Để hợp tác xã nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

ĐTO - Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang tác động mạnh mẽ đến ngành nông nghiệp với tình trạng nắng nóng kéo dài, mưa trái mùa, áp lực dịch bệnh lên cây trồng... Thực trạng này cũng tác động không nhỏ đến các hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) trên địa bàn tỉnh, dẫn đến năng suất, chất lượng của đầu ra sản phẩm chưa cao, tăng chi phí canh tác...

Nông dân áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất

Nông dân áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất

Hiện, trên địa bàn tỉnh có 205 HTXNN. Để khắc phục những vấn đề nêu trên, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chuyên môn triển khai thực hiện một số giải pháp nhằm giảm nhẹ, thích ứng các tác động của biến đổi khí hậu đến các HTXNN trong canh tác, áp dụng các biện pháp giảm khí phát thải nhà kính. Tỉnh đầu tư được 17 trạm giám sát sâu rầy thông minh, bước đầu phát huy tốt trong việc giám sát, thông tin tình hình dịch hại đến người dân kịp thời, giúp tăng hiệu quả sản xuất.

Bên cạnh đó, triển khai lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ đất trồng lúa để hỗ trợ HTXNN thực hiện các công trình như kiên cố hóa đường nước tưới, cấp cống hở tạo nguồn. Hỗ trợ đưa lao động trẻ về làm việc tại tổ chức kinh tế tập thể, trong đó, giai đoạn 2023 - 2024, hỗ trợ 176 lượt lao động với tổng kinh phí 9.540 triệu đồng.

Thời gian qua, tỉnh đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về tác động BĐKH và biện pháp thích ứng với BĐKH; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và các thành viên HTX. Qua đó góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, nhận thức của người dân, định hướng chuyển đổi tư duy, phương thức sản xuất. Đặc biệt giúp cán bộ quản lý HTX nâng cao năng lực xây dựng và thực hiện kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh nông nghiệp thích ứng với BĐKH; sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất tốt, bền vững và theo tiêu chuẩn chất lượng thích ứng với BĐKH; ứng dụng công nghệ số trong quản trị điều hành HTX và trong liên kết chuỗi giá trị nông sản thích ứng với BĐKH và truy xuất nguồn gốc...

Ứng phó với BĐKH, tỉnh triển khai hỗ trợ các HTX thực hiện các mô hình, bước đầu mang lại hiệu quả. Mô hình trình diễn sản xuất lúa phát triển vùng nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long tại HTX Dịch vụ nông nghiệp An Thành (xã Phú Thành A, huyện Tam Nông) áp dụng phương pháp sạ lúa theo cụm giảm lượng giống gieo sạ còn 80kg/ha (giảm 40kg/ha so với ruộng ngoài mô hình), sử dụng phân hữu cơ giúp giảm phát thải khí nhà kính.

Đồng thời, tỉnh còn xây dựng mô hình sản xuất xoài theo hướng hữu cơ tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất (xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình) và mô hình sản xuất mít theo tiêu chuẩn VietGAP tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Đốc Binh Kiều (xã Đốc Bình Kiều, huyện Tháp Mười) và tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới, xã Tịnh Thới, TP Cao Lãnh.

Đáng chú ý, thời gian qua, HTX Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng hiện đại, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất từ khâu làm đất, gieo sạ, bón phân, phun thuốc, thu hoạch. Đồng thời liên kết tiêu thụ sản phẩm với các công ty, doanh nghiệp nhằm giảm giá thành, tăng thu nhập, tạo sản phẩm an toàn phục vụ cho người tiêu dùng và xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao. Từ vụ hè thu năm 2023, HTX triển khai thực hiện mô hình ngập khô xen kẽ (AWD) đặt ống cảm biến theo dõi mực nước, khí thải carbon.

Bên cạnh đó, tỉnh còn hình thành mô hình sản xuất lúa hữu cơ tuần hoàn gắn với truy xuất nguồn gốc thực hiện tại HTX Phú Thọ (xã An Long, huyện Tam Nông) với quy mô 10ha/8 hộ; mô hình sản xuất lúa bền vững theo tiêu chuẩn SRP thực hiện tại 15 HTX trên địa bàn tỉnh. Triển khai tập huấn rộng rãi cho nông dân tham gia mô hình tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm phân hữu cơ cung cấp cây xoài, giúp nông dân chuyển đổi dần phân hóa học sang phân hữu cơ. Tỷ lệ áp dụng phân hữu cơ trong mô hình đạt từ 50% trở lên.

Thời gian qua, các mô hình giúp giảm được phân hóa học, giảm chi phí sản xuất, tăng giá trị của rơm, rạ và lợi nhuận cho nông dân trồng lúa trên đơn vị diện tích. Đồng thời góp phần giảm phát thải khí nhà kính, hạn chế ô nhiễm môi trường và tạo cơ hội cho lao động nông thôn tiếp cận thêm nghề mới như sản xuất nấm rơm ngoài trời, ủ phân hữu cơ truyền thống để tăng thêm thu nhập, tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Hiện tại, tỉnh ban hành nhiều chính sách về hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tổng kinh phí thực hiện là hơn 61,6 tỷ đồng, trong đó kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ trên 43,9 tỷ đồng, HTX đối ứng gần 17,7 tỷ đồng từ các nguồn kinh phí chương trình xây dựng nông thôn mới và vốn hỗ trợ đất trồng lúa... Trên địa bàn tỉnh hiện có 117 Tổ khuyến nông cộng đồng được thành lập với 1.353 thành viên thực hiện tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tư vấn hỗ trợ phát triển HTX, tổ hợp tác, tư vấn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, kết nối thị trường...

Y DU

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/nong-nghiep/de-hop-tac-xa-nong-nghiep-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau-128290.aspx
Zalo