Để doanh nghiệp khát vọng vươn mình
Theo thống kê, Việt Nam hiện có 930.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động cùng khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Khu vực DN, doanh nhân đang đóng góp khoảng 60% tổng sản phẩm nội địa (GDP) và 85% tổng số lao động. Trong đó có nhiều DN lớn mạnh, mang dấu ấn tiên phong, tạo thương hiệu toàn cầu, là những cánh chim đầu đàn trong đổi mới sáng tạo, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tại Bình Phước, lũy kế đến hết tháng 9-2024, toàn tỉnh có 12.446 DN với tổng vốn đăng ký hơn 204.800 tỷ đồng. Với sứ mệnh “là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế”, cộng đồng DN trong tỉnh luôn tích cực thi đua sản xuất - kinh doanh, đóng góp, cống hiến vì một Bình Phước năng động và phát triển. Theo báo cáo của Cục Thống kê Bình Phước, 9 tháng qua, tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh ước tăng 9,27% so với cùng kỳ năm 2023. Với cơ chế thuận lợi, các chính sách hỗ trợ cùng những tín hiệu vui từ nền kinh tế, DN Bình Phước đang có nhiều cơ hội khai thác tối đa tiềm năng, dư địa để vươn lên phát triển mạnh mẽ.
Minh chứng trên cho thấy, sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã tạo ra thế và lực mới: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đạt được thành quả to lớn này không thể tách rời quá trình lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đã phát huy sức mạnh toàn dân tộc và cộng đồng DN, đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.
Thực tiễn nêu trên còn cho thấy, việc hiện thực hóa mục tiêu “đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại” của Chính phủ đề ra trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng sẽ có nhiều thuận lợi. Bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ đã tạo nên làn sóng công nghệ mới làm thay đổi sâu sắc mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Đặc biệt, đất nước ta đang ngày càng hội nhập sâu, nền kinh tế có độ mở cao, thu hút đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng lớn. Những thành công bước đầu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã tạo nền tảng vững chắc cho các DN đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh và hội nhập.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì DN cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đó là dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, rào cản thương mại… tác động tới mọi lĩnh vực đời sống xã hội, nhất là quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi hầu hết DN Việt Nam, dù đã cải thiện rất lớn sau 40 năm đổi mới, nhưng vẫn còn non trẻ so với thế giới cũng như so với yêu cầu đưa nước ta vào nhóm nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại. Các DN quy mô lớn, có tầm ảnh hưởng, có năng lực dẫn dắt chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng còn ít. Mặc khác, môi trường kinh doanh, cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN mặc dù đã được các cấp, ngành quan tâm đổi mới nhưng vẫn còn khoảng cách không nhỏ so với các nền kinh tế phát triển cũng như nhu cầu phát triển của cộng đồng DN.
Để DN đứng vững trên thương trường, tự tin bước ra biển lớn, bắt kịp xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì yêu cầu tiên quyết là các cấp, ngành phải quan tâm tháo gỡ những “rào cản” còn tồn tại, chủ động triển khai các chủ trương, chính sách đổi mới sáng tạo. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ DN phục hồi, phát triển và không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Khi chính quyền đồng hành và tạo môi trường thuận lợi để cộng đồng DN phát triển sẽ tạo động lực cho DN khát khao vươn tới những giá trị đích thực, đóng góp cho cộng đồng, xã hội, chung tay kiến tạo, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.