Để Đề án 06 thành công hơn nữa trong ngành ngân hàng
Việc triển khai thành công Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) đã giúp ngành ngân hàng Việt Nam có thêm lá chắn mới bảo vệ tài sản của người dân, doanh nghiệp. Tiềm năng của Đề án 06 trong ngành ngân hàng là rất lớn và nếu tháo gỡ được những vướng mắc còn tồn tại, đây sẽ là dư địa phát triển đầy hứa hẹn trong tương lai của toàn ngành.
Theo các chuyên gia, dữ liệu dân cư có ý nghĩa rất quan trọng để xác thực, kết nối các dữ liệu, khai thác, phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu người dân chỉ khai báo thông tin một lần với cơ quan nhà nước trong thực hiện các thủ tục hành chính.
Thực hiện tốt điều này sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho đất nước, góp phần tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Với quan điểm lấy người dân làm trung tâm và tiện ích, Ngành Ngân hàng cần khai thác hiệu quả, an toàn dữ liệu dân cư, vốn được coi là “mỏ vàng” nhằm tạo ra bước tiến mới cho hoạt động chuyển đổi số.
Sau 2 năm thực hiện triển khai các nhiệm vụ thuộc đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã gặt hái nhiều thành quả, chứng minh năng lực cũng như vị thế của mình trong ngành tài chính, ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, Vietcombank cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Nhiều tiềm năng hứa hẹn
Từ quá trình triển khai, Vietcombank nhận thấy tính thuận tiện cho người dùng và ưu việt về công nghệ trong việc hợp tác định danh và xác thực thông tin khách hàng cá nhân, hình ảnh sinh trắc học khuôn mặt khách hàng thông qua kết nối trực tiếp giữa app ngân hàng và app VNeID của Bộ Công an. Vietcombank là ngân hàng đầu tiên ứng dụng giải pháp này, mang tới trải nghiệm liền mạch và hoàn toàn online đảm bảo các thông tin đối khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cập nhật nhất.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại những điểm có thể cải thiện trong giải pháp này để trải nghiệm người dùng được nâng cao hơn nữa. Theo đó, tuy tỷ lệ người dân, khách hàng có VNeID mức 2 đã phổ biến hơn, nhưng nhiều người vẫn chưa sử dụng VNeID thành thạo và thường xuyên, đặc biệt là nhóm người dùng cao tuổi, người ít sử dụng điện thoại thông minh. Việc người dùng ít sử dụng VNeID hoặc tài khoản chưa đạt định danh mức 2 khiến quá trình xác thực sinh trắc học vốn khách hàng có thể tự thực hiện nhanh chóng, thuận tiện lại phát sinh những khó khăn, khiến phần lớn nhóm người dùng này lại phải quay lại phương án xác thực sinh trắc học tại quầy, gây phiền hà cho người dân và tăng khối lượng công việc phải xử lý cho giao dịch viên ngân hàng.
Bên cạnh đó, Vietcombank cũng nhận thấy tiềm năng ứng dụng của VNeID là rất lớn. Mặc dù dịch vụ xác thực hiện nay rất hiệu quả, nhưng chưa được công nhận tương đương với chữ ký số trong Luật giao dịch điện tử. Theo đó, VNeID sở hữu tiềm năng ứng dụng rất lớn trong lĩnh vực xác thực danh tính điện tử. Hiện nay, dịch vụ này đang hoạt động hiệu quả, cung cấp một phương thức xác thực an toàn và nhanh chóng cho người dùng, đặc biệt là trong quá trình xác thực STH với tài khoản và giao dịch ngân hàng.
Tuy nhiên, việc chưa được công nhận tương đương với chữ ký số trong Luật giao dịch điện tử đang hạn chế tiềm năng của VNeID trong ngành tài chính ngân hàng, phát sinh thêm thao tác, giấy tờ trong nhiều giao dịch đặc thù của khách hàng.
Với chức năng xác định điểm khả tin của khách hàng cá nhân, trong quá trình triển khai, các ngân hàng thương mại cũng ghi nhận nhiều vướng mắc pháp lý với các pháp nhân như Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và CCCD (RAR) và công ty Bklytics, dẫn tới khó khăn trong việc khai thác dữ liệu của KH trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tháo gỡ những vướng mắc
Để VNeID tiếp tục được ứng dụng sâu rộng trong đời sống, việc tuyên truyền và hướng dẫn sử dụng là rất quan trọng. Vietcombank sẵn sàng đóng vai trò cầu nối, tích hợp VNeID vào việc cung cấp sản phẩm dịch vụ và thực hiện thanh toán cho người dân.
Đặc biệt, việc điều chỉnh và công nhận VNeID về mặt pháp lý sẽ thúc đẩy việc sử dụng nó trong các giao dịch điện tử một cách toàn diện và chính thức. Điều này không chỉ mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các dịch vụ số mà còn nâng cao trải nghiệm người dùng, đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin trong các giao dịch trực tuyến, với xác thực qua VNeID tương đương với việc sử dụng chữ ký số.
Với định hướng phát triển, VNeID sẽ trở thành ứng dụng định danh quốc gia, cung cấp nhiều tiện ích toàn diện và đa năng. Đầu tiên, trong việc xác thực danh tính, VNeID cho phép người dùng xác minh nhanh chóng và an toàn trong các giao dịch trực tuyến, đồng thời đơn giản hóa thủ tục hành chính và dịch vụ công cộng. Ngoài ra, VNeID cũng hỗ trợ quy trình xác thực và thẩm định cho khách hàng khi có nhu cầu vay vốn.
Thứ hai, việc tích hợp thông tin nhân thân sẽ giúp đơn giản hóa quá trình mở tài khoản ngân hàng và sử dụng các dịch vụ tài chính khác. Bên cạnh đó, VNeID cũng có thể được tích hợp vào các nền tảng thương mại điện tử, đảm bảo an toàn cho các giao dịch mua sắm trực tuyến.
Thứ ba, VNeID còn tăng cường bảo mật và tiện lợi cho người dùng. Ứng dụng này cho phép đăng nhập vào các dịch vụ trực tuyến một cách an toàn, cung cấp xác thực hai yếu tố (2FA) để tăng cường bảo mật cho các giao dịch và hoạt động trực tuyến, cũng như hỗ trợ các giao dịch thanh toán điện tử từ mua sắm trực tuyến đến thanh toán hóa đơn.
Một số ví dụ cụ thể về ứng dụng VNeID bao gồm việc hoàn thiện thủ tục tại bệnh viện, trường học, như đăng ký khám chữa bệnh, quản lý học bạ, liên kết tài khoản ngân hàng để thanh toán chi phí và bảo hiểm y tế, giúp giảm thiểu hồ sơ và quy trình. Ngoài ra, VNeID còn có thể được sử dụng để thanh toán các phí, lệ phí giao thông dựa trên dữ liệu xe cơ giới được đồng nhất. Tóm lại, với những tiện ích này, VNeID không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động trong các lĩnh vực mà còn góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Với những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý trong quá trình triển khai hệ thống xác định điểm khả tín của khách hàng đã định danh, ngoài việc Vietcombank chủ động đàm phán với các bên liên quan, rất cần sự vào cuộc của Ngân hàng nhà nước trong việc hỗ trợ, làm việc tổng thể với Bộ Công an và Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và CCCD để phát huy được hết tiềm năng của Đề án.
Ngân hàng Nhà nước cũng nên có văn bản cụ thể nhằm hướng dẫn các TCTD về căn cứ pháp lý và phương thức phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Công an phục vụ công tác rà soát đối tượng nghi ngờ, giả mạo giấy tờ với dữ liệu sinh trắc của CCCD phục vụ công tác phòng, chống tội phạm.
Thành công của ngành ngân hàng trong việc tham gia triển khai các kế hoạch thuộc Đề án 06 không chỉ góp phần bảo vệ tài sản của người dân và doanh nghiệp mà còn nâng cao hiệu quả hoạt động của toàn ngành. Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, việc tháo gỡ các vướng mắc pháp lý và tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan là rất cần thiết, giúp phát huy tối đa tiềm năng của Đề án, mang lại dư địa phát triển mới cho toàn ngành ngân hàng.