Để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên
HNN - Một trong những nhiệm vụ lớn đặt ra là xây dựng các cơ sở y tế làm vệ tinh cho Trung tâm Y tế chuyên miền Trung tại Huế là Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế, nhằm mục tiêu giảm tải cho đơn vị chủ công, giữ chân người tài, tăng hiệu suất công việc...

Bệnh nhân đến khám tại Trung tâm Y tế huyện Phú Vang. Ảnh: M. Trí
Quá tải ở Trung tâm Ung bướu, Trung tâm Tim mạch, Trung tâm Chấn thương - Chỉnh hình và vài đơn vị khác thuộc BVTW Huế là chuyện dễ hiểu vì đó là các đơn vị kỹ thuật cao, vượt tầm của các BV huyện và khu vực và dù BVTW Huế đã chính thức có cơ sở 2 nguyên là BV đa khoa tỉnh ở phía Bắc do Chính phủ Hàn Quốc xây dựng hơn 10 năm trước.
Nhưng quá tải ở Khoa khám bệnh, nơi tôi từng được vinh dự công tác tại đó gần 10 năm thì rất dễ giải thích nhưng rất khó để “thông cảm”. Lý do là bệnh nhân ở nhiều nơi trong TP. Huế và các tỉnh xung quanh hầu như cứ đổ dồn về nơi này để khám “cho chắc” như ý kiến của nhiều bệnh nhân. Đáng mừng, một phần là uy tín thực sự của Khoa khám bệnh đối với nhiều người bệnh ở miền Trung. Đáng lo là mỗi ngày, các bác sĩ và điều dưỡng tại khoa phải làm việc hết công sức (chưa nói đến chữ tận tâm) mới giải quyết hết lượt khám và kê đơn cấp thuốc bảo hiểm y tế (BHYT) hoặc mua ngoài nếu người bệnh có BHYT nhưng nơi đăng ký khám bệnh ban đầu không phải là BVTW Huế và bệnh nhân không có giấy chuyển viện theo quy định.
Bản thân tôi từng khám bệnh nên hiểu cái nạn “đau tai” khi đeo ống nghe, nạn “khản cổ” khi phải giải thích tình trạng bệnh và yêu cầu chẩn đoán, điều trị cho người bệnh nghe hiểu để hợp tác điều trị… của các bác sĩ, nhân viên điều dưỡng ở khoa này. Không lạ khi có nhiều cán bộ hưu trí tại TP. Huế cũ được đăng ký khám BHYT ban đầu tại nơi này đã từng phàn nàn: "Có khám chi mô! Cứ hỏi vài câu, xem kết quả xét nghiệm rồi dòm đơn thuốc cũ… rồi dòm xem thuốc BHYT hiện có cái gì để kê đơn. Hết!". Nghe mà thấy nhột, dù sao mình cũng từng công tác tại đó, hiểu quá rõ vì sao.
Chính vì vậy, rất muốn nhưng khó để cảm thông với nỗi khổ của lãnh đạo ngành y tế ở các tỉnh, thành mà người bệnh có hoặc không có thẻ BHYT, có hoặc không có giấy chuyển viện cứ đổ xô về đây để khám, mà trước hết là Sở Y tế TP. Huế về việc tổ chức và xây dựng các bệnh viện khu vực hoặc cấp tỉnh, huyện, nơi gần người bệnh nhất. Đặc biệt là sắp tới ngày 1/7/2025, người bệnh được quyền đi khám thông tuyến. Khi đó, Khoa khám bệnh sẽ gặp tình trạng chật cứng người đến khám bệnh ngoại trú.
Chưa đến ngày 1/7/2025, nhưng hôm 11/4/2025, hai vợ chồng tôi đến khám định kỳ đã chịu nỗi khổ quá tải. Tôi phải dậy từ 5 giờ sáng để chạy xe qua lấy số thứ tự khám bệnh, vậy mà phải cầm cái giấy khám bệnh tổng quát mang số 16 và 19, để rồi chạy xe về chợ Tây Linh chở vợ qua, ngồi chờ theo thứ tự được gọi. Sau khi có kết quả xét nghiệm, 9h30 tôi đến quầy phát thuốc. Người chờ ngồi kín mít, ước chừng gần 200 người... Tôi kiên nhẫn ngồi chờ, đến gần 11 giờ mới nhận được thuốc.
Ra chỗ gửi xe lại gặp cái khổ nạn lấy xe ra vì nhà xe chật kín xe gửi. Thật sự lo cho cái ngày người bệnh được đi khám bệnh thông tuyến, bác sĩ và nhân viên khoa khám bệnh và trước hết là đông đảo người bệnh ở xa đến sẽ khổ vì chen chúc, chờ đợi.
Báo chí lâu nay có bài viết khen ngợi về Trung tâm Y tế huyện Phú Vang và dư luận cũng đánh giá cao về BV Mắt, BV Y học cổ truyền TP. Huế. Thực tế, nhiều người bệnh cần mổ mắt cũng thường đến BV Mắt; người bệnh đau xương khớp hoặc các bệnh thời khí cũng hay đến khám và nằm viện tại BV Y học cổ truyền TP. Huế. Nhờ đó, đã góp phần giảm tải cho Trung tâm Mắt, Khoa Y học cổ truyền và một số khoa khác của BVTW Huế hoặc BV Trường Đại học Y dược Huế. Còn một vài BV chuyên khoa khác, thú thật tôi từng nghe nhiều lời phàn nàn...
Chuyện nhiều người bệnh không tin vào trình độ tuyến dưới nên cứ dồn lên tuyến trên gây quá tải, nhất là ở BVTW Huế là một thực tế. Vì vậy, việc nâng cấp đầu tư nhân lực, vật lực cho tuyến dưới, tạo niềm tin cho người bệnh là hết sức cần thiết.