Để giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả - Bài 1: Hàng loạt khó khăn khiến giải ngân bị vướng

Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công tại nhiều địa phương còn rất thấp so với kế hoạch năm 2024, gây khó khăn lớn cho giai đoạn cuối năm.

LTS: Đầu tư công và việc giải ngân vốn đầu tư công được xem là động lực phát triển kinh tế của đất nước nói chung và của từng địa phương nói riêng. Tuy nhiên,theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến hết tháng 7, giải ngân vốn đầu tư công cả nước mới đạt hơn 32%. Để đạt được con số 95% như mong muốn của Chính phủ đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, từng bộ ngành, địa phương, của mỗi cán bộ thực thi. Việc nhận diện những khó khăn, vướng mắc, tìm ra mô hình, cách thức và giải pháp để đẩy nhanh vốn đầu tư công là nhiệm vụ cấp thiết khi thời điểm cuối năm đã gần kề.

Qua bảy tháng năm nay, tỉ lệ giải ngân cả nước đạt 32,22% (gần là 232.100 tỉ đồng) thấp hơn bảy tháng cùng kỳ năm ngoái. Thời điểm này năm 2023, tỉ lệ giải ngân đạt 35,45%. Hàng loạt khó khăn đã được nêu ra và các địa phương đang ráo riết tìm phương án giải quyết.

Vật liệu, giải phóng mặt bằng làm chậm giải ngân

Đơn cử như tại TP Đà Nẵng, các công trình động lực, trọng điểm vẫn tồn tại bài toán nan giải về giải phóng mặt bằng và thiếu vật liệu san lấp. Đây là hai vấn đề lớn làm chậm tiến độ thực hiện dự án, ảnh hưởng đến cả quá trình giải ngân vốn đầu tư công.

 Dự án đường ven biển nối cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng là dự án đầu tư công. Ảnh Tấn Việt

Dự án đường ven biển nối cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng là dự án đầu tư công. Ảnh Tấn Việt

Cụ thể, dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung tại quận Liên Chiểu có tổng mức đầu tư 3.400 tỉ đồng. Dự án khởi công ngày 14-12-2022, dự kiến hoàn thành ngày 28-11-2025, tiến độ đến nay đạt khoảng 52,3%.

Theo ông Lê Thanh Quang, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng (đơn vị điều hành), khó khăn chủ yếu hiện nay là nguồn vật liệu đá hộc và đất đắp khan hiếm.

Mặc dù lãnh đạo TP đã có chủ trương nâng cấp trữ lượng, mở rộng, tăng công suất các mỏ khai thác từ ngày 20-2-2023 nhưng đến nay công suất khai thác vẫn giữ nguyên, không đáp ứng được nhu cầu cho dự án cũng như các công trình trọng điểm khác.

Để chủ động nguồn vật liệu, BQLDA đã cùng với liên danh nhà thầu tìm kiếm nguồn đá từ các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế nhưng cũng gặp nhiều vướng mắc nên bất khả thi. “Giá vật liệu hiện nay biến động rất lớn so với thời điểm ký kết hợp đồng, ảnh hưởng lớn đến công tác triển khai thi công” - ông Quang nói.

Cạnh đó, dự án đường ven biển nối cảng Liên Chiểu cũng do BQLDA này điều hành có tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỉ đồng, khởi công ngày 8-9-2023, dự kiến hoàn thành ngày 31-12-2025. Tiến độ dự án đến thời điểm này đạt khoảng 26,78%.

 Giá vật liệu hiện nay biến động rất lớn so với thời điểm ký kết hợp đồng, ảnh hưởng lớn đến công tác triển khai thi công. Ảnh Tấn Việt

Giá vật liệu hiện nay biến động rất lớn so với thời điểm ký kết hợp đồng, ảnh hưởng lớn đến công tác triển khai thi công. Ảnh Tấn Việt

Vướng mắc tại dự án này là vấn đề giải phóng mặt bằng. BQLDA đã tích cực phối hợp với Hội đồng Giải phóng mặt bằng quận Liên Chiểu, UBND phường Hòa Hiệp Bắc và các đơn vị liên quan đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng cho công trình. Đến nay đã di dời 287/291 ngôi mộ, đạt 98,6%. Có 207/255 hồ sơ đã nhận tiền và bàn giao mặt bằng, đạt 81,2%.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân do xây nhà trên đất nông nghiệp, không được đền bù bằng đất ở nên chưa đồng thuận di dời. Đây cũng là vướng mắc chung trong công tác giải phóng mặt bằng tại một số dự án khác trên địa bàn Đà Nẵng.

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra tại TP Cần Thơ. UBND TP Cần Thơ đánh giá kết quả giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công những tháng đầu năm 2024 dù có tăng so với các năm trước về giá trị nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. TP phải điều chỉnh, điều chuyển vốn so với kế hoạch đầu năm.

Theo Sở KH&ĐT TP Cần Thơ, tính đến ngày 19-7, số vốn đã giải ngân là 3.314,994 tỉ đồng, đạt 36,54% kế hoạch vốn được HĐND TP giao chi tiết và đạt 31,67% kế hoạch Thủ tướng giao. UBND TP cho biết nguyên nhân khách quan chủ yếu hiện nay là công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gặp khó khăn, người dân vẫn còn khiếu nại về giá và chính sách hỗ trợ. Ngoài ra, khan hiếm nguyên vật liệu cát để san lấp, đắp nền đường đối với các công trình lớn cũng là một khó khăn của địa phương.

Bên cạnh đó, còn một số nguyên nhân chủ quan chậm được khắc phục. Trong đó đáng kể nhất là công tác khảo sát, thu thập số liệu để lập chủ trương đầu tư, dự án đầu tư chưa chuẩn xác, đặc biệt là việc khái toán kinh phí hỗ trợ, bồi thường và tái định cư còn thấp so với giá thị trường. Việc này dẫn đến khi triển khai thực hiện rất nhiều dự án có kinh phí bồi thường thực tế tăng rất nhiều so với kế hoạch ban đầu, làm vượt tổng mức đầu tư được duyệt.

TP.HCM nêu ra 4 khó khăn lớn

Qua bảy tháng đầu năm 2024, TP.HCM giải ngân được gần 11.900 tỉ đồng vốn đầu tư công, đạt gần 15%. Để mục tiêu cả năm đạt 95%, lượng vốn cần giải ngân còn đến hơn 63.000 tỉ đồng.

 Bảy tháng đầu năm 2024, TP.HCM giải ngân được gần 11.900 tỉ đồng vốn đầu tư công, đạt gần 15%. Ảnh NGUYỄN TIẾN

Bảy tháng đầu năm 2024, TP.HCM giải ngân được gần 11.900 tỉ đồng vốn đầu tư công, đạt gần 15%. Ảnh NGUYỄN TIẾN

“Năm nay, Ban Giao thông được giao giải ngân 12.380 tỉ đồng, kế hoạch đến quý II giải ngân 25% tức khoảng 3.000 tỉ đồng. Thế nhưng trên thực tế chúng tôi mới giải ngân được 1.800 tỉ đồng cho cả hai quý” - ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.

Theo ông Phúc, sở dĩ không đạt giải ngân con số 3.000 tỉ trong hai quý đầu (còn thiếu 1.200 tỉ đồng) vì khoảng 370 tỉ đồng giải phóng mặt bằng của dự án đường Trần Quốc Hoàn (quận Tân Bình) chi trả cho 67 hộ dân khoảng cuối tháng 8 mới hoàn thành). 230 tỉ đồng nằm trong dự án ODA môi trường nước gần như đã hoàn thành, chủ yếu còn thủ tục thanh toán, dự kiến sẽ làm xong trong quý III). 600 tỉ đồng còn lại rơi vào các gói thầu xây lắp, đặc biệt nằm trong dự án vành đai 3.

 600 tỉ đồng vốn đầu tư công còn lại rơi vào các gói thầu xây lắp, đặc biệt nằm trong dự án vành đai 3. Ảnh HOÀNG GIANG

600 tỉ đồng vốn đầu tư công còn lại rơi vào các gói thầu xây lắp, đặc biệt nằm trong dự án vành đai 3. Ảnh HOÀNG GIANG

Theo báo cáo mới nhất của UBND TP.HCM hồi cuối tháng 7, TP hiện đang gặp bốn khó khăn trong công tác giải ngân vốn đầu tư công. Thứ nhất là chậm giải ngân do áp dụng quy định của pháp luật làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Cụ thể, liên quan công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các dự án trong năm 2024,TP xác định vốn giải ngân là rất lớn (hơn 22.000 tỉ đồng). Theo kế hoạch từ đầu năm, TP dự kiến hoàn tất thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng và giải ngân kế hoạch vốn trong quý II.

Tuy nhiên, Luật Đất đai 2024 được điều chỉnh thời gian có hiệu lực từ 1-8-2024 với nhiều điều chỉnh cách tính giá, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hướng có lợi hơn cho người dân. Do đó, để đảm bảo quyền lợi của người dân, hạn chế việc khiếu kiện, khiếu nại phát sinh, TP đã triển khai xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của luật mới. Do đó, việc giải ngân còn chậm so với kế hoạch ban đầu.

Thứ hai, liên quan công tác lựa chọn nhà thầu, trong các tháng đầu năm, Luật Đấu thầu 2023 có hiệu lực (1-1-2024) và sau đó đến cuối tháng 4, các văn bản hướng dẫn mới được ban hành. Điều này phần nào đã kéo dài thời gian lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án và thời gian thực hiện các bước sau đó.

Thứ ba, trên thực tế TP có một số dự án cấp bách, cần triển khai đầu tư ngay nhưng trong quá trình thực hiện gặp vướng mắc do phát sinh thủ tục điều chỉnh quy hoạch cục bộ. Việc thực hiện thủ tục này phải đảm bảo các mốc thời gian theo quy định (như thời gian niêm yết, thời gian lấy ý kiến cộng động dân cư...) chưa đáp ứng được tiến độ và yêu cầu về đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

 Dự án metro 1 Bến Thành – Suối Tiên kế hoạch giải ngân hơn 3.700 tỉ đồng. Ảnh ĐT

Dự án metro 1 Bến Thành – Suối Tiên kế hoạch giải ngân hơn 3.700 tỉ đồng. Ảnh ĐT

Một số dự án có vốn đầu tư phải giải ngân lớn đang trong quá trình phối hợp với các bộ, ngành trung ương để tháo gỡ vướng mắc nên chưa thể giải ngân. Trong đó có dự án chống ngập do triều 10.000 tỉ đồng với kế hoạch giải ngân 6.800 tỉ đồng; dự án metro 1 Bến Thành – Suối Tiên kế hoạch giải ngân hơn 3.700 tỉ đồng...

Cuối cùng là tình trạng thiếu đất, cát đắp nền ảnh hướng tới tiến độ thực hiện và giải ngân nhiều dự án. Nguyên nhân là do quy trình, thủ tục cấp phép khai thác đất, cát làm vật liệu san lấp có thời gian dài và quá trình khai thác phát sinh các khó khăn, vướng mắc.

Các khó khăn có thể kể đến như điểm mỏ được cấp phép có cự ly vận chuyển không phù hợp với chi phí đầu tư của dự án, hoạt động khai thác phụ thuộc vào thời tiết nên khối lượng không ổn định, không đảm bảo tính liên tục theo tiến độ dự án.

Tiến độ giải ngân dự kiến của TP.HCM đến tháng 1-2015

Theo báo cáo tháng 8 của UBND TP.HCM, trong các tháng tiếp theo dự kiến số giải ngân theo từng tháng ở TP.HCM tháng 8 là 16.200 tỉ đồng (nâng tỉ lệ giải ngân lên 20,4% kế hoạch năm), tháng 9 là 21.300 tỉ đồng (26,9%), tháng 10 là 30.400 tỉ đồng (38,4%), tháng 11 là 35.700 tỉ đồng (45,1%), tháng 12 là 68.000 tỉ đồng (85,9%). Đến tháng 1-2025 sẽ giải ngân 74.900 tỉ đồng (94,6%).

NHÓM PV

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-giai-ngan-von-dau-tu-cong-hieu-qua-bai-1-hang-loat-kho-khan-khien-giai-ngan-bi-vuong-post806564.html
Zalo