Để dạy thêm - học thêm đi vào nề nếp

Thông tư 29/2024 của Bộ GD&ĐT mở đường quản lý hoạt động dạy thêm - học thêm (chứ không cấm) là một động thái hợp lý của ngành giáo dục.

Mới đây, một giáo viên cấp II ở TP.HCM gọi cho tôi nhờ giải thích kỹ về quy định mới đối với việc dạy thêm - học thêm. Không chỉ giáo viên, rất nhiều phụ huynh và học sinh bày tỏ lo lắng, băn khoăn về việc dạy thêm - học thêm trong bối cảnh quy định mới sẽ có hiệu lực vào cuối tuần này (ngày 14-2).

Theo đó, Thông tư 29/2024 về dạy thêm - học thêm do Bộ GD&ĐT ban hành từ cuối tháng 12-2024 có điểm mới đáng chú ý: Trường học chỉ được dạy thêm ba nhóm với điều kiện phải miễn phí, gồm: Nhóm những học sinh (HS) có kết quả chưa đạt; các HS được chọn bồi dưỡng HS giỏi; HS cuối cấp, tự nguyện đăng ký ôn thi. Ngoài ra, nếu dạy thêm ở ngoài trường, giáo viên (GV) không được thu tiền dạy thêm với HS trên lớp của mình.

 Theo Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm, việc dạy thêm trong trường miễn phí đối với học sinh. Trong ảnh, một giờ học của cô trò Trường THCS Hà Huy Tập, quận Bình Thạnh. Ảnh minh họa: NGUYỄN QUYÊN

Theo Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm, việc dạy thêm trong trường miễn phí đối với học sinh. Trong ảnh, một giờ học của cô trò Trường THCS Hà Huy Tập, quận Bình Thạnh. Ảnh minh họa: NGUYỄN QUYÊN

Dạy thêm - học thêm là vấn đề tồn tại từ rất lâu ở nước ta, rất khó xóa bỏ. Đúng như phân nhóm của Bộ GD&ĐT ở Thông tư 29/2024, HS yếu cần được dành thêm thời gian để tiến bộ; HS giỏi cần thêm thời gian để cạnh tranh ở các kỳ thi tuyển chọn người tài; hay đơn thuần có những HS muốn học để an tâm, tự tin bước vào các kỳ thi lớn, chuyển cấp…

Ở góc độ GV, việc dạy thêm cũng là một nhu cầu tất yếu để đáp ứng mong mỏi của HS và phụ huynh, nhằm giúp HS tiến bộ. Đồng thời, đó cũng là công việc gắn liền với chuyên môn mang lại một khoản thu nhập chính đáng để cải thiện cuộc sống (trong bối cảnh thu nhập của ngành giáo dục còn chưa cao). Dạy thêm cũng như làm thêm, GV phải đầu tư thời gian, tâm trí, sức khỏe để kiếm thêm thu nhập, việc ấy là hoàn toàn chính đáng. Không chỉ ở Việt Nam, ngay cả các nước phát triển như Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…, việc dạy thêm - học thêm vẫn được phép tồn tại, được Nhà nước tạo hành lang pháp lý để quản lý.

Tuy nhiên, khác với nhiều nước, việc dạy thêm - học thêm ở Việt Nam trước đây xuất hiện một số bất cập. Hồi tháng 10 năm ngoái, báo chí đưa tin một GV thuộc một trường học ở quận 8, TP.HCM bị tố “ép” HS học thêm. Thậm chí đã có một giai đoạn dài nhiều GV sáng dạy trên lớp, chiều dạy thêm ở nhà; ngày dạy ở trường, tối về lên đèn dạy thêm chính những HS của mình. Những học trò thế hệ 8X, 9X như chúng tôi cũng quen thuộc với việc “học thêm đi tụi bây, thầy cô dạy thêm những kiến thức mà trên lớp mình không được học” hoặc học thêm thì xác suất thi điểm tốt cao hơn, dễ “trúng tủ” hơn, quen “cách giải đề” hơn...

Ở một khía cạnh khác, nhiều phụ huynh, HS xem việc học thêm là “nghĩa vụ”. Đó là chưa kể không ít phụ huynh có tâm lý cho con học thêm để rảnh tay chân, an tâm làm việc khác mà không lo con cái mê mẩn, sa đà vào điện thoại, máy tính hay các hoạt động vô bổ, thậm chí là nguy hiểm.

Công bằng mà nói, còn có một nguyên nhân khác nữa góp phần thúc đẩy nhu cầu học thêm - dạy thêm: Chương trình giáo dục ở nước ta dường như quá nặng. Nếu mọi HS đều theo kịp bài vở, hiểu tường tận tất cả bài học trên lớp thì dù có ai đó gợi ý hay ép buộc, chưa chắc HS đã chịu đi học thêm.

Thật khó để có thể chứng minh GV sẽ công tâm, khách quan với những HS vừa học trên lớp vừa học thêm với những HS còn lại. Và cũng rất khó để các phụ huynh và HS có thể vượt qua tâm lý “lớp con ai cũng đăng ký học thêm thầy cô của con, không đi có khi con phải… ở lại”.

Nhìn tổng thể, như Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận xét: Thời gian qua, việc quản lý hoạt động dạy thêm - học thêm ở một số địa phương còn bất cập, chưa được kịp thời xử lý, làm ảnh hưởng đến các hoạt động dạy và học tại các nhà trường, đồng thời cũng tạo dư luận không tốt trong xã hội.

Khi những quy chuẩn đạo đức thông thường không điều chỉnh được vấn đề dạy thêm - học thêm thì một văn bản pháp lý ra đời để điều chỉnh là điều cần thiết. Vì vậy, Thông tư 29/2024 của Bộ GD&ĐT mở đường quản lý hoạt động dạy thêm - học thêm (chứ không cấm) là một động thái hợp lý của ngành giáo dục. HS nào muốn học thêm trên lớp hay ở ngoài đều có không gian và GV muốn dạy thêm cũng không phải là không có cách.

Tất nhiên khi một quy định mới được ban hành sẽ có những xáo trộn nhất định, tâm lý lo lắng nhất định ở cả GV, phụ huynh và HS. Thế nhưng từng bước đưa hoạt động dạy thêm - học thêm vào nề nếp là cách làm đúng, cần được ủng hộ.

Bài toán lớn nhất ở đây là làm sao để chương trình giảng dạy không tạo ra những áp lực quá lớn, không cần thiết về thành tích, thi cử; phụ huynh và HS không còn mang nặng tâm lý làm sao để thầy cô “để ý”, “quan tâm”, “ưu ái” đến mình nhiều hơn. Khi mỗi ngày đến trường là một ngày vui vì các em được học thêm điều mới, thú vị, hấp dẫn, gần gũi thì có lẽ việc dạy thêm - học thêm không còn là chuyện đáng bàn.

ĐỖ THIỆN

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/de-day-them-hoc-them-di-vao-ne-nep-post833477.html
Zalo