Để hạn chế tai nạn giao thông trên cầu Phú Mỹ

Xét các vụ TNGT trên cầu Phú Mỹ, ta thấy đa phần xảy ra ở hướng dốc đổ từ quận 7 qua TP Thủ Đức.

Cầu Phú Mỹ dài 2.030 m, có độ tĩnh không so với mặt nước sông Sài Gòn là 45 m với độ dốc 4,5%. Độ dốc có hơi cao nhưng không vượt ngưỡng cho phép. Là cây cầu nối cung đường cửa ngõ phía đông TP.HCM vào các khu công nghiệp Cát Lái, cảng Cát Lái, về miền Tây Nam Bộ, do đó tình trạng phương tiện di chuyển trên cầu này rất đông, nhiều nhất là các loại xe tải và xe container, là điều dễ hiểu.

Cách đây khá lâu, tôi thường đi ô tô và thường xuyên bị kẹt xe ngay trên dốc cây cầu này. Tôi còn nhớ hồi đầu tháng 2-2017, chứng kiến vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng ngay dốc cầu, tôi đã viết bài phản ánh trên báo chí, với tựa đề “Hãy xóa dốc tử thần cho cầu Phú Mỹ”.

Ngay sau đó các cơ quan chức năng đã vào cuộc. Họ đã giải quyết những đề xuất hợp lý mà tôi cùng các bạn đọc khác đặt ra như giảm tốc độ tối đa từ 60 km/giờ xuống 40 km/giờ; nắn dốc đổ từ chân cầu xuống đường dẫn phía bờ quận 2 cho thẳng; vuốt nhựa đường hai đầu cầu để xe lưu thông êm thuận; đặt camera tăng cường giám sát các xe chạy quá tốc độ…

Từ sự khắc phục đó cộng với cầu vượt giao thông nút Mỹ Thủy được khai thông, tình trạng kẹt xe và TNGT nghiêm trọng qua cầu Phú Mỹ được giảm đi rất nhiều.

Tuy nhiên, vào chiều 8-8, vụ TNGT kinh hoàng lại xảy ra trên cầu Phú Mỹ. Dù không có người tử vong (tôi cho là nhờ may mắn) nhưng từ diễn biến vụ tai nạn và cảnh quan hiện trường để lại (ba xe bốc cháy, có hai xe bị cháy rụi; bốn xe khác bị hư hỏng nặng) cho thấy đó là một vụ TNGT rất khủng khiếp.

Làm sao để không còn những vụ TNGT tương tự xảy ra nữa là trách nhiệm của người trong cuộc, đó không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà còn là trách nhiệm của người cầm lái.

Vụ tai nạn nói trên được xác định nguyên nhân ban đầu là do xe mất thắng. Hiển nhiên, tình trạng mất thắng thường rơi vào các xe cũ. Xe cũ cộng với tài xế non tay nghề, xử lý tình huống kém, không biết hoặc lười chăm sóc xe chắc chắn sớm muộn gì cũng gây ra tai nạn. Cho nên tay nghề và kinh nghiệm, xử lý tình huống của tài xế là điều cần mổ xẻ để ngăn chặn tai nạn.

Giả sử như khi sắp qua cầu Phú Mỹ, tài xế lành nghề sẽ lưu tâm rằng đây là con dốc nguy hiểm nên cần phải hết sức cẩn thận. Để đảm bảo tốt nhất, thiết nghĩ các tài xế nên dừng lại ở nơi có thể và đạp thắng hết cỡ để thử các ống dẫn hơi, dẫn dầu còn chịu lực thắng tốt không. Lên dốc phải chậm mà chắc nên tài xế phải đi số thấp. Lên dốc số nào thì xuống dốc số đó. Nếu có xảy ra tình trạng mất thắng xe đang “ngậm” số thấp thì không đến mức “quét” sạch nhiều xe dưới dốc cầu như vậy.

Xét các vụ TNGT trên cầu Phú Mỹ, ta thấy đa phần xảy ra ở hướng dốc đổ từ quận 7 qua TP Thủ Đức. Có người cho đó là xác suất ngẫu nhiên nhưng theo quan sát của tôi thì đường dẫn lên cầu từ quận 7 qua TP Thủ Đức thường thoai thoải hơn nên tài xế chủ quan đi số cao và dễ đạp ga hơn. Với tốc độ cao, khi xe lên đến dốc cầu, đột ngột thấy tình hình giao thông phía trước cần đạp thắng thì “xòa” một phát. Vậy là cả cỗ xe đồ sộ lao ầm xuống dốc.

Cầu Phú Mỹ mỗi bên có hai làn xe cơ giới và một làn xe biệt lập dành cho xe máy. Theo tôi, nếu được thì nên bố trí làn xe du lịch, xe con chạy riêng biệt với loại xe tải nặng và xe container. Khi đó, nếu xảy ra tai nạn sẽ hạn chế được tổn thất sinh mạng hơn. Dễ thấy điều này trong vụ tai nạn chiều 8-8, khi xe tải đông lạnh mất thắng gây tai nạn, nếu không có xe con chạy phía trước thì sẽ húc vào đuôi xe container và sẽ bị khựng lại chứ không quét hàng loạt xe khác như diễn biến đã xảy ra.

Và để hạn chế việc tài xế cứ vô tư mát ga mà chạy, cơ quan chức năng nên đặt biển báo hạn chế tốc độ cho từng loại xe khác nhau. Cứ cách chừng 200 m hai bên chân cầu đặt một biển báo bằng đèn, báo tình trạng giao thông phía trước để tài xế biết mà điều khiển xe cho hợp lý.

TRẦN KIÊM HẠ

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-han-che-tai-nan-giao-thong-tren-cau-phu-my-post804561.html
Zalo