Để giao tiếp mượt mà và gần gũi hơn với ba mẹ, hãy bắt đầu từ việc lắng nghe

Giao tiếp với ba mẹ không chỉ là việc truyền đạt thông tin, mà còn là cách xây dựng một mối quan hệ ấm áp và bền chặt. Với sự lắng nghe, chia sẻ và tôn trọng, bạn có thể tạo ra một không gian yêu thương trong gia đình.

Giao tiếp với ba mẹ có thể là một hành trình thú vị và đầy ý nghĩa. Chỉ cần bạn thuộc nằm lòng những bí quyết này thì mọi cuộc nói chuyện với phụ huynh đều trở nên mượt mà và gần gũi hơn.

Lắng nghe kỹ

Khi ba mẹ nói chuyện hoặc chia sẻ với bạn điều gì đó, hãy lắng nghe không chỉ nội dung mà cả những cảm xúc ẩn chứa đằng sau câu chuyện. Điều này sẽ giúp bạn hiểu thông điệp của họ hơn, vì đôi khi những người ở thế hệ trước không biết cách nói ra chính xác điều mình muốn.

Hãy chú ý đến cảm xúc của ba mẹ hơn là nội dung mà họ đang nói.

Hãy chú ý đến cảm xúc của ba mẹ hơn là nội dung mà họ đang nói.

Với lại, hãy đặt những câu hỏi mở để khuyến khích ba mẹ chia sẻ nhiều hơn về suy nghĩ và cảm xúc của họ. Sau mỗi cuộc nói chuyện cởi mở, người lớn có thể nhận ra điều họ thật sự muốn và lần sau sẽ nói ra được một cách rõ ràng hơn.

Sử dụng ngôn ngữ tích cực

Thay vì đối đầu với phụ huynh khi họ góp ý hoặc chỉ trích cách sống của bạn, hãy chọn những từ ngữ ấm áp và tích cực để đáp lại. Một lời nói bày tỏ lòng biết ơn có thể xua tan mọi căng thẳng. Ví dụ nếu ba mẹ thường có ý kiến và hay than phiền về cách bạn quản lý thời gian, bạn có thể nói: "Con rất trân trọng những lời khuyên của ba mẹ. Và con muốn ba mẹ hiểu rằng con sẽ làm tốt hơn với cách sắp xếp riêng của mình”.

Thay vì đối đầu với phụ huynh, hãy chọn những từ ngữ ấm áp và tích cực để đáp lại.

Thay vì đối đầu với phụ huynh, hãy chọn những từ ngữ ấm áp và tích cực để đáp lại.

Hãy hiểu rằng sự nhắc nhở phiền phức của phụ huynh luôn bắt nguồn từ tình thương và lo lắng, vì vậy đừng ngần ngại cảm ơn ba mẹ đã quan tâm đến bạn. Một lời cảm ơn đơn giản có thể làm ấm lòng và khiến họ yên tâm hơn.

Chọn thời điểm thích hợp để nói chuyện

Tránh nói chuyện với ba mẹ vào những thời điểm bạn hoặc họ đang căng thẳng.

Tránh nói chuyện với ba mẹ vào những thời điểm bạn hoặc họ đang căng thẳng.

Tìm một khoảng thời gian mà cả bạn lẫn ba mẹ đều không bị áp lực để trò chuyện, thời điểm hoàn hảo sẽ mang đến những giây phút bình yên và cuộc trò chuyện cũng diễn ra mượt mà hơn. Đừng bắt đầu những cuộc thảo luận quan trọng vào những lúc một trong hai đang bận rộn hoặc lo lắng.

Chia sẻ cảm xúc thật của bạn

Hãy cho ba mẹ cơ hội được giúp đỡ và làm chỗ dựa cho bạn bằng cách chia sẻ những cảm xúc thật của bản thân.

Hãy cho ba mẹ cơ hội được giúp đỡ và làm chỗ dựa cho bạn bằng cách chia sẻ những cảm xúc thật của bản thân.

Thành thật với cảm xúc là bí quyết vàng trong mọi cuộc giao tiếp. Hãy mở lòng chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ của bạn với ba mẹ. Sự chân thành sẽ tạo ra kết nối sâu sắc hơn giữa ba mẹ và con cái. Ví dụ khi bạn cảm thấy áp lực trong việc học, thay vì giữ im lặng, hãy nói: "Con cảm thấy hơi áp lực với bài kiểm tra sắp tới. Con muốn nói chuyện với ba mẹ để tìm cách giải quyết tốt hơn."

Tôn trọng ý kiến khác biệt

Hãy tìm cách thảo luận để tìm ra giải pháp thay vì tranh cãi. Điều này giúp duy trì bầu không khí hòa thuận trong gia đình của bạn.

Hãy tìm cách thảo luận để tìm ra giải pháp thay vì tranh cãi. Điều này giúp duy trì bầu không khí hòa thuận trong gia đình của bạn.

Hãy chấp nhận một sự thật rằng ba mẹ có thể có quan điểm khác với mình. Đó là điều tự nhiên trong một gia đình và đừng để nó trở thành rào cản ngăn cách ba mẹ và con cái. Nếu ba mẹ không đồng ý với lựa chọn nghề nghiệp của bạn, thay vì tranh cãi, hãy nói: "Con hiểu ba mẹ lo lắng cho tương lai của con. Con muốn nghe thêm về những điều ba mẹ nghĩ trước, rồi con sẽ chia sẻ lý do tại sao con chọn con đường này."

Ái Phương

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/de-giao-tiep-muot-ma-va-gan-gui-hon-voi-ba-me-hay-bat-dau-tu-viec-lang-nghe-post1671262.tpo
Zalo