (Ảnh minh họa - Meta AI)

Việc quản lý lễ hội cần sớm được số hóa để thực hiện hiệu quả hơn. Các phương án tổ chức, kịch bản giao thông cần được lên từ sớm, phân luồng từ xa, cập nhật theo tình hình thực tế với sự liên thông dữ liệu của địa phương và các lực lượng, đơn vị liên quan để thông báo rộng rãi.

Nếu thiếu kinh nghiệm trong việc tổ chức giao thông, chính quyền xã, phường cần báo cáo cấp trên, yêu cầu lực lượng CSGT và công an địa phương hỗ trợ, phối hợp, tránh để các lực lượng này cũng bị động, không nắm được thông tin và khó khăn giải quyết khi xảy ra ùn tắc hay sự cố. Ngoài điều tiết giao thông, lực lượng chức năng cũng có vai trò quan trọng trong việc nhắc nhở, xử lý vi phạm trong phạm vi lễ hội để tránh gây ra những cản trở cho người đi đường.

Một việc cần thiết khác là tăng cường cảnh báo cho người tham gia giao thông. Với đoàn rước, quần áo phản quang cho người dẫn đoàn sẽ giúp tài xế nhận diện tốt hơn, đảm bảo an toàn cho việc di chuyển. Với thông tin chỉ dẫn, các biển bảng thông báo về lễ hội cần được đặt từ xa, ở các nút giao, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ quan sát để người lái xe có thể kịp thời chuyển hướng, tránh gây ùn tắc giao thông.

Thông tin tại chỗ đã quan trọng, thông tin rộng rãi lại càng quan trọng hơn, qua các phương tiện truyền thông hoặc mạng xã hội. Trong đó, tất cả xã, phường, thị trấn trên cả nước có thể dễ dàng cung cấp thông tin tới VOV Giao thông, giúp người lái xe kịp thời nắm bắt, chuyển hướng, hoặc có tâm thế chủ động nếu bắt buộc phải đi qua những tuyến đường đang tổ chức lễ hội.

Để lễ hội đầu xuân không còn là nỗi lo về giao thông, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần thay đổi cách tiếp cận trong việc tổ chức giao thông. Cần coi đó là một phần quan trọng không kém trong công tác chuẩn bị cho lễ hội. Khi công tác giao thông được tổ chức khoa học và hợp lý, lễ hội mới thật sự là một niềm vui trọn vẹn và an toàn cho tất cả mọi người.

Minh Hiếu/VOV- Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/de-le-hoi-dau-xuan-khong-con-noi-lo-ve-giao-thong-post1156832.vov
Zalo