Để không còn tái diễn giả mạo nông sản Đà Lạt (Bài 2)

Những thời điểm diễn ra tình trạng cạnh tranh không công bằng từ sản phẩm kém chất lượng, giả mạo thương hiệu nông sản Đà Lạt trên thị trường, nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã trực tiếp sản xuất thường phải gánh nhận hệ lụy giảm doanh thu, lợi nhuận trên từng đơn vị diện tích đất nông nghiệp.

Bài 2: Những hệ lụy cạnh tranh không công bằng

Người sản xuất chân chính có nguy cơ giảm sản lượng tiêu thụ khi thương hiệu nông sản Đà Lạt bị xâm phạm

Người sản xuất chân chính có nguy cơ giảm sản lượng tiêu thụ khi thương hiệu nông sản Đà Lạt bị xâm phạm

XÂM PHẠM THƯƠNG HIỆU NÔNG SẢN ĐÀ LẠT TỪ NĂM 2015

Thống kê toàn tỉnh có 407 sản phẩm OCOP với 221 chủ thể. Trong đó, 9 sản phẩm đã và đang phân hạng 5 sao; 87 sản phẩm 4 sao và 311 sản phẩm 3 sao. Đối với thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đến nay đã cấp giấy chứng nhận 758 tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh rau, hoa, cà phê và 10 cơ sở du lịch canh nông. Đây là quá trình nỗ lực khá lâu của các cơ quan, ban, ngành và người sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, khi có cơ hội mùa vụ nông sản khan hiếm, nguồn hàng hóa nông sản nhập khẩu tăng lên, một bộ phận nhỏ vựa nông sản bất chấp pháp luật, sẵn sàng thực hiện các hành vi gian lận thương mại, tao sự nhầm lẫn đối với người tiêu dùng để thu lợi nhuận bất chính, ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu nông sản Đà Lạt.

Phó Phòng Kinh tế TP Đà Lạt Nguyễn Đình Thiện thông tin thêm: Từ năm 2015, TP Đà Lạt đã phải đối mặt với vấn nạn xâm phạm thương hiệu nông sản khi một số tiểu thương nhập khẩu khoai tây Trung Quốc và tiêu thụ dưới danh nghĩa khoai tây Đà Lạt. Mặc dù chính quyền địa phương đã ban hành nhiều văn bản tăng cường kiểm soát, nhưng tình trạng vi phạm vẫn tiếp diễn, gây ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu nông sản của Đà Lạt. Ngoài ra, việc lợi dụng thương hiệu "Đà Lạt" để gắn vào những sản phẩm không phải của Đà Lạt vẫn đang là vấn đề nổi cộm, làm giảm lòng tin của người tiêu dùng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích kinh tế của người nông dân và doanh nghiệp địa phương.

Từ những hệ lụy cạnh tranh không lành mạnh, thiếu công bằng, bà Nguyễn Thùy Quý Tú - Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Lâm Đồng nhận định đối tượng thứ nhất ảnh hưởng trực tiếp ở đây là người tiêu dùng. Bởi khi họ mua phải các sản phẩm giả mạo thương hiệu nông sản Đà Lạt, không được kiểm soát chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, có thể gặp rủi ro về sử dụng thực phẩm thiếu an toàn, dẫn đến mất lòng tin, không tiếp tục ưu tiên lựa chọn nông sản mang thương hiệu Đà Lạt. Đối tượng thứ hai ảnh hưởng trực tiếp nông sản giả mạo là nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất chân chính với nguy cơ giảm sản lượng tiêu thụ.

“Nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã trực tiếp sản xuất phải đối mặt với tình trạng giảm doanh thu do sự cạnh tranh không công bằng từ các mặt hàng nông sản giả mạo hoặc kém chất lượng. Do các sản phẩm giả mạo có lợi thế về giá cả thấp hơn, nên các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ từ thương hiệu nông sản Đà Lạt suy giảm doanh thu, nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng về sản lượng đầu ra, nhất là đối với các nông hộ sản xuất nông sản không theo chuỗi liên kết, sản xuất tự phát khi chưa có đầu ra ổn định”, bà Nguyễn Thùy Quý Tú nói. Mặt khác, giá trị thương hiệu nông sản Đà Lạt có thể giảm xuống do sự nhầm lẫn với nông sản giả mạo của người tiêu dùng, đồng thời có thể phải chịu thêm chi phí để chứng minh tính chính danh của sản phẩm - từ tạo nhãn mác đến kiểm tra, kiểm soát chất lượng. “Từ đó, nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã có thể sẽ nhìn nhận tiêu cực khi mà sản phẩm được tạo ra với nhiều tâm huyết, công sức lại không được công nhận với giá trị thật, dẫn đến giảm sự quyết tâm sản xuất ra các sản phẩm chất lượng, phát triển thương hiệu nông sản Đà Lạt…”.

ẢNH HƯỞNG CẢ NGƯỜI SẢN XUẤT VÀ NGƯỜI TIÊU DÙNG

TS Dương Thái Trung - Chuyên viên cao cấp Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương phân tích thêm những ảnh hưởng tiêu cực của hành vi giả mạo thương hiệu nông sản Đà Lạt là: Thứ nhất, uy tín thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành" bị lạm dụng, giả mạo để mang lại “lợi ích” cho một nhóm nhỏ thương nhân, thương lái kinh doanh nông sản. Thứ hai, người tiêu dùng cuối cùng bị thiệt hại do không được dùng sản phẩm có chất lượng, đúng thương hiệu, xuất xứ và chỉ dẫn địa lý của nông sản đã cam kết. Thứ ba, người trực tiếp sản xuất nông sản không được hưởng đúng giá trị mà mình tạo ra. Thứ tư, việc quản lý chất lượng nông sản lưu thông trên thị trường gặp nhiều khó khăn, các cơ quan nhà nước liên quan phải dành nhiều thời gian và nguồn lực để tăng cường hoạt động tiền kiểm và hậu kiểm.

Thực tế cho thấy, tình trang sản xuất, kinh doanh hàng nông sản giả mạo thương hiệu Đà Lạt ngày càng diễn biến phức tạp và tinh vi, cần phối hợp đồng bộ tham gia của các cấp, ngành, sự vào cuộc quyết liệt của của cơ quan điều tra để theo dõi, bắt quả tang đối tượng vi phạm; đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động cộng đồng tham gia cung cấp thông tin, tố giác vi phạm. Nếu không hành động cương quyết thì hiện tượng giả mạo thương hiệu nông sản Đà Lạt còn kéo dài và lan rộng, hệ lụy ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, thu nhập của nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn. Bởi vậy, khi mọi sự hợp tác và nỗ lực không ngừng từ phía quản lý nhà nước và phía người sản xuất, kinh doanh, thương hiệu nông sản Đà Lạt mới thực chất được bảo vệ và phát triển bền vững.

(CÒN NỮA)

VĂN VIỆT

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202410/de-khong-con-tai-dien-gia-mao-nong-san-da-lat-bai-2-6362ab3/
Zalo