Để du lịch Đồng Hỷ phát triển tương xứng tiềm năng

Đồng Hỷ là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, với 13 di tích đã được xếp hạng, 6 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; có trên 50 nghìn người dân tộc thiểu số sinh sống. Cùng với đó, trên địa bàn huyện có gần 4.000ha chè, 43 làng nghề, trên 70 hợp tác xã... Đây là tiềm năng, lợi thế để huyện khai thác, phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch trải nghiệm lịch sử văn hóa, nông nghiệp, nông thôn.

Lễ hội xuân và các ngày hội văn hóa dân tộc được huyện Đồng Hỷ tổ chức hằng năm nhằm góp phần thu hút du khách.

Lễ hội xuân và các ngày hội văn hóa dân tộc được huyện Đồng Hỷ tổ chức hằng năm nhằm góp phần thu hút du khách.

Đa dạng tài nguyên du lịch

Được biết đến là vùng đất "sơn thủy hữu tình", Đồng Hỷ sở hữu nhiều hang động đẹp, như: Hang Leo (thị trấn Hóa Thượng), hang Mè Làng (xã Hóa Trung), Hang Dơi (xã Quang Sơn), Hang Le (xã Minh Lập). Đặc biệt, hang Chùa (xã Văn Lăng) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích thắng cảnh Quốc gia vào năm 2020. Những hang động này ngoài giá trị về danh lam còn có giá trị về mặt lịch sử - văn hóa.

Bên cạnh đó, trên địa bàn cũng có nhiều điểm du lịch mới được đầu tư như: Làng văn hóa truyền thống dân tộc Nùng, xóm Tân Đô (xã Hòa Bình); Dự án Khu du lịch sinh thái - văn hóa Đá Thiên (thị trấn Trại Cau) rộng trên 55ha, góp phần phát triển du lịch tâm linh, sinh thái khu vực phía Nam của huyện kết nối với di tích đình - đền - chùa Cầu Muối (Phú Bình).

Với 54,4% dân số là người dân tộc thiểu số (DTTS), đa phần là người Nùng, Sán Dìu, Dao, Mông..., trên địa bàn huyện có 6 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia (gồm: Hát Soọng cô, nghi lễ cấp sắc của người Sán Dìu; nghi lễ Hét Khoăn, Nghi lễ cấp sắc của người Nùng; Nghi lễ cấp sắc của người Dao; nghệ thuật khèn của người Mông), tạo nên một vùng quê giàu bản sắc văn hóa dân tộc, hấp dẫn du khách.

Du khách trải nghiệm tại xóm Bản Tèn, xã Văn Lăng.

Du khách trải nghiệm tại xóm Bản Tèn, xã Văn Lăng.

Vẫn còn rào cản

So với tiềm năng và lợi thế sẵn có, du lịch Đồng Hỷ vẫn chưa thực sự phát triển tương xứng bởi hạ tầng chưa đồng bộ, giao thông tại một số điểm du lịch còn khó khăn..., Đây là một trong những rào cản không nhỏ để phát triển các tour, tuyến du lịch.

Đơn cử như Điểm du lịch xóm Bản Tèn, xã Văn Lăng, nơi được nhiều du khách ví von giống như “Hà Giang thu nhỏ” với cảnh núi non hùng vĩ, những thửa ruộng bậc thang vàng rực màu lúa chín, những cây cọ cổ thụ, những ngôi nhà vách gỗ truyền thống của người Mông...

Trong 2 năm 2022-2023, Nhà nước đã đầu tư kinh phí nâng cấp trên 1km đường giao thông; xây mới 1 cây cầu bắc qua cánh đồng ruộng bậc thang với chiều dài 6m, rộng 2m, trọng tải cầu dưới 3 tấn; lắp biển chỉ dẫn du lịch Bản Tèn...

Theo Anh Vương Văn Chinh, Trưởng xóm Bản Tèn: Tuy cảnh quan đẹp hơn, đường đi lại đã bớt khó hơn trước, nhưng các dịch vụ cơ bản về ăn uống, lưu trú tại đây chưa được đầu tư nên khách đến tham quan chủ yếu là tự phát và theo nhóm nhỏ.

Không riêng tại Bản Tèn, trên địa bàn huyện Đồng Hỷ chưa có sản phẩm du lịch nào thực sự rõ nét, cơ sở vật chất, dịch vụ cũng chưa được đầu tư xứng tầm, còn thiếu và hạn chế so với nhiều địa phương khác trong tỉnh.

Thống kê sơ bộ của phòng chuyên môn, toàn huyện có khoảng 20 nhà hàng, chủ yếu phục vụ cho các sự kiện, hội nghị quy mô nhỏ; 11 cơ sở lưu trú và chưa có homestay nào được xây dựng. Năm 2023, có khoảng 9.000 lượt người; 9 tháng năm 2024 có khoảng 6.000 lượt đến tham quan trên địa bàn huyện. Chưa có thống kê về doanh thu từ các hoạt động du lịch.

Du lịch trải nghiệm tại các làng nghề chè gắn với khám phá văn hóa bản địa là một trong những lợi thế của huyện Đồng Hỷ.

Du lịch trải nghiệm tại các làng nghề chè gắn với khám phá văn hóa bản địa là một trong những lợi thế của huyện Đồng Hỷ.

Mở hướng khai thác

Tại nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, du lịch hiện là một trong những ngành kinh tế quan trọng, đóng góp lớn vào cơ cấu kinh tế. Với Đồng Hỷ, xác định rõ ý nghĩa, tầm quan trọng đó, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện khóa XXV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đặt ra một trong những đột phá là: "Hình thành và phát triển chuỗi các điểm du lịch sinh thái, hang động, văn hóa, tâm linh, di tích lịch sử gắn với phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn".

Năm 2021, HĐND huyện ban hành Nghị quyết số 57/NQ-HĐND thông qua Đề án “Bảo tồn, phát triển, phát huy giá trị di sản văn hóa, danh thắng, làng nghề và du lịch huyện giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2035”.

UBND huyện cũng đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030" trên địa bàn huyện.

Thời gian qua, huyện Đồng Hỷ đã chỉ đạo các phòng ban, đơn vị, địa phương cùng phối hợp với các sở, ngành triển khai các chương trình, dự án xây dựng hạ tầng du lịch đảm bảo đúng tiến độ; tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội dân tộc bản địa nhằm giới thiệu cảnh đẹp, tôn vinh giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc đến người dân và du khách; tích cực tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; đẩy mạnh thu hút nguồn lực đầu tư vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, làng nghề; mở các lớp tập huấn, truyền dạy, gìn giữ văn hóa dân tộc...

Tính riêng từ đầu năm đến nay, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch mở 1 lớp tập huấn kỹ năng phát triển du lịch cộng đồng; 2 lớp truyền dạy văn hóa chữ viết người Dao (Hợp Tiến); và thổi khèn Mông (xã Quang Sơn)...

Những chủ trương, kế hoạch và lộ trình đã được địa phương vạch ra, để khai thác hiệu quả và tạo sức bật cho du lịch Đồng Hỷ thì rất cần có thêm “đòn bẩy” mạnh mẽ hơn nữa. Không chỉ hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất, các dịch vụ cơ bản về lưu trú, ẩm thực mà cả công tác truyền thông, quảng bá, nâng cao nhận thức của người dân trong phát triển du lịch cũng cần được chú trọng...

Ngọc Ánh

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202411/de-du-lich-dong-hy-phat-trien-tuong-xung-tiem-nang-a28044f/
Zalo