Để du lịch làng nghề 'cất cánh'

Xung quanh câu chuyện phát triển du lịch làng nghề, phóng viên (PV) Báo Thanh Hóa cuối tuần đã có trao đổi với các ông, bà: Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Lê Anh - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm và TMDV Lê Gia; Nguyễn Hồng Dương, Phó Chủ tịch Hội Du lịch lữ hành TP Thanh Hóa, Giám đốc Công ty Du lịch quốc tế Tây Nguyên.

Bà Vương Thị Hải Yến: Người dân cần nhìn thấy được hiệu quả thiết thực của du lịch làng nghề

PV: Thanh Hóa có nhiều tiềm năng, thế mạnh cho phát triển du lịch làng nghề. Tỉnh và ngành chuyên môn cũng có những hành động để thúc đẩy du lịch gắn với phát triển làng nghề. Tuy nhiên, hiệu quả thực tế chưa như kỳ vọng. Những vấn đề nào đang được đặt ra với câu chuyện phát triển du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, thưa bà?

PV: Thanh Hóa có nhiều tiềm năng, thế mạnh cho phát triển du lịch làng nghề. Tỉnh và ngành chuyên môn cũng có những hành động để thúc đẩy du lịch gắn với phát triển làng nghề. Tuy nhiên, hiệu quả thực tế chưa như kỳ vọng. Những vấn đề nào đang được đặt ra với câu chuyện phát triển du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, thưa bà?

Bà Vương Thị Hải Yến:

Dù chưa đạt được kết quả như kỳ vọng, song phải khẳng định, du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận được những tín hiệu tích cực ban đầu. Một số làng nghề đã thực sự được “định vị” trong lòng du khách.

Tuy nhiên bên cạnh đó, thẳng thắn nhìn nhận, câu chuyện phát triển du lịch làng nghề của chúng ta cũng đang đặt ra không ít vấn đề. Như một bộ phận người dân (các nghề, làng nghề truyền thống) chưa thấy được hiệu quả trong đầu tư, khai thác giá trị sản xuất gắn kết với du lịch, chưa xem đây là một hoạt động có thể khai thác để mang lại nguồn thu vì thế mà chưa có sự mạnh dạn đầu tư, cách làm hiệu quả.

Các làng nghề chưa đi sâu nghiên cứu, sáng tạo dòng sản phẩm quà tặng du lịch, hoặc có nhưng đơn điệu về chủng loại, mẫu mã thiếu tính độc đáo, chưa có sản phẩm truyền thống đặc trưng, chưa chú trọng xây dựng không gian trình diễn nghề và trưng bày sản phẩm phù hợp để thu hút du khách đến tham quan.

Hoạt động sản xuất làng nghề chủ yếu ở quy mô hộ gia đình, liên kết trong sản xuất giữa các hộ chưa chặt chẽ. Cùng với đó, sự hợp tác, kết nối giữa các làng nghề, điểm đến với các doanh nghiệp lữ hành chưa thực sự thường xuyên, hiệu quả. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực có kỹ năng quản lý, điều hành các cơ sở làng nghề cũng còn thiếu và yếu...

PV: Để thúc đẩy du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh phát triển, tạo nên những sản phẩm du lịch thật sự hấp dẫn du khách, trước mắt và lâu dài, cần chú trọng đến những vấn đề gì, thưa bà?

Bà Vương Thị Hải Yến:

Trước mắt, cần tập trung nguồn lực triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, đề án, chương trình có liên quan đến du lịch làng nghề; quy hoạch, đầu tư phát triển du lịch làng nghề theo thế mạnh của từng vùng, từng địa phương.

Từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch làng nghề, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cũng như kiến thức nghiệp vụ cho những người quản lý, kinh doanh, lao động du lịch làng nghề, đặc biệt là với những người am hiểu kiến thức làng nghề. Viêc đa dạng hóa sản phẩm lưu niệm cho du khách, phát triển các cửa hàng bán đồ lưu niệm tại các làng nghề; hỗ trợ hình thành các xưởng, khu sản xuất, trưng bày đủ điều kiện làm điểm du lịch để đưa du khách đến với làng nghề.

Tăng cường phát huy hơn nữa vai trò của các công ty lữ hành trong việc kết nối đưa khách đến các điểm tham quan, lưu trú, mua sắm sản phẩm, chia sẻ hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia. Và dĩ nhiên, không thể thiếu đi hoạt động truyền thông quảng bá sản phẩm du lịch làng nghề thông qua nhiều kênh khác nhau.

Ông Lê Anh: Mỗi người dân, doanh nghiệp làng nghề cần có niềm tự hào và khát vọng

PV: Điều gì khiến ông quyết định đầu tư để du khách đến tham quan, trải nghiệm tại nhà thùng mắm Lê Gia?

PV: Điều gì khiến ông quyết định đầu tư để du khách đến tham quan, trải nghiệm tại nhà thùng mắm Lê Gia?

Ông Lê Anh:

Từ thực tế, tôi nhận thấy việc kết hợp cho du khách tham quan, trải nghiệm ngay tại nơi sản xuất có thể xem là “con đường” nhanh nhất để giới thiệu, quảng bá, gia tăng chuỗi giá trị cho sản phẩm.

Chúng tôi muốn thông qua hoạt động tham quan, trải nghiệm quy trình làm ra sản phẩm tại nhà máy để lan tỏa một hình ảnh xứ Thanh văn minh, trù phú, an lành.

Thực ra mô hình sản xuất tại các làng nghề gắn với du lịch, trải nghiệm đã được nhiều doanh nghiệp trên thế giới áp dụng, gần chúng ta nhất là người Thái Lan và Trung Quốc, họ làm rất giỏi, bán hàng rất tốt. Ngay cả trong nước, ở nhiều địa phương khác thì mô hình này cũng đã được áp dụng, mang lại hiệu quả khả quan, đó là một hoạt động mang lại đa giá trị. Không chỉ giúp doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu, bán hàng tốt hơn; giúp cho du khách có trải nghiệm thú vị, tin tưởng vào sản phẩm mình mua, sử dụng và đa dạng hóa sản phẩm cho du lịch địa phương.

Sau sản xuất thì mở cửa đón khách tham quan, trải nghiệm và mua sắm là một trong những bước đầu tiên trong khát vọng của Lê Gia - khát vọng cùng với quê hương đẹp lên, đưa nông sản xứ Thanh vươn tầm thế giới. Chúng tôi kỳ vọng với sự phát triển của du lịch biển Thanh Hóa nói chung, Hoằng Hóa nói riêng, sắp tới có thể mở rộng thêm những hoạt động cho du khách như ẩm thực, trải nghiệm một ngày làm ngư dân, khám phá không gian văn hóa, lịch sử địa phương...

PV: Là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc làm du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh, ông có chia sẻ gì về những điều mình đã trải qua?

Ông Lê Anh:

Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong XDNTM giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, để chương trình có thể đạt được hiệu quả trong thực tế cần nhiều yếu tố. Nếu như cơ quan quản lý Nhà nước tạo ra “sân chơi” thì biến được sân chơi ấy thành kết quả hiện thực lại đòi hỏi từng người dân, doanh nghiệp, từng hiệp hội làng nghề phải thực sự vào cuộc.

Bên cạnh đó, cũng cần sự khuyến khích, hỗ trợ thiết thực của chính quyền và các cấp ngành liên quan - nhằm tạo động lực cho người làm nghề, doanh nghiệp cố gắng. Với riêng Lê Gia, trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp chúng tôi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ thiết thực cho những hoạt động của mình.

Gắn làng nghề với phát triển du lịch, để làng nghề trở thành điểm đến hấp dẫn cũng cần đến sự đầu tư, cách làm bài bản, dài hơi, bền bỉ và tận tâm, không có chỗ cho sự “ăn xổi”. Dù là với cộng đồng làm nghề hay một vài cá nhân, doanh nghiệp đi đầu.

Đừng chỉ nhìn ở việc đơn thuần là chúng ta có thể bán sản phẩm nhiều hơn. Mà ở đó, còn là việc “bán” cả câu chuyện sản phẩm, lan tỏa những tâm huyết, yếu tố văn hóa bản địa đặc sắc... Dĩ nhiên, để tạo nên thành công, nhất là đối với hoạt động dịch vụ, du lịch thì cần có sự dụng tâm, sáng tạo.

Và để tạo nên tất cả những điều đó, tôi cho rằng, trước hết bản thân mỗi người làm nghề, mỗi doanh nghiệp cần có lòng tự hào và khát vọng. Tự hào với sản phẩm truyền thống và khát vọng vươn tầm sản phẩm.

Ông Nguyễn Hồng Dương: Cần có sự “bắt tay” giữa các bên

PV: Là một doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, ông nhìn nhận như thế nào về câu chuyện phát triển “sản phẩm” du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh, thưa ông?

PV: Là một doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, ông nhìn nhận như thế nào về câu chuyện phát triển “sản phẩm” du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh, thưa ông?

Ông Nguyễn Hồng Dương:

Trong sự phát triển của du lịch hiện nay, các làng nghề truyền thống cũng được xem là “sản phẩm” du lịch để khai thác. Thanh Hóa có nhiều làng nghề lâu đời và nổi tiếng, như làng nghề đúc đồng Trà Đông; nghề mây tre đan Hoằng Thịnh; chiếu cói Nga Sơn... Du lịch làng nghề của Thanh Hóa đang có rất nhiều dư địa để phát triển, nếu được khai thác đúng cách.

Đưa du khách đến tham quan, trải nghiệm, khám phá, tìm hiểu làng nghề là điều không khó, nhưng làm thế nào để tạo ra những điểm mua sắm sản phẩm làng nghề với quy mô lớn, chuyên nghiệp, được đầu tư bài bản, để du khách thực sự thoải mái và vui vẻ khi “xuống tiền” mua sản phẩm lại là điều không dễ. Thật khó để người dân làng nghề vừa có thể làm sản phẩm giỏi, vừa có thể bán hàng tốt.

Tôi cho rằng, sau khi đưa du khách đi trải nghiệm, khám phá làng nghề thì cần có những địa điểm để du khách mua sắm sản phẩm làng nghề một cách đúng nghĩa. Đây không phải là câu chuyện chỉ của người dân làm nghề, mà là vấn đề với những người làm thương mại. Không ai khác, chính các nhà làm thương mại phải nhìn ra tiềm năng, thế mạnh của sản phẩm làng nghề truyền thống, sau đó xây dựng nên những khu vực, trung tâm mua sắm khang trang, đàng hoàng.

Với góc nhìn của một doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, tôi cho rằng để du lịch làng nghề xứ Thanh có thể “cất cánh”, rất cần có sự “bắt tay” giữa các bên. Là các nhà quản lý, cơ quan chuyên môn - người dân làng nghề - doanh nghiệp làm thương mại chuyên nghiệp và cả các doanh nghiệp lữ hành. Nếu thiếu một trong số đó, thì du lịch làng nghề sẽ rất khó để phát triển.

Thu Trang (thực hiện)

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/de-du-lich-lang-nghe-cat-canh-32180.htm
Zalo